21/07/2012 07:00 GMT+7

Gia tài của những người cha

MAI VINH - LÊ DUNG
MAI VINH - LÊ DUNG

TT - Không chịu cảnh nghèo, những người đàn ông giã biệt mảnh đất miền Trung cháy nắng, đến cao nguyên Lâm Đồng tìm cơ hội đổi đời. Vật lộn với cuộc sống, nay họ vẫn hoàn nghèo khó nhưng nuôi được con ăn học.

Chương trình Tiếp sức nhà nông cho con đến trường * Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Công ty CP GreenFeed VN, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đắk Nông, Lâm Đồng * Tài trợ: Công ty cổ phần GreenFeed VN.

HPdUlr9B.jpgPhóng to

Hai con bò là tất cả tài sản mà ông Nguyễn Văn Châu (phải) dành để lo cho các con đến trường - Ảnh: Mai Vinh

Và đó là gia tài lớn nhất mà họ có suốt những năm tháng vật lộn với miếng cơm manh áo.

Bán đất lo học phí cho con

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Châu (xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh). Ông vừa đi học lớp trồng ca cao do xã tổ chức về. “Tôi có bốn đứa con, hai đứa vào cao đẳng rồi, một đứa vừa thi đại học, một đứa học cấp III. Nếu mấy đứa chịu học thì dù chỉ còn một mảnh đất dựng chòi tôi cũng ráng lo. Đời tôi hận nhất là đã bỏ học, giờ con tôi giống tôi thì 30 năm tha phương của tôi là bọt biển sao” - ông nói. Đợt này cậu con trai Nguyễn Văn Tài được nhận học bổng “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Đây là gia đình duy nhất ở xã này có hai con học cao đẳng. Vợ ông Châu đã mất, mình ông gà trống nuôi con.

Nói về bố mình, Như kể: những đêm 30 tết, khi mà hàng xóm ăn mừng năm mới thì bố còn đi gánh từng thùng nước tưới cà phê. Ông luôn dặn hai chị em: “Ngày trước vì nhà nghèo khó nên 17 tuổi bố phải bỏ học kiếm ăn, tụi con đừng ham kiếm tiền mà bỏ học như bố”. Căn nhà tuềnh toàng không có bàn tiếp khách nhưng có đến ba chiếc bàn học dù chỉ là những miếng gỗ tạp ghép thành.

Như nói bố sợ nhất là chị em tự ti với bạn bè mà bỏ học: “Bố chạy vạy khắp nơi để có tiền cho chị em đóng học phí đúng ngày. Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ chúng tôi phải đóng học phí trễ dù chỉ một ngày nhưng hầu như những lúc ngặt nghèo là bố phải bán ít đất vườn...”. Ông Châu nói: “Đất đai thì có nghĩa gì đâu, chủ yếu là mấy đứa nó học tới nơi tới chốn, kiếm được việc đúng sở trường”.

“Than hồng” trong chiếc balô

Ở xã bên là nhà ông Trần Đề, ông có một con gái Trần Thị Thanh Mai hiện đang là sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM. Ông đang đi làm mướn cho một chủ rẫy cà phê ở xã Tân Châu, huyện Di Linh. Ông cũng là dân nghèo Quảng Trị, vào đất này lập nghiệp đã hơn 30 năm.

Trời cao nguyên lạnh như cắt. Đống lửa giữa rừng núi không xua được hết cái lạnh nên ông cứ xoa tay liên tục. Vợ ông bị bệnh gan nhiều năm, không bươn chải được nên ông phải ăn rừng ở núi kiếm tiền lo cho gia đình. Đã vậy hiện ông Đề còn phải làm cật lực để kiếm tiền lo cho con gái Trần Hoàng Hạ đang phẫu thuật chỉnh hình xương ống chân. Trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, Hạ xin gia đình xuống TP.HCM kiếm tiền phụ gia đình, chưa kịp nhận lương tháng đầu thì bị tai nạn giao thông gãy chân. Ông còn cô con gái út 9 tuổi, “nên dù có già yếu cũng phải ráng làm rẫy thêm chừng 10 năm nữa để lo cho con”.

Ông tâm tình: “May mà năm nào con tôi cũng được nhận giấy khen học sinh giỏi. Thôi, coi như không bõ công mình dầm mưa dãi nắng”. Thường người ta dán giấy khen của con cái ở nhà và lấy đó làm niềm tự hào với lối xóm, ông Đề lại gom tất cả vào balô mang lên rẫy. Với ông, đó là những viên than hồng xua hơi lạnh đêm về và tiếp sức cho ông giữa chốn núi rừng heo hút.

10 tỉ đồng cho 8 tỉnh

Hôm nay 21-7, tại Lâm Đồng, báo Tuổi Trẻ cùng Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam sẽ trao vốn cho 120 hộ nông dân hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Mỗi hộ sẽ nhận được hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong hai năm là 12 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi (trị giá 2 triệu đồng), được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí trong hai năm. Ngoài ra, mỗi gia đình có con em học giỏi sẽ được nhận một phần thưởng là 500.000 đồng, ban tổ chức còn dành tặng năm suất quà đặc biệt trị giá 600.000 đồng/suất cho những gia đình tiêu biểu của chương trình ở mỗi tỉnh. Đợt trao vốn cho nông dân tại Lâm Đồng, Đắk Nông nằm trong giai đoạn 2 của chương trình (2012-2014) diễn ra tại tám tỉnh trên cả nước (Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Nam) với 10 tỉ đồng cho 480 hộ nông dân.

Đặc biệt trong thời gian tham gia chương trình, sau mỗi năm học con em của các hộ nông dân sẽ được xét tặng học bổng trị giá 500.000-3.000.000 đồng mỗi em khi đạt được thành tích học tập xuất sắc. Ngoài ra, sau hai năm tham gia chương trình, những hộ nông dân làm ăn hiệu quả và có con em học khá, giỏi, xuất sắc sẽ được trích thưởng 20% số vốn vay. Tổng giá trị tiền thưởng, học bổng cho các hộ nông dân và con em học khá, giỏi, xuất sắc trong năm 2012-2014 dự kiến trên 1 tỉ đồng.

Giai đoạn 1 (2010-2012) triển khai ở Long An, Bình Định, Hưng Yên và Đồng Nai chương trình đã trao tổng số vốn 3 tỉ đồng.

MAI VINH - LÊ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên