Các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy trình diễn trước khán giả thủ đô - Ảnh: T.LỘC
Họ được đem di sản của xứ mình “rung chuông” ở thủ đô nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều người yêu cổ nhạc.
"Nghiễng là trâu ơi, trâu ơi! Trâu như bông như hoa/ Trâu như trái cà độc dược/ Trâu như cái lược chải đầu... Là trâu ơi..." - được giọng hò chắc nịch, sảng khoái của nghệ nhân Ngô Văn Diễn mở màn.
Một di sản muốn tồn tại thì phải được thể hiện, trình diễn, nếu không dễ trở thành quá vãng. Điều tôi thích hơn cả là các nghệ nhân đều hò bằng cả tấm lòng, bằng chính tâm hồn người chơn chất, mộc mạc, rất... nông dân của họ
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ
Góp tiền cho nghệ nhân đi "rung chuông"
Tiếp nối làn điệu (mái hò) lỉa (kéo) trâu mang âm hưởng mạnh mẽ, hào sảng, đầy chất tự sự là một tổ hợp hò 6 mái (tức 6 làn điệu: dài, nhì, ba, xắp, chè, nện) được nhóm nghệ nhân nam nữ đối đáp trong một âm giai giàu nhịp điệu, khoan thai và tràn trề tình cảm.
Những lời ca mộc mạc, gần gũi với người bình dân, trong một lối kể chuyện dí dỏm, nhiều hình ảnh, trên nền nhạc sinh động và đầy đặn của đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị và sáo trúc...
Rồi điệu hò khơi của người miền biển được cất lên, vừa man mác, văng vẳng, sâu thẳm, xa xăm; nối liền với điệu hò nậu xăm có âm hưởng vui tươi và phấn khích, thu hút mọi sự chú tâm của khán phòng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết khi Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội mời ông thuyết trình về "Con đường di sản hò khoan Lệ Thủy", điều ông nghĩ đến đầu tiên: đây là cơ hội tốt để giới thiệu và quảng bá di sản độc đáo này.
Ông tỏ ý mời nhóm nghệ nhân của CLB hò khoan Lệ Thủy ra thủ đô biểu diễn và tất cả đều rất hào hứng. Vấn đề là "tiền đâu?".
Thế là ông viết thư kêu gọi mọi người mà chủ yếu là giới báo chí học trò thời ông còn dạy ở Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội đóng góp. Trong ít ngày được hơn 20 triệu đồng, coi như đủ chi phí, ông "đóng" lời kêu gọi. Thế là 17 nghệ nhân trong tối 24-5 cùng lên xe mang di sản xứ mình "rung chuông" giữa lòng thủ đô...
Thỏa lòng với những giọng ca chân quê
Buổi trình diễn kéo dài hơn 60 phút, khán phòng của Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội kín chật toàn người luống tuổi, tất cả đều được thỏa lòng với những giọng ca đậm chất tình quê.
Cũng đúng thôi, bởi tất cả nghệ sĩ biểu diễn đều đang là những người dân lao động thuần chất. Có người từ hôm trước còn chèo đò kéo lưới giữa dòng Kiến Giang, có người nước da màu sậm vì rám nắng và chân tay chai sần vì mới chiều qua còn gặt lúa trên đồng ruộng, có người trong giờ ca hát giữa thủ đô lẽ ra đang chạy xe chở cá giữa đường tất tả để kịp đến buổi chợ bán buôn...
Họ đến khán phòng chậm gần 1 tiếng vì chuyến xe đò chở đi chết máy giữa đường lúc 2h sáng, vừa xuống xe đã vội vào diễn khi bụng còn trống rỗng. Vậy mà ngay sau buổi diễn, những cuộc điện thoại cho công việc liên tục.
"O (cô) cứ tới nhà tui lấy cá", nghệ nhân Lê Thị Hồng Hạnh trả lời bạn hàng mua cá ở quê. Trong khi nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý thì: "Đám ruộng đầu nớ để mai tui về gặt tiếp!"... Còn nghệ nhân Mai Thị Lài thì liên tục "chỉ đạo" việc ở trang trại, từ cho heo, cho gà ăn cho đến phải nhanh gặt đám ruộng chín đồng xa...
Và như đời sống lao động thường nhật, hò khoan với họ như đã thấm vào máu, ăn vào mỗi nhịp thở. Khi nghe họ trình diễn, cụ già ngồi bên tôi tỏ rõ say mê, suốt buổi tay nhịp, mắt nhắm, đầu đong đưa.
Cụ tỏ vẻ tiếc nuối lắm sau tiết mục giã bạn: "Tôi từng nghe hò khoan qua tivi, lần này được trực tiếp nghe chính những người dân quê hò bằng cả tấm chân tình, vừa tự nhiên, vừa mộc mạc và chơn chất mới cảm thụ hết sự đặc biệt vô cùng của nó. Tiếc là thời lượng ngắn quá!".
Cụ già mắt bỗng sáng bừng khi nghe một thành viên trong đoàn cho biết sẽ còn biểu diễn thêm một buổi ở chùa Bộc (Hà Nội) và một cuộc giao lưu với một ngành ở Hà Nội.
Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào tháng 5-2017. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng điều đặc biệt nhất của di sản hò khoan Lệ Thủy chính là sự gần gũi, gắn liền với cuộc sống nông dân một cách bình dị và sống động. Nó khác hẳn với nhiều di sản của miền Bắc như quan họ, hầu văn, xoan, ghẹo... thường ở “tư thế cao”, nhiều sự sắp đặt, mang tính thêu thùa một cách tinh tế và khéo léo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận