Người đàn ông "sống mặn như muối", nổi tiếng ở vùng đất này nở nụ cười thay vì tiếng thở dài như lần gặp cách đây bảy năm.
Ông Út nói: "Hai năm qua muối được giá, bà con trở lại với nghề đông dần, tôi mừng lắm. Xem như chút công sức đi vận động bà con không bỏ nghề cũng có kết quả".
Không để muối Sa Huỳnh thất truyền
Chỉ tay về phía ruộng muối của mình, ông Út kể vụ muối bắt đầu từ tháng 3, muối làm ra đến đâu thương lái thu mua chuyển đi tiêu thụ đến đó. Nhà ông Út từ đầu vụ đến giờ đã thu được khoảng 35 triệu đồng tiền bán muối. Ông còn tích trữ lại 4 tấn muối, sang mùa mưa bán. Để chứng minh diêm dân trở lại với đồng muối, ông Út kể về câu chuyện của con mình.
Chị Nguyễn Thị Kim Tuy, con ông Út, đi làm ở TP.HCM vừa trở về nhà giúp cha thu hoạch muối. Năm 2015 chị Tuy bỏ nghề muối, rời quê đi bán hủ tiếu, lúc đó chị đã không sống nổi với cái nghề "làm một ngày ăn một năm" này. Những ngày khốn khó của diêm dân, những người trẻ rời làng mà đi. Mấy chị em trong nhà cũng không thoát khỏi vòng xoáy ấy. "Hồi đó, chỉ có cha tôi là mặn mà với nghề. Ông quyết bám nghề, quyết sống chết với muối", chị Tuy nhớ lại.
Đúng cái thời nhà nhà bỏ muối ấy, ông Út lại đứng ra đảm trách chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã muối Sa Huỳnh. Lý giải nguyên nhân, ông Út bảo đồng muối Sa Huỳnh đã trải qua trăm năm hình thành, bề dày ấy là sự kết tinh của bao thế hệ người dân nơi đây, họ truyền đời giữ nghề. Bởi vậy ông không muốn sự thất truyền xảy ra.
"Nói thiệt, mức lương 1 triệu đồng/năm không đủ tiền đổ xăng đi họp. Hồi đó tôi nhận chức chỉ vì muốn góp tiếng nói của mình với các cấp chính quyền, giúp bà con vượt qua đận lao đao. Hơn nữa ở đây tôi cũng có uy tín, nói bà con lắng nghe, nên tôi muốn "có cái chức" để vận động bà con ra đồng", ông Út nói.
Những năm 2015 - 2019 ông Út vẫn ra đồng dù muối làm ra chất đống. Xong ông lại tham gia những cuộc họp về... muối. Từ xã đến huyện, tỉnh chỗ nào ông cũng đến, chỉ để nói lên tiếng nói của diêm dân. Lời ông nói là gan ruột, là sự thật nơi đồng muối.
Diêm dân quá khổ, mong Nhà nước hỗ trợ bà con bước qua khó khăn. Năm 2016, ông Út phải bỏ thời gian đi khắp làng trên xóm dưới, tập hợp danh sách hộ dân làm muối để bà con diêm dân Sa Huỳnh được hỗ trợ mỗi khẩu 45kg gạo. "Qua thời gian bà con bỏ tâm lý chán nản, ra đồng nhiều hơn", ông Út tâm tình.
Sống "mặn" như muối
Hai năm qua, muối Sa Huỳnh đã "tìm lại danh phận", giá muối luôn ở mức ổn định, bà con làm muối có thể sống được. Thế nhưng ông Út quyết định rút khỏi vị trí giám đốc, lui về làm phó giám đốc hợp tác xã. Ông Châu Rợ, một diêm dân ngoài 70, đứng giữa đồng muối nói chắc nịch: Thằng Út là người tử tế.
Có lần ông Rợ hỏi ông Út vì sao lại rời khỏi chức vụ, ông Út nói tuổi đã lớn, không thể giúp ngành nghề tạo ra bước đột phá nên chỉ làm "chỗ dựa" lúc khốn khó, giờ là lúc thích hợp để nhường lại vị trí cho người trẻ hơn làm, tìm hướng đi cho muối. "Tính thằng Út là vậy, sống không lạt, đậm đà như muối, nó luôn vì bà con", ông Rợ nói.
Bây giờ, ông Út là phó giám đốc Hợp tác xã muối Sa Huỳnh, công việc chính của ông với muối là tạo cảm hứng nghề nghiệp cho bà con. Ông Út nói vui rằng: "Số tôi khổ lắm, già rồi mà chẳng được về hưu bởi nay bà con còn "ép" kiêm thêm chức tổ trưởng tổ dân phố".
Bà Trịnh Thị Kim Loan (vợ ông Út) nói như lẫy rằng: "ổng đi cả ngày, việc nhà tui làm đuối, còn ổng lo chuyện làng chuyện xã. Nói già rồi nghỉ đi mà ổng không nghe, cái tính bao đồng của ổng có từ hồi cưới tui đến giờ...".
Diêm dân Trần Quang Thọ không chỉ là một người làm muối nổi tiếng ở Sa Huỳnh mà còn thu mua muối bán đi khắp cả nước. Hôm nay, ông Thọ chất xe muối 20 tấn chở đi TP.HCM tiêu thụ. Ông Thọ bảo với giá muối 1.800 đồng/kg tại ruộng như hiện tại bà con sống được với nghề.
"Lúc giá muối 300 - 600 đồng/kg mà bán không ai mua, anh Út hay nói tui cố gắng ra đồng làm để bà con khác không nản. Hồi đó, bán được tấn muối nào là ảnh mừng lắm. Những việc ảnh làm cho bà con rất nhiều, diêm dân cảm ơn anh ấy rất nhiều. Không có anh chắc đồng muối đã bỏ hoang hết rồi", ông Thọ nói.
Một người uy tín
Ông Nguyễn Thịnh, bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh, bảo rằng ông Út là người có uy tín tại địa phương, tính tình hòa đồng và rất nhiệt tình trong mọi công tác.
"Chú ấy luôn được bà con quý mến. Riêng với nghề muối, chú rất tâm huyết và luôn có những phát biểu, đóng góp quan trọng. Địa phương trân trọng và cảm ơn những đóng góp của chú ở các vai trò khác nhau", ông Thịnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận