16/12/2021 14:14 GMT+7

Gánh nặng 'chưa giàu đã già'

LINH LAN
LINH LAN

TTO - 'Chưa giàu đã già' là một trong những gánh nặng được TS Bùi Tôn Hiến chia sẻ tại Hội thảo kỹ thuật 'Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam' vừa diễn ra.

Gánh nặng chưa giàu đã già - Ảnh 1.

Các chuyên gia và khách mời tham gia Hội thảo kỹ thuật "Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam". Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật dân số, Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội... Trong đó, thích ứng với già hóa dân số được coi là vấn đề ưu tiên, đòi hỏi các giải pháp chính sách kịp thời, toàn diện - Ảnh: PRU

Trong bối cảnh vấn đề già hóa dân số hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là Việt Nam đang trong quá trình già hóa nhanh, Viện Khoa học lao động và xã hội (Viện KHLĐ&XH) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo kỹ thuật "Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội. 

Gánh nặng chưa giàu đã già - Ảnh 2.

Ông Bùi Tôn Hiến - viện trưởng Viện Khoa học lao động & xã hội - cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh - Ảnh: PRU

"Chưa giàu đã già"

Chia sẻ tại hội thảo, TS Bùi Tôn Hiến, viện trưởng Viện KHLĐ&XH, cho hay: "Vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam. Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ".

Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam có hơn 11,6 triệu người cao tuổi, chiếm trên 12% tổng dân số cả nước. Theo dự báo, thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già của nước ta khoảng 26 năm (2011 - 2036), hiện nay chỉ còn 16 năm nữa.

Tuy nhiên, đến nay mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng.

Các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. 

Theo viện trưởng, điều này có thể dẫn đến gánh nặng "chưa giàu đã già" nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số. 

Vấn đề này đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp chính sách kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa, chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi.

Sẵn sàng cho tuổi già ngay khi còn trẻ

Gánh nặng chưa giàu đã già - Ảnh 3.

Ông Phương Tiến Minh - tổng giám đốc Prudential Việt Nam - chia sẻ, việc giúp người dân nâng cao nhận thức và lên kế hoạch chuẩn bị sớm về các mặt kinh tế, sức khỏe, các mối quan hệ... sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống an sinh xã hội - Ảnh: PRU

Kết quả khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" trên hơn 2.000 đối tượng (30-44 tuổi) chỉ ra, trong khi đối tượng nghiên cứu bày tỏ mong muốn độc lập khi về già chiếm tỉ lệ lớn, nhưng chỉ có xấp xỉ 28% trong số đó lên kế hoạch để đạt được cuộc sống như kỳ vọng.

Đáng chú ý, mức độ tự tin về việc chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già cũng khá thấp, đặc biệt về mặt tài chính.

Bên cạnh dự kiến nguồn thu nhập từ bảo hiểm xã hội, lương hưu, công việc làm, vẫn có gần 5% người tham gia khảo sát chia sẻ: "không biết hoặc sẽ không có nguồn thu nhập nào khi về già". Như vậy, sự bấp bênh về nguồn thu nhập khi về già sẽ diễn ra nếu không có sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ.

Theo các chuyên gia, việc tìm hiểu các điều kiện kinh tế - xã hội và sức khỏe, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già của nhóm dân số sẽ trở thành người cao tuổi trong 20-30 năm nữa là rất cần thiết, góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất và tinh thần cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam.

"Già hóa dân số nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức, mà trở thành cơ hội. Điều này cũng đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý, làm thế nào kết hợp tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng với thích ứng già hóa, cũng như cân đối giải quyết vấn đề vĩ mô về kinh tế và an sinh xã hội", ông Phương Tiến Minh, tổng giám đốc Prudential Việt Nam, nhận định.

Theo đó, bên cạnh nghiên cứu về "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già", dưới sự hỗ trợ của Prudential, Viện KHLĐ&XH và Viện Nghiên cứu y - xã hội học cũng phối hợp thực hiện nghiên cứu "An sinh xã hội cho người cao tuổi". 

Các nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ góp thêm những bằng chứng khoa học quan trọng cho công tác xây dựng và hoạch định chính sách thích ứng với già hóa dân số nhanh của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần giải quyết vấn đề của xã hội.

Dân số vàng và áp lực tài chính trong xã hội già hóa Dân số vàng và áp lực tài chính trong xã hội già hóa

Việt Nam đang ở giữa thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên giai đoạn này chỉ kéo dài hơn 30 năm. Với tỉ lệ 35% người trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, Việt Nam dự báo chịu nhiều áp lực xã hội khi dân cư già hóa.

LINH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên