04/11/2016 09:33 GMT+7

Ghi chép của phóng viên Tuổi Trẻ từ Mỹ: Trầm lắng bang xanh

QUỲNH TRUNG (Từ California, Mỹ)
QUỲNH TRUNG (Từ California, Mỹ)

TTO - Chỉ vài ngày nữa là diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ (8-11), nhưng không khí ở quận Cam, tiểu bang California, “thủ phủ” của cộng đồng người Việt ở Mỹ (khoảng 180.000 người), khá trầm lắng.

Một cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu sớm ở TP Westminster, quận Cam, tiểu bang California - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Một cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu sớm ở TP Westminster, quận Cam, tiểu bang California - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Đối với tôi, Cộng hòa hay Dân chủ không thành vấn đề. Vấn đề là nếu ai lên làm tổng thống thì họ làm được những gì

Ông VÕ THIÊN, cử tri quận Cam, California

California trong vài thập kỷ gần đây được coi là “blue state” (bang xanh) có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ nên gần như đã đoán trước được kết quả. Do đó cả hai ứng cử viên tổng thống quyết định không vận động ở đây.

Trong nhiều ngày lưu lại quận Cam, chúng tôi hầu như không thấy những biểu ngữ hay băngrôn vận động tranh cử của bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump.

Ngược lại, các ứng cử viên gốc Việt tung tiền quảng cáo trên các trang báo địa phương và đặt các băngrôn, biểu ngữ dọc các đại lộ ở quận Cam để vận động mọi người đi bỏ phiếu cho mình ở các chức vụ các cấp như giám sát viên, dân biểu, nghị viên giáo dục...

Thờ ơ

Theo số liệu mới nhất do các cơ quan phụ trách bầu cử ở quận Cam công bố, có khoảng 95.000 cử tri gốc Việt tại quận Cam đã ghi danh, trong số đó khoảng 28.000 (30%) cử tri ghi danh theo Đảng Dân chủ, 33.500 (35%) ghi danh theo Đảng Cộng hòa và 30.000 (30%) không ghi danh theo đảng nào.

Các tờ báo tiếng Việt trong cộng đồng người Việt dành hẳn chuyên trang kêu gọi cử tri đi bầu vì quyền lợi của họ. Các tờ báo này nhấn mạnh rằng trong kỳ bầu cử sắp tới, sự tham gia bầu cử đông đảo của các cử tri gốc Việt rất quan trọng để gia tăng sức mạnh chính trị của cộng đồng.

Có mặt bên trong khu thương mại Phước Lộc Thọ ở khu Little Saigon, chúng tôi thấy nhiều bậc cao niên người Việt rôm rả tán chuyện. Khi tôi lân la dò hỏi họ chọn ai thì đa số lắc đầu, nêu lý do “đây là quyền lựa chọn cá nhân nên không tiết lộ được”.

Tuy nhiên, cũng có những người vui vẻ tiết lộ lựa chọn của họ như người đàn ông tên Đức, 68 tuổi, có nhà gần chợ Bà Chiểu (TP.HCM) và đã sinh sống ở quận Cam hơn 20 năm qua. Ông Đức thẳng thắn cho biết: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton vì bà ấy có gia tộc chính trị, chồng bà là cựu tổng thống Bill Clinton và bản thân bà cũng đã trải qua vị trí ngoại trưởng Mỹ”.

Còn ông Võ Thiên, 85 tuổi, một cư dân quận Cam, đã ở Mỹ khoảng 25 năm, nói sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. “Bà Clinton chỉ kế tục Obama thôi, chẳng có gì xuất sắc” - ông Thiên lý giải ngắn gọn. Nhận xét về ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Thiên nói: “Ông Trump ẩu tả, nói không suy nghĩ. Nhưng điều đó cho thấy ông ấy thẳng thắn, dám làm những điều người khác không dám làm. Đó là tính cách mà một số người mong đợi, trong đó có tôi”.

Ngoài ông Đức và ông Thiên, nhìn chung, hầu hết những người Việt mà chúng tôi tiếp xúc ở trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ dường như không quan tâm đến bầu cử Mỹ bởi lý do nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống, công việc của họ.

Không chỉ người Việt ở quận Cam, mà người Việt ở nhiều khu khác cũng khá thờ ơ với chính trị. Vy Hoàng, 27 tuổi, sống ở khu South El Monte ở Los Angeles và đang kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cho biết cô không quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ và cũng không chắc có đi bầu hay không.

“Tôi nghĩ lá phiếu phổ thông của mình không có tác động gì cả. Tác động chính là lá phiếu đại cử tri. Ai làm tổng thống cũng không ảnh hưởng đến những người tầng lớp trung lưu như chúng tôi” - cô nói.

Đi bầu vì quyền lợi của mình

Lý giải với Tuổi Trẻ lý do tại sao người Việt không quan tâm nhiều đến bầu cử Mỹ, ông Đ.D., người có nhiều năm quan sát bầu cử Mỹ, nêu ba lý do chính:

Đầu tiên, nhiều người Việt quan niệm Mỹ là quốc gia “tạm dung” (nơi ở tạm) nên họ không quan tâm chính trị lắm.

Hai là, cộng đồng người Việt quá nhỏ, chỉ chiếm 1% dân số Mỹ (khoảng 3 triệu/320 triệu dân).

Cuối cùng, California là bang xanh nên không bầu cũng biết chắc ai sẽ thắng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ân Đặng (72 tuổi), giáo sư Trường ĐH Arkansas, đang sinh sống ở quận Cam, cho biết người Việt ở Mỹ ít khi tận dụng quyền lợi từ lá phiếu bầu cử vì hiếm khi đi bầu.

“Mình muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình thì phải bầu những người gốc Việt vào quốc hội. Hiện chưa có dân biểu người Việt nào trong Quốc hội Mỹ. Nếu có người gốc Việt trong quốc hội thì họ có thể góp ý vào những dự luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt” - ông Ân nói.

Vị giáo sư 72 tuổi cho biết điều ông mong mỏi nhất chính là ngày càng nhiều người gốc Việt tham gia vào chính trường. “Những người già như tôi thì tham gia hơi khó, nhưng người trẻ tham gia vào chính trị là rất tốt, để nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng gốc Việt” - ông bộc bạch.

California là bang có số phiếu đại cử tri nhiều nhất. Trong 6 kỳ bầu cử tổng thống liên tiếp gần đây kể từ năm 1992, Đảng Dân chủ luôn thắng tại bang này, giành trọn 55 phiếu đại cử tri.

QUỲNH TRUNG (Từ California, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên