23/09/2013 02:43 GMT+7

Gặp tin nóng, luôn nhớ Tuổi Trẻ

ĐỖ QUYÊN
ĐỖ QUYÊN

TT - Vụ chìm canô ở Cần Giờ làm chín người chết và câu chuyện hai phụ huynh bị cắt cổ trước cổng trường tiểu học là hai thông tin nóng được nhiều bạn đọc quan tâm trên báo Tuổi Trẻ trong tháng 8-2013.

Giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 8-2013 trao đến hai bạn đọc đã báo hai tin nóng trên. Giải thưởng cũng trao đến hai tác giả có bài viết tạo được sự đồng cảm của nhiều bạn đọc: bài ""Từ chối đổi tiền hư" sai quy định" (Tuổi Trẻ ngày 13-8) và "Tôi không học được, sao bắt tôi học?" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 25-8).

Báo tin ngay cho Tuổi Trẻ

udB4nF0v.jpg
Ông Nguyễn Thành Huấn - Ảnh: G.T.
Ðã hơn nửa tháng sau câu chuyện "Hai phụ huynh bị cắt cổ trước cổng trường tiểu học" (Tuổi Trẻ 28-8), ông Nguyễn Thành Huấn (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn nguyên cảm xúc bàng hoàng khi nhắc lại sự việc. Ông kể: "Lúc đó tôi đang đợi đón con tại Trường tiểu học Tân Tạo A, tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân. Bất ngờ có một thanh niên đi xe máy cầm dao chạy vào trường cắt cổ hai phụ huynh cũng đang đợi con. Sự việc xảy ra quá nhanh, ai cũng vừa hoảng sợ vừa phẫn nộ mà không phản ứng gì kịp. Hầu hết phụ huynh đón con đều là phụ nữ nên cảnh tượng lúc ấy rất náo loạn. Chúng tôi chỉ biết dùng mũ bảo hiểm đánh đuổi tên gây án để hắn lên xe bỏ đi".

Là bạn đọc của báo Tuổi Trẻ nhiều năm nay, trong danh bạ của ông Huấn lúc nào cũng lưu số 0918033133 (số điện thoại đường dây nóng của báo) để mỗi khi có việc cần đến sự quan tâm của báo chí, ông đều gọi để báo tin. "Ngay sau khi chúng tôi đánh đuổi được kẻ gây án, tôi gọi liền cho Tuổi Trẻ báo tin vì biết rằng phóng viên Tuổi Trẻ sẽ có mặt kịp thời và công an sẽ vào cuộc tích cực hơn để tìm ra người gây án" - ông Huấn cho biết.

oBgduHXG.jpg
Ông Mai Văn Huyên - Ảnh: Gia Tiến
Cũng luôn nhớ đến Tuổi Trẻ vì là "tờ báo không thể thiếu của mình hằng ngày", phóng viên Mai Văn Huyên của báo Giao Thông, văn phòng đại diện phía Nam, đã chia sẻ cho phóng viên Tuổi Trẻ thông tin mà ông biết rất sớm nhờ lợi thế của người trong ngành: vụ chìm canô ở Cần Giờ sáng 3-8-2013.

Ông Huyên cho biết: "Lúc đó là 5g30, tôi vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày với Bộ Giao thông vận tải và dự định đánh một giấc cho hết mệt thì nhận được một cú điện thoại từ Cục Hàng hải báo tin vụ tai nạn thương tâm này. Tôi đã chia sẻ thông tin mình có cho đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ để cùng tác nghiệp. Sau đó, Tuổi Trẻ đã khai thác rất tốt đề tài này với một loạt 23 bài viết (bắt đầu từ số báo ngày 4-8-2013), cập nhật liên tục trên Tuổi Trẻ điện tử, khai thác rất nhiều khía cạnh vấn đề. Những bài báo đa chiều này đã gợi mở thêm đề tài cho tôi viết trên báo mình".

Cổ tích giữa đời thường

X3KRoWEU.jpg
Bà Đỗ Thị Huỳnh Hoa - Ảnh: Gia Tiến
Tác giả Ðỗ Thị Huỳnh Hoa (công tác tại Vietcombank Khu chế xuất Linh Trung 1, Q.Thủ Ðức, TP. HCM) đã nói như thế về câu chuyện đổi được tiền hư cho người nghèo sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết của bà: ""Từ chối đổi tiền hư" sai quy định". Là một cán bộ ngân hàng, nhưng khi đi đổi tiền hư giúp vợ chồng anh Nguyễn Trường Sanh đang bán ổi tại chợ Linh Xuân, Q.Thủ Ðức, bản thân bà cũng không thể đổi được. Vì thế, bà đã tìm hiểu về quy chế thu đổi tiền và mang tâm tư này gửi gắm đến báo Tuổi Trẻ. Bài báo đăng, ngân hàng đã đổi tiền và phải khá vất vả bà mới tìm lại được vợ chồng anh Sanh để trao lại số tiền này. Chính vì thế, bà Hoa đã không giấu được "Niềm vui đổi được tiền hư" (Tuổi Trẻ, 28-8-2013) khi tâm sự: "Sau khi nhận được 3,1 triệu đồng đã được đổi và chuyển đến anh Sanh, tôi hạnh phúc vô cùng với việc làm của mình. Với những người nghèo - rất nghèo, phải bôn ba khắp nơi để sinh nhai như vợ chồng anh Sanh, đổi được số tiền bị cháy sém một phần đó như là câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Tuổi Trẻ đã góp phần làm nên câu chuyện cổ tích này".

Tiếp xúc với tác giả Huỳnh Hoa, chúng tôi cũng cảm nhận tình yêu bà dành cho Tuổi Trẻ khi khoe hàng loạt giải thưởng mà bà đã nhận được từ Tuổi Trẻ khi tham gia những cuộc thi trên báo, cùng hơn 100 bài báo được đăng trên Tuổi Trẻ. Ðọc Tuổi Trẻ từ khi mới ra trường (năm 1985) đến nay, mỗi khi báo có đợt cải tiến, bà Hoa luôn là một trong những người tiên phong trong việc góp ý, hiến kế. "Tôi rất mừng khi Tuổi Trẻ vẫn luôn giữ lửa, giữ được "chất Tuổi Trẻ" trong từng bài báo, luôn đứng về lẽ phải, khai thác đề tài xuất phát từ nhu cầu xã hội chứ không chạy theo trào lưu" - bà Hoa chia sẻ.

AJMBDBOF.jpgPhóng toẢnh: H.H.Tác giả NGUYỄN PHI HÙNG:

Vui vì được sự đồng cảm

Tôi làm giáo viên lâu năm nên nhận ra rằng một số học sinh không học nổi không phải vì chương trình học quá nặng. Một hôm đọc được bài viết của PGS Văn Như Cương "Bàn về cấu trúc của giáo dục bậc THPT", tôi nghĩ nên phân luồng học tập cho học sinh ngay từ lớp 7, tức cấp THCS mới tốt hơn.

Gom những suy nghĩ rời ấy, tôi quyết định viết bài "Bỏ học và giải pháp khắc phục" và gửi cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Bài của tôi được tòa soạn đăng, sửa tít là "Tôi không học được, sao bắt tôi học?". Cũng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần có bài viết của TS Lê Vinh Quốc, coi bài viết của tôi như một sáng kiến, tôi rất cảm kích.

Ðược báo Tuổi Trẻ trao giải thưởng với lời nhắn "Bài viết được phản hồi tích cực", tôi rất vui vì có nhiều người cũng như mình, luôn trăn trở về giáo dục phổ thông hiện nay.

DUY THANH ghi

ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên