Học sinh Trường tiểu học số 2 (xã An Thủy) dự Liên hoan hát dân ca - hò khoan Lệ Thủy 2014-2015 - Ảnh: Trung tâm văn hóa huyện cung cấp |
Trẻ học nhanh lắm. Lúc đầu cô làm cái xướng, trẻ xố theo cô. Sau đó trẻ thuộc xướng và xố luôn. Nghe trẻ mầm non hát hò khoan cảm thấy lay động vô cùng bởi câu hò ngàn xưa đang thấm dần vào hồn trẻ thơ hôm nay |
Cô giáo mầm non Đỗ Thị Hoài |
Hò khoan phục vụ Đại tướng
Một cán bộ phòng văn hóa xuống xe nói: “Các chị về rửa mặt mũi, tay chân ngay để đến hội trường văn hóa huyện hát cho Đại tướng nghe”.
Chị em nghe “lệnh’ mà tay chân cứng đơ. Hôm đó, Đại tướng ngỏ ý muốn nghe hát hò khoan giã gạo bằng lời cổ.
“Khi tụi tui vừa làm cái xướng câu mời thì bác Giáp vỗ nhịp bàn tay và làm con xố luôn. Buổi giao lưu chỉ có 10 phút nhưng vui và cảm động đáo để. Đó là năm 1972.
Bẵng đi một thời gian, năm 1978 tụi tui lại được “lệnh” về nhà bác Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy hát hò khoan.
Nghe xong, bác Giáp khen ghê lắm. Bác dặn: “Các cháu cố gắng giữ gìn vốn hò khoan và hát hò khoan hay hơn nữa. Đừng bỏ quên hò khoan Lệ Thủy, tiếc lắm đấy”.
NNƯT Hải Lý nói rằng kỷ niệm đó đã khiến các nghệ nhân quyết tâm theo đuổi việc xây dựng một CLB đúng nghĩa với truyền thống và giá trị hò khoan Lệ Thủy.
Năm 2015 NNƯT Hải Lý xin huyện mở rộng CLB xã Phong Thủy thành CLB của huyện với tên gọi “CLB hò khoan truyền thống Lệ Thủy”.
Ông chủ tịch huyện Lệ Thủy đồng ý nhưng đề nghị sửa tên là “CLB nghệ nhân dân ca - hò khoan Lệ Thủy” và yêu cầu NNƯT Hải Lý làm chủ nhiệm.
Các nghệ nhân “3 trong 1”
Nghệ nhân Mai Thị Lài, 60 tuổi, cho biết bà biết hát hò khoan năm 17 tuổi. Bây giờ bà vẫn say mê hò khoan như hồi trẻ. Hiện mỗi năm bà làm hai mùa lúa trên cánh đồng 1,5ha, thu hoạch 17 tấn. Nghệ nhân Dương Công Lợi cũng có thu hoạch 25-30 tấn lúa/năm.
Ông Lợi nói: “Phải làm được như thế mới đủ sức nuôi con ăn học. Nhưng làm thì làm, tối bận đến mấy mà sáng mai nghe nói hát hò khoan là bật đi ngay”.
Nhạc công Ngô Văn Lực (chồng NNƯT Hải Lý) thổ lộ: “Đại vất vả. Có hôm lo đi hò khoan, ruộng họ gieo trước mình hai ngày. Mình gieo không kịp, ruộng bị khô nên chồng gánh nước dưới sông lên đổ vào ruộng, vợ lo xăm lại ruộng mới cấy kịp thời vụ”.
NNƯT Hải Lý nói: “Hồi bốn đứa con còn nhỏ, ngoài đồng vào thời vụ là vợ chồng cùng các nghệ nhân vác loa truyền thanh đi hát “côi bờ” (trên bờ) để kiếm thêm điểm của ngày công vừa động viên người lao động.
Hồi đó người cày bừa dưới ruộng được tính 12 điểm/công. Nghệ nhân đi hát “côi bờ” được 10 điểm/công nên vào thời vụ là anh chị em cột loa vào sào vác ra tận ruộng để phục vụ...
21 thành viên CLB nghệ nhân dân ca - hò khoan Lệ Thủy đều là nghệ nhân “3 trong 1”, nghĩa là vừa làm nghề khác để kiếm sống vừa lo công việc CLB và đi làm “chuyên gia” truyền dạy hò khoan cho cơ sở.
Họ say mê đến mức cùng có chung tâm trạng day dứt là “biết bao giờ mới được công diễn trên sân khấu lớn để cả nước biết đến hò khoan Lệ Thủy”.
Hoạt động của các nghệ nhân CLB hò khoan Lệ Thủy - Ảnh: Vũ Toàn |
Hò khoan vào nhà trường
Ông Võ Viết Hào, trưởng Phòng GD-ĐT Lệ Thủy, lộ vẻ phấn khích cho biết từ năm 2011 các cấp học khắp mọi làng quê trong huyện đã có chương trình ngoại khóa dành cho việc giảng dạy, tập luyện hò khoan.
Theo ông Hào, đây là giai đoạn mở đầu lộ trình khôi phục truyền thống hát hò khoan ở trường học để khơi dậy bản sắc văn hóa riêng của huyện Lệ Thủy.
Sở dĩ có chuyển biến này là do hò khoan Lệ Thủy từng gắn bó, thân thuộc với đời sống người dân lao động đến nỗi bây giờ ai cũng biết hát một vài làn điệu hò khoan.
Chính đó là nguồn nuôi dưỡng để loại hình văn nghệ dân gian độc đáo này tồn tại đến hôm nay. Từ năm 2010 nghị quyết của Đảng bộ huyện chú trọng đến việc khôi phục di sản hò khoan nên đã tạo ra sức lan tỏa dưới mái trường.
Tại Trường mầm non xã Phong Thủy, cô giáo hiệu trưởng Lê Thị Hoài Vân tâm đắc với việc truyền dạy hò khoan là “thổi hồn câu hát dân gian vào tâm hồn trẻ thơ”.
Từ định hướng chung của Phòng GD-ĐT, Trường mầm non Phong Thủy mời các nghệ nhân đến dạy mỗi tháng một lần cho giáo viên.
Sau đó giáo viên giỏi nhất về môn này trực tiếp dạy ngoại khóa cho trẻ vào chiều thứ sáu hằng tuần. Do trẻ chưa biết chữ nên cô giáo cho trẻ tập làm quen với giai điệu qua tiếng sáo, tiếng đàn các loại nhạc cụ rồi cô hò cho trẻ hò theo.
Tại Trường tiểu học số 2, xã An Thủy, cô hiệu trưởng Nguyễn Anh Thư cho hay trường có 14 đội văn nghệ hát hò khoan được thành lập từ 14 lớp.
Đến mùa liên hoan, những em hát hay nhất được chọn vào đội tuyển của trường. Tất cả 15 đội này đều do các nghệ nhân cất công về đây truyền dạy cho cô lẫn trò.
Riêng tại xã vùng cồn bãi Trường Thủy có hai trường tiểu học và THCS Trường Thủy có chung một đội tuyển gồm 15 học sinh cấp II do bốn cô, bốn thầy phụ trách kiêm nhạc công dìu dắt.
Thầy hiệu phó Lê Văn Ninh cho biết: “Phong trào hát hò khoan của trường có khá sớm, từ năm 2009. Năm ấy, Bộ GD-ĐT phát động phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, theo đó trong năm tiêu chuẩn thi đua có nội dung về hát hò khoan Lệ Thủy”.
Theo ông Hào, trong 28 xã, thị trấn của huyện thì 12 xã có CLB hát hò khoan. Ngoài CLB nghệ nhân dân ca - hò khoan Lệ Thủy thì 12 CLB này với 97 CLB của 97 trường học đang ở dạng phong trào.
Tuy nhiên, một số CLB các cấp học thường xuyên đoạt giải cao trong dịp liên hoan tổ chức vào Ngày nhà giáo 20-11 hằng năm...
“Nghị quyết 22 của Đảng bộ huyện Lệ Thủy (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đưa hò khoan vào dạy trong trường học. Tiếp đó, nghị quyết 23 (nhiệm kỳ 2015-2020) nêu quyết tâm bảo tồn và phát triển hò khoan Lệ Thủy, tiến tới lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Giao trung tâm văn hóa huyện kết hợp Viện Âm nhạc VN ghi âm, ghi hình đầy đủ chín mái hò Lệ Thủy đưa vào lưu trữ tại kho tàng văn hóa dân gian, Viện Âm nhạc VN”. Ông Dương Văn Liên (giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) |
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 1: Câu hò ngàn xưa |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận