18/11/2015 15:31 GMT+7

“Gia đình thánh chiến” ám ảnh nước Pháp và phương Tây

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Trong cả hai vụ tấn công khủng bố gây chấn động nước Pháp vào tháng 1 và 11, các hung thủ đều có quan hệ huyết thống với nhau. Tại sao thành viên các nhóm cực đoan đều là các anh em một nhà?

Thành viên các tổ chức khủng bố Hồi giáo thường gọi nhau là anh em. Đó là cách những người trẻ trên khắp thế giới xưng hô với nhau, nhưng trong các nhóm khủng bố, các thành viên thực sự là anh em ruột.

Theo cơ quan điều tra Pháp, trong số những kẻ tắm máu ở Paris đêm 13-11 có Ibrahim Abdeslam, tên đánh bom tự sát bên ngoài nhà hàng Comptoir Voltaire.

Em trai hắn là Salah Abdeslam đang lẩn trốn. Người anh em thứ ba Mohammed đã bị bắt ở Bỉ hồi đầu tuần nhưng sau đó được thả ra. Mohammed khẳng định không hề có liên quan đến hành vi cực đoan của hai anh em mình.

Nghi can  Salah Abdeslam đang lẩn trốn có anh trai đánh bom tự sát tại Paris - Ảnh: Guardian

Hiện tượng phổ biến

Abdelhamid Abaaoud, kẻ bị tình nghi là đầu não lên kế hoạch thực hiện vụ khủng bố 13-11, từng mang cậu em trai 13 tuổi sang Syria để gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai anh em hắn xuất hiện trong một video quay cảnh một chiếc xe tải kéo theo nhiều thi thể binh sĩ Syria.

Hồi tháng 1, hai anh em nhà Kouachi đã thực hiện cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí biếm Charlie Hebdo ở Paris. Kẻ cực đoan Mohammed Merah từng giết bảy người ở miền tây nam Pháp hồi năm 2012 có em trai hiện đang bị giam.

Không chỉ ở Pháp, các gia đình khủng bố cũng là hiện tượng thường thấy ở nhiều nước khác. Tại Mỹ anh em nhà Tsarnaev gây chấn động với vụ đánh bom ở Boston năm 2013. Theo tình báo châu Âu, rất nhiều nhóm thanh niên trốn sang Syria và Iraq để gia nhập IS hoặc các nhóm khủng bố khác đều là thành viên gia đình.

Ví dụ hồi năm ngoái ba anh em trai tuổi từ 17 đến 21 đã rời Anh sang Syria để gia nhập nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria.

Aseel Muthana, 17 tuổi, đi cùng anh trai, một sinh viên y khoa, sang Syria gia nhập IS. Hồi tháng 10, một tòa án Anh xét xử hai anh em nhà Jaman vì tội tổ chức đưa người sang Syria gia nhập IS.

Hiện tượng “gia đình thánh chiến” thực tế không phải là mới. Khoảng 10 năm trước, tình báo Mỹ ở Iraq đã xác định việc có một thành viên gia đình cực đoan là dấu hiệu dự báo rõ ràng nhất là một cá nhân có thể đi theo con đường bạo lực.

Thành viên gia đình cực đoan có thể là một người anh hay người cha. Abdel-Majed Abdel Bary, rapper người Anh trở thành chuyên gia tuyển quân của IS, có cha là Adel Abdel Bary, phiến quân gốc Ai Cập từng tham gia vào các cuộc tấn công của Al-Qaeda nhắm vào các đại sứ quán Mỹ tại Đông Phi.

Anh em Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev, hai kẻ đánh bom Boston - Ảnh: Guardian

Chủ nghĩa khủng bố mang tính xã hội cao

Nghiên cứu của tổ chức New America cho biết hơn 25% phiến quân Hồi giáo là công dân phương Tây có quan hệ gia đình với các phần tử “thánh chiến”.

Nghiên cứu của ĐH Pennsylvania trên 120 tên khủng bố “sói cô độc” cho kết quả trong 64% trường hợp, các thành viên gia đình và bạn bè của chúng đều biết rõ và dung túng hành vi cực đoan.

Các chuyên gia chống khủng bố nhận định hiểu rõ mối quan hệ gia đình là một phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ quá trình cực đoan hóa của các cá nhân.

Quan niệm phổ biến là kẻ cực đoan bị lôi kéo, tẩy não bởi một kẻ cực đoan khác trực tiếp hoặc qua mạng internet. Nhưng thực tế là khủng bố là hiện tượng mang tính chất xã hội cao độ.

Anh em Cherif và Said Kouachi, hai kẻ thảm sát 12 người ở tạp chí Charlie Hebdo - Ảnh: Guardian

Và vấn đề là những kẻ đi vào con đường cực đoan ban đầu quan tâm đến những ý tưởng cực đoan bởi các thành viên trong gia đình người đó cũng từng làm như thế.

“Việc khủng bố tuyển quân phụ thuộc vào quan hệ. Đó là quan hệ họ hàng thân thích, bạn bè. Đây là hiện tượng nhóm rất mạnh”, báo Guardian dẫn lời chuyên gia Bỉ Rik Coolsaet nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng phải hiểu rõ sự kết nối này thì nhà chức trách các nước mới có thể tổ chức các chương trình chống cực đoan có hiệu quả để ngăn chặn thanh niên Hồi giáo ngả theo con đường bạo lực chết chóc mà IS đang mời gọi.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: khủng bố Paris anh em