
Giá cà phê rớt khủng khiếp chỉ sau một đêm 7-4 - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Sáng 8-4, kết thúc phiên giao dịch hàng hóa, Tuổi Trẻ Online ghi nhận thị trường quốc tế, giá cà phê Robusta trên sàn London - Anh rớt khoảng 6,18 - 6,4%; cà phê Arabica trên sàn NewYork - Mỹ rớt giá khoảng 6,8 - 7,12%.
Cụ thể, giá cà phê Robusta có kỳ hạn giao hàng tháng 5, giảm 316 USD/tấn, còn 4.796 USD/tấn; giao hàng tháng 7, giảm 328 USD/tấn, còn 4.800 USD/tấn; giao hàng tháng 9, giảm 317 USD/tấn, còn 4.765 USD/tấn, và nếu giao hàng tháng 11 giảm 310 USD/tấn, còn 4.686 USD/tấn.
Như vậy, chỉ trong một đêm giá cà phê Robusta trên sàn London đã mất dao động 8.000 - 8.400 đồng/kg, còn hơn 119.000 - hơn 122.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trước đó 2 phiên giao dịch trên sàn London, nhiều doanh nghiệp giữ hàng "chưa thể hoàn hồn" vì cú sốc với cà phê kỳ hạn giao tháng 7, giảm một con số lớn chưa từng có, giảm đến 611 USD/tấn.
Trong khi đó, ghi nhận thị trường cà phê trong nước giao dịch lại sau 3 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, đang có mức giá dao động hơn 127.000 đồng/kg; riêng cà phê ở tỉnh Lâm Đồng thấp hơn, chỉ 126.000 đồng/kg.
Nhìn nhận giá cà phê, một số doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính là ảnh hưởng tác động từ khi có thông tin Mỹ áp thuế đối ứng với các nước, giá cà phê rớt thê thảm dưới áp lực chung của thế giới, trong khi nguồn cung - cầu vẫn không biến động.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự đoán những ngày đến giá cà phê vẫn còn tiếp tục giảm mạnh.
Giá cà phê Việt tăng gần 72%, xuất nhiều nhất sang Ba Lan trong quý 1-2025
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cà phê Việt Nam xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 510.000 tấn, mang về gần 2,9 tỉ USD, giảm gần 13% về khối lượng nhưng tăng gần 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm 2024.
Đức, Ý và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,2%, 9,9% và 7,4%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Ba Lan với mức tăng 3,1 lần; trong khi Indonesia là thị trường duy nhất có giá trị xuất khẩu giảm với mức giảm 37,5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận