08/01/2025 13:51 GMT+7

Giá củ mì rớt thảm, nông dân lo mất Tết

Tết Ất Tỵ đã cận kề nhưng giá củ mì (sắn) ở Ninh Thuận đang giảm sâu khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Giá củ mì rớt thảm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 1.

Cây mì là cây trồng chủ lực của nông dân Hòa Sơn với 1.200ha. Đây cũng là nguồn thu chính trước Tết Nguyên đán hằng năm của nhà nông - Ảnh: AN ANH

Ngày 8-1, vào thời điểm thu hoạch cao điểm, nhưng tại vùng chuyên canh cây mì lớn nhất tỉnh Ninh Thuận ở 2 xã Quảng Sơn và Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) không khí thiếu sự rộn ràng vì giá mua củ mì liên tục giảm.

Nông dân lo mất Tết vì giá củ mì giảm sâu

Nông dân Nguyễn Thị Như Quỳnh ở thôn Tân Lập (xã Hòa Sơn) thở dài cho biết so với năm trước thì giá củ mì năm nay giảm 50%, và đang tiếp tục đà giảm khiến nông dân vô cùng sốt ruột.

Theo chị Quỳnh, năm trước giá củ mì bán xô ở mức 2.500 - 2.700 đồng/kg, riêng mì có độ bột cao 30% bán được 3.200 đồng/kg.

Nhưng năm nay giá củ mì tươi liên tục giảm sâu, hiện giá bán xô cho thương lái chỉ 1.300 đồng/kg, mì đạt 30% độ bột cũng chỉ 2.200 đồng/kg.

"Năm nay phân thuốc và công lao động đều tăng, trong khi giá bán mì lại giảm nên nông dân thua lỗ nặng. Bỏ vốn gần 15 triệu đồng để đầu tư trồng 1,3ha mì từ tháng 3-2024 đến nay, nếu bán với giá này, gia đình tôi chỉ thu lại vốn, công cán bỏ ra coi như mất trắng" - chị Quỳnh nói.

Giá củ mì rớt thảm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh lo mất Tết vì giá củ mì liên tục giảm sâu - Ảnh: AN ANH

Cách đó không xa, anh Lê Tuấn Hải có hơn 1,2ha mì đang thu hoạch. Anh cho biết nếu như mọi năm thì với giá bán 2.500 - 2.700 đồng/kg, gia đình anh thu lãi khoảng 13 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, giá củ mì liên tục giảm, khiến gia đình anh như ngồi trên đống lửa.

Chung cảnh ngộ với anh Hải, chị Quỳnh còn có hàng trăm nông dân khác ở xã Hòa Sơn, Quảng Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và Phước Hòa, Phước Tiến, Phước Đại (huyện Bác Ái).

Có kế hoạch phát triển nhưng chưa ổn định đầu ra, giá cả

Giá củ mì rớt thảm, nông dân lo mất Tết - Ảnh 3.

Định hướng đến năm 2025 tỉnh Ninh Thuận mở rộng diện tích trồng mì lên 5.120ha - Ảnh: AN ANH

2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái là địa phương có diện tích trồng mì lớn nhất Ninh Thuận với tổng diện tích khoảng 3.300ha. Trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Ninh Sơn với 3.145ha.

Bà Nguyễn Thị Tâm - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn - cho biết hiện nông dân trên địa bàn bắt đầu bước vào mùa thu hoạch mì, dự kiến năng suất và độ bột vẫn ở mức ổn định. Tuy nhiên, giá bán đã giảm mạnh so với năm trước nên nông dân rất khó khăn.

"Giá mì tươi giảm mạnh do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc." - bà Tâm cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để cây mì phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó định hướng phát triển cây mì của tỉnh đến năm 2025 ổn định diện tích trồng khoảng 5.120ha, sản lượng đạt 111.300 tấn, tập trung ở địa bàn 2 huyện Ninh Sơn 3.400ha và Bác Ái 1.500ha.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh các tiến bộ kỹ thuật về giống và quy trình canh tác bền vững vào sản xuất mì, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trống mì.

Địa phương này cũng phấn đấu đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định cho nông dân trồng mì.

Giá củ mì rớt thảm, nông dân Ninh Thuận lo mất Tết - Ảnh 4.Ninh Thuận 'điểm mặt' 32 dự án chậm tiến độ, xử lý 8 trụ sở sử dụng chưa hiệu quả

UBND tỉnh Ninh Thuận xác định sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý 32 dự án chậm tiến độ, rà soát nhu cầu và xử lý đối với 8 trụ sở, công sở hoạt động chưa hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên