Tôi không học được, sao bắt tôi học?

TTCT - Học sinh bỏ học gây khó cho mục tiêu phổ cập giáo dục. Người ta nghĩ đến việc giảm tải chương trình như bám sát chuẩn kiến thức, không yêu cầu cao khi thi cử, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, viết lại sách giáo khoa để cắt bỏ những kiến thức được cho là hàn lâm...

Thế nhưng bỏ học vẫn hoàn bỏ học!

Phóng to
Đồ họa: L.T.

Nguyên nhân bỏ học

Có ba nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học: nhà nghèo, ham chơi và học dở. Tuy nhiên, đa số học sinh bỏ học đều hội đủ ba nguyên nhân nêu trên.

Chính vì muốn mọi người được bình đẳng về cơ hội học tập mà chúng ta xây dựng hệ thống trường học thiếu linh hoạt, chương trình học xơ cứng. Hãy thử hình dung một học sinh lớp 8 cộng trừ số hữu tỉ chưa được thì học nữa làm gì? Buộc tiếp tục chỉ là tình trạng “kéo lết” cho đến lớp 12, thật lãng phí và khổ đau cho người học.

Tôi (đang dạy học) nói vui: “Nhiều học sinh quyết làm đệ tử của triết gia Socrates, rằng tôi biết chắc một điều là tôi không biết gì cả”. Sự bình đẳng về cơ hội học tập được Nhà nước tạo ra có còn bình đẳng nữa không, hay chỉ con cái có cha mẹ thông minh, biết hi sinh, đã hưởng lợi từ hệ thống giáo dục này?

Gánh nặng học sinh bỏ học lẽ ra được chia sẻ đồng đều ở các lĩnh vực, đằng này được đổ trút hết cho ngành giáo dục. Giảm tải chương trình học được Bộ GD-ĐT đặt ra dù chẳng mấy tối ưu. Giảm tải đến lúc đề thi tú tài vừa nông, vừa hẹp và thật xấu hổ khi so sánh với đề thi của một số nước.

Thế nhưng để có con số tốt nghiệp THPT đẹp như mấy năm qua đã phải cầu viện đến sự dễ dãi của giám thị trong phòng thi, sự nới tay của giám khảo... và gì nữa thì bạn đọc đã biết.

Cấu trúc lại hệ thống trường học

Thay vì giảm tải chương trình, cần cấu trúc lại hệ thống trường học sẵn có, xây dựng linh hoạt chương trình học để chống bỏ học sẽ là giải pháp hữu hiệu chăng?

Tôi xin thử đưa ra sơ đồ hệ thống trường học (xem hình vẽ). Bậc tiểu học và lớp 6 mọi học sinh đều học như nhau. Từ năm học lớp 7, học sinh được phân nhánh thành hai hệ: THCS và THCS nghề (hoặc gọi là giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THCS). Hệ THCS nghề chỉ học bảy môn: toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa theo chương trình GDTX, kết hợp học nghề tự chọn. Hệ này tổ chức ngay trong trường THCS, nhà trường phối hợp với giáo viên GDTX - dạy nghề để thực hiện.

Trong các lớp 7, 8, 9, học sinh hệ THCS có thể chuyển sang hệ THCS nghề bất cứ lúc nào nếu “đuối sức”. Học sinh lớp 9 THCS nghề có ba hướng đi: (1) thi lên lớp 10 THPT; (2) xét vô trung cấp nghề; (3) xét lên THPT nghề. Học sinh lớp 9 THCS nếu rớt THPT được chuyển sang THPT nghề hoặc trung cấp nghề.

Bậc THPT cũng được chia thành hai hệ như cấp THCS, do đó cần chuyển đổi hoặc sáp nhập một số trường THPT hiện nay thành trung tâm GDTX - dạy nghề. Học sinh lớp 12 THPT nghề cũng sẽ có ba hướng đi với cách thức thi hoặc xét tuyển...

Đường học vấn bên trái sơ đồ có thể học với chương trình chuyên sâu và mở rộng tối đa đến mức cho phép mà không sợ bị cho quá tải. Và chỉ cần 20% số học sinh vào đại học là đủ. Thật ra hiện nay số lượng học sinh đậu vào trường đại học (chính quy, tinh hoa) chưa tới 20%. Học sinh hệ THPT nếu rớt đại học được xét vô cao đẳng nghề.

Đường học vấn bên phải sơ đồ luôn có thể trở về bên trái nếu người học có đủ năng lực và ngược lại. Đặc biệt cần có cơ chế cho sinh viên các trường đại học chuyển sang trường nghề nếu vì hoàn cảnh khó khăn hay không đủ sức tiếp tục học.

Lĩnh hội tri thức không ai muốn chối từ, chỉ là cái cách chúng ta mang tri thức đến cho người học chưa phù hợp mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận