Vở xoay quanh câu chuyện của những người chuyển giới sống trong gánh lô tô Hoa dại.
Những cánh hoa dại trong đoàn hát lô tô
Trước đây, có một số vở cũng nhắc đến lô tô nhưng để làm đậm và tập trung câu chuyện về họ thì có thể nói đây là lần đầu những mảnh rời chuyện đời của "những con người khác lạ" được đưa lên sân khấu.
Mở màn có cả cảnh kêu lô tô, quay số trúng thưởng tái hiện như đời thật.
Đó là công việc hằng ngày của những "chị em" trong đoàn lô tô Hoa dại. Họ sống cuộc đời rày đây mai đó, gạo chợ nước sông không hề có tương lai.
Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khao khát được sống, được làm phụ nữ trong thân phận mà bà mụ nắn lộn.
Trong đoàn hát đó có cô Cẩm Ca (trưởng đoàn) được xem như ngôi sao với vẻ ngoài xinh đẹp và giọng hát vượt trội. Cẩm Ca là người lèo lái Hoa dại, đem lại chén cơm cho cả đoàn.
Họ bươn bả qua những ngày tháng thăng trầm với những bữa hát ở chợ, ở đình. Bữa nào thương người ta cho xôi, cho bánh. Bữa nào không thích đoàn thường xuyên bị "ăn" dép.
Một ngày, có đại gia tên Quân đến giúp đỡ đoàn và đưa họ về một nhà hát sắp khai trương. Bao nhiêu biến cố bắt đầu xảy ra…
Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ Hữu Nghĩa, Hiếu Hiền, Đinh Mạnh Phúc, Hoàng Khôi, Tiêu Minh Phụng, Hoàng Yến…
Xéo xắt cũng lắm, xót xa cũng nhiều
Dù chưa thật sự xuất sắc nhưng Hoa dại ít nhiều cũng phản ánh được nỗi niềm của người chuyển giới.
Hội chị em trong cái gánh hát đó có khi cũng xéo xắt, cũng dằn hắt nhau mỗi khi đụng chuyện.
Đôi khi họ làm lố, sẵn sàng xù lông với những chuyện nhỏ nhặt. Và cũng tị nạnh nhau khi có ai đó tỏa sáng hơn mình.
Thế nhưng sau những bỗ bã, gồng mình chứng tỏ, họ trở về với những vết đau, tổn thương mà khó ai chia sẻ.
Đó là Pháp, cậu bé con trai độc nhất và là cháu đích tôn của gia đình, trở về nhà với hình hài con gái khiến người cha nổi điên đánh cậu đến tật nguyền đầu gối.
Người khác thì chứng kiến cha lôi người mẹ tội nghiệp ra trút giận vì: "Bà dạy dỗ kiểu gì mà thằng con trai người không ra người, ngợm không ra ngợm".
Người khác nữa thì bị hạ nhục, làm trò như con vật vì "gái chẳng ra gái, trai chẳng ra trai"…
Định kiến xã hội, cha mẹ không chấp nhận sự thật đã đẩy họ rời xa mái ấm.
Đời họ cứ trôi vật vờ, để rồi có lúc họ mất phương hướng, đau đớn như bị bỏ ngoài lề của cuộc sống.
Có thể nói tâm sự của các nhân vật trong vở là điểm lặng để người xem thấu cảm với những thân phận.
Nếu được làm kỹ, tinh tế hơn và bớt vài màn nhây, thiếu thẩm mỹ như cảnh bọn giang hồ thi nhau ngửi và pha trò về sự "viêm cánh" của một cậu trai trong gánh hát thì Hoa dại có lẽ sẽ thuyết phục người xem hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận