31/10/2020 13:40 GMT+7

Ghép ruột non cho bệnh nhân chỉ còn 20cm ruột

L.ANH
L.ANH

TTO - 2 ca ghép ruột non cho 2 bệnh nhân bị hoại tử gần hết ruột non và hội chứng ruột ngắn, ruột non chỉ còn 20cm trong khi bình thường ruột non dài 5-9m vừa được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103, Học vện Quân y.

Ghép ruột non cho bệnh nhân chỉ còn 20cm ruột - Ảnh 1.

Các bác sĩ thăm bệnh nhân sau ca mổ - Ảnh: ĐÌNH TÙNG

GS-TS Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, chủ nhiệm đề tài này, cho biết 2 bệnh nhân đều là nam, 42 và 26 tuổi, một người có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện và đã phải cắt một lượng lớn ruột (chiều dài ruột chỉ còn 80cm), suy ruột không hồi phục.

Người thứ 2 bị viêm phúc mạc hoại tử gần toàn bộ ruột non, bệnh viện địa phương đã phẫu thuật cắt gần toàn bộ ruột (hiện chỉ còn gàn 20cm) và hiện bị suy mòn, suy kiệt do ruột cực ngắn. Trong gần 1 tháng trước phẫu thuật, bệnh nhân đã gầy 8kg.

Cả 2 ca bệnh này có chỉ định ghép ruột điều trị và đây là phương thức điều trị cuối cùng. Ngày 27 và 28-10 vừa qua, Bệnh viện 103 Học viện Quân y với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản đã thực hiện thành công 2 ca ghép cho bệnh nhân. 

Người hiến ruột là mẹ đẻ (hiến cho bệnh nhân 26 tuổi) và em ruột (hiến cho bệnh nhân 42 tuổi), mỗi người được ghép trên 1m ruột non mới.

Ông Đỗ Quyết chia sẻ về ca phẫu thuật ghép ruột đầu tiên thực hiện tại Việt Nam

"2 ca ghép kéo dài trong 12g. Sau mổ cả 2 người bệnh đều ổn định, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, bệnh nhân nói được, không có dấu hiệu của thải ghép cấp"- ông Quyết cho biết.

Để chuẩn bị cho 2 ca ghép này, ông Quyết cho biết Học viện Quân y đã tiến hành chuẩn bị từ 2018, đã tiến hành nhiều lần ghép thực nghiệm trên lợn để đảm bảo chuẩn bị thật kỹ để khi ghép trên người hiệu quả cao nhất.

Học viện Quân y là một trong những đơn vị đầu ngành về ghép tạng ở Việt Nam. Đây là cơ sở y tế tiến hành ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam (là nơi thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam năm 1992, ca ghép gan đầu tiên năm 2004, ca ghép tim đầu tiên năm 2010, ca ghép tụy thận đầu tiên năm 2014, ca ghép phổi đầu tiên năm 2017 và giờ là ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam).

Sau ca ghép này và với sự chuẩn bị đã có, ông Quyết cho biết Học viện Quân y tự tin có thể tiến hành ghép ruột thường quy, chuyên gia Nhật cũng đánh giá cao êkíp của học viện.

"Nhiều bệnh nhân có chỉ định ghép ruột, như bệnh nhân bị cắt mất ruột do tai nạn, do bệnh lý, do hội chứng ruột ngắn, trong số này nhiều trẻ em có chỉ định. Người hiến ruột hiến chừng trên 1m ruột trong khi bình thường mỗi người có từ 5-9m nên việc hiến ruột không có ảnh hưởng tới sức khỏe" - ông Quyết cho biết.

Việt Nam sẽ nghiên cứu ghép ruột Việt Nam sẽ nghiên cứu ghép ruột

TTO - Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia về ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức, ngay trong tháng 4 tới sẽ nộp hồ sơ đề tài nghiên cứu và thực hiện ghép ruột non ở người.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên