NSND Lệ Thủy lúc 17, 18 tuổi hát cho đoàn Kim Chung - Ảnh: gia đình cung cấp
12 tuổi, Lệ Thủy bắt đầu sự nghiệp khi theo gánh hát Trâm Vàng. Trên các apphich quảng cáo gánh hát thuở đó, cái tên Lệ Thủy được viết rất ngộ nghĩnh: bé Lệ Thủy hoặc em Lệ Thủy.
Bé Lệ Thủy bắc ghế thâu bài ca cổ
Sau khi thâu Quan âm Thị Kính, bé Lệ Thủy được các hãng đĩa bắt đầu để ý. Cận tết năm Lệ Thủy 13, 14 tuổi, Hãng đĩa Hồng Hoa mời bé thâu bài ca cổ mà soạn giả Quy Sắc vừa viết để chuẩn bị tung ra dịp tết - bài Nấu bánh đêm xuân.
Được hát cùng đàn anh tên tuổi, bé Lệ Thủy mừng húm. Chẳng có kinh nghiệm nhiều nhưng được cái dạn và giọng ca lảnh lót như chuông ngân nên dù rất run, Lệ Thủy cũng không làm phiền mọi người trong phòng thu nhiều. Các thầy đờn phải bắc cái ghế cho bé Thủy vói tới cái micro.
Thời đó, điều kiện kỹ thuật không như bây giờ nên hai người thâu mà chỉ có một cái micro. Bé Thủy hát xong phải né qua để tới phiên anh Hữu Phước ca.
Nấu bánh đêm xuân có một không khí rộn ràng của chiều cuối năm, mở đầu với tiếng pháo đì đùng xa xa. Ở đó có đôi trai gái hàng xóm, nàng 18 - chàng 20. Nàng đang canh nồi bánh ít cho kịp chín để cúng ông bà, còn chàng vừa chùi bộ lư vừa vói qua hàng rào gần xa tán tỉnh cô hàng xóm.
Nhẹ nhàng, dung dị vậy mà Nấu bánh đêm xuân vừa được hãng đĩa tung ra đã rần rần chinh phục khán giả. Nó sực nức mùi tết, nó rổn rảng những lời giao duyên, chọc ghẹo. Nó khiến người xa quê như nghe đâu đây mùi khói cay nồng, mùi lá chuối thơm, mùi bánh tét, bánh ít, mùi nhang ấm trên bàn thờ ông bà với bộ lư được chùi sạch bóng...
Trên các chương trình truyền hình ngày cuối năm, không ít lần Nấu bánh đêm xuân đã được dựng lại thành một ca cảnh có đầy đủ không khí tết do NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương song ca.
Giọng hát gói trọn ký ức tuổi thơ
Sanh ra ở mảnh đất nghèo Vĩnh Long, 3 tuổi bé Thủy theo má lên Sài Gòn. Đất lạ quê người, má con Lệ Thủy được một người tốt bụng cho ở đậu. Má làm đủ thứ bánh, từ bánh tằm, bánh bèo, bánh chuối tới bánh da lợn, bánh dừa...
Má bưng thúng bánh bán dạo ở chợ Cầu Cống thì bé Thủy cũng xách giỏ sấp ngửa chạy theo sau.
Nhờ siêng năng, tần tảo mà má mua được cái nhà nhỏ xíu, chừng 4 x 4m, có cái cầu ván bắc ra sàn nước để buồn buồn bé Thủy leo lên cái võng cũ đu đưa ca vọng cổ cả làng trên xóm dưới đều nghe.
Có cái nhà, ba dưới quê cũng lên Sài Gòn luôn. Nhà bằng nắm tay mà má cũng tận dụng cất thêm cái gác cho mấy chú lao động xa xứ ở đậu, còn má nấu cơm tháng cho họ.
Má sanh nhiều, tới người em thứ 9 mới ngưng nên bé Thủy bồng em riết mà mé hông nổi đầy mụn nước. Buông em ra là ôm thúng bánh trước nhà bán phụ má. Hàng xóm xa gần đều có cảm tình với con nhỏ chút xíu mà miệng cười thiệt tươi, bữa nào cũng rao: "Mấy cô mấy chú mua giùm con, hết bánh sớm để tối con còn đi học ca".
Tết với chị em Lệ Thủy là những ngày thiệt vui. Má tất bật luôn tay, lúc sên mứt dừa, lúc xăm bí, xăm gừng làm mứt, rồi làm bì, làm củ kiệu, gói bánh... Khi nồi bánh sôi ùng ục ngoài sân là lúc má vừa canh lửa vừa cặm cụi bên chiếc máy may, kịp may riết cho xong mấy bộ đồ tết cho đám con nheo nhóc.
Lệ Thủy nhớ hoài có năm má bận tới chiều 30 muộn mà bộ đồ bà ba mới duy nhất trong năm Thủy chờ đợi vẫn chưa xong, cứ vừa giữ em vừa lăng xăng chạy vô chạy ra nóng ruột ngó từng đường chỉ má may. Tới chừng được ướm thử bộ đồ mới, cô bé mới yên tâm đón chờ năm mới.
Ký ức mộc mạc, đầy thương yêu như thế hỏi sao mà Lệ Thủy không ca ngọt bài ca cổ Nấu bánh đêm xuân. Bởi cô bé không ca, cô bé đang sống trong một chiều cuối năm như thế, lăng xăng, chộn rộn với những niềm vui bé nhỏ đón chờ xuân sang...
Gắn bó với những bài ca bánh trái…
Bìa đĩa bài ca cổ Nấu bánh đêm xuân Lệ Thủy thâu cùng đàn anh Hữu Phước - Ảnh: gia đình cung cấp
Hồi thâu bài Nấu bánh đêm xuân, lần đầu tiên Lệ Thủy được trả tới mấy trăm đồng. Bé Thủy mừng rớt nước mắt vì năm đó cả nhà có được một cái tết đầy đủ, sung túc. Bà con xóm nghèo nghe vậy cũng chạy tới chung vui. Má thấy tết ai cũng kẹt nên chia cho mỗi người mượn vài chục.
Nhờ Nấu bánh đêm xuân mà năm đó không chỉ nhà bé Thủy, cả xóm cũng được ăn một cái tết xôm tụ, no đủ.
Nếu điểm lại những bài ca cổ nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ Lệ Thủy, thật ngạc nhiên khi bà gắn bó với rất nhiều bài ca có liên quan đến… bánh trái, những gánh hàng rong.
Ngoài Nấu bánh đêm xuân, có thể kể ra như Cô bán đèn hoa giấy, Tâm sự em bán mía ghim, Cô hàng chè tươi, Về Sa Giang (bán bánh phồng tôm), Bánh bông lan, Cô gái bán sầu riêng…
Những bài ca "bánh trái" qua tiếng hát của Lệ Thủy khiến người nghe như thấy được những hình ảnh rất đỗi đáng yêu của người chân quê, vui vẻ, nhiệt tình…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận