13/02/2017 15:28 GMT+7

Câu hò ngàn xưa

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTO - Về huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mới hay những làng quê hò khoan và các nghệ nhân hò khoan đang làm sống dậy mạnh mẽ di sản văn nghệ dân gian quý giá tưởng chừng đã trôi biệt theo thời gian...

Hò mái ruổi (hò trao duyên) trên sông Kiến Giang - Ảnh VT
Hò mái ruổi (hò trao duyên) trên sông Kiến Giang - Ảnh VT

Trên khoảng sân lát gạch trước ngôi nhà cấp bốn, các nghệ nhân bắt đầu soạn sửa một buổi hát hò khoan cho chúng tôi thưởng thức.

Người thay đồ, người chọn nhạc cụ, người lấy cối giã gạo. Sau ít phút, một sân khấu dân dã về hò khoan hiện lên. Thoáng chốc, tiếng sáo, tiếng nhị, đàn nguyệt, mọ, sanh và tiếng đàn bầu réo rắt trên sân bắt nhịp cho những điệu hò “Cối gạo đêm trăng” rộn rã...

9 mái hò khoan

Điệu hò khoan được các nghệ nhân phô diễn với những câu hò mộc mạc, đậm chất xứ Lệ (Lệ Thủy) nhưng hàm chứa ý nghĩa, hình ảnh gần gũi với cảnh lao động cần cù chung của mọi người dân lao động.

Với câu hò mái chè, mái nện lúc giã gạo, cất nhà, nện móng, nện cươi (sân) cho thấy cảnh lao động nào cũng hết sức cực nhọc nhưng con người vẫn vui tươi bởi họ hi vọng thành quả lao động sẽ đến.

Hò mái nhì lúc cày ruộng, xay lúa nhằm an ủi mình trước cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Hò mái nện lúc giã gạo để có hạt gạo trắng thơm no đầy quanh năm. Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nôốc đưa đám cưới gợi về sự cầu mong cho đôi bạn trẻ kết duyên thành vợ chồng. Hò khơi khi đánh cá trên sông và hò lĩa trâu khi làm trên nương rẫy...

Nghệ nhân Hồng Hạnh cất một câu hò mái ruổi: Thương nhau (mà) đâu quản (ơ ơ ơ) nắng mưa (hơ hờ) sá gì. (Đây là câu xướng, người xướng gọi là cái xướng). Tiếp sau câu xướng là: Ơ xô hồ hồ. (Câu này là xố, gọi là con xố), hàm ý sự hưởng ứng theo cái xướng.

Con xố do một người hoặc hai người hoặc đông người hò. Tiếp đến, cái xướng: Ơ ơ ơ... đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước hơ hờ... Con xố: Ơ xô chầu.

Cái xướng: Hờ hờ... uống lưng bát nước đi ơ ơ... đi tìm. Con xố: Ơ xô hơ hờ... Cái xướng: Hờ hơ hờ... đi tìm là tìm... người thương ư ư...

“Ông thầy hò khoan”

Nhìn những cặp đôi nghệ nhân Câu lạc bộ (CLB) dân ca - hò khoan Lệ Thủy đang dong thuyền hò “bắt miệng” (hò đối đáp) vang động một khúc sông Kiến Giang, chúng tôi như lạc vào nếp sống sinh hoạt văn nghệ dân gian quyến rũ ở miền quê nghèo khó nhưng nức tiếng hò khoan này.

Hò giã gạo trên sân tập CLB hò khoan Lệ Thủy - Ảnh: VT
Hò giã gạo trên sân tập CLB hò khoan Lệ Thủy - Ảnh: VT

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý, 62 tuổi, chủ nhiệm CLB, tiếc rằng không biết được ngọn nguồn của hò khoan Lệ Thủy xuất hiện vào thời nào, mà chỉ biết hò khoan được các thế hệ người dân lao động “hò truyền miệng” đời này qua đời khác, tạo nên cái “nôi đằm lắng” hò khoan nơi này.

Sở dĩ gọi “hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình” là do tỉnh Quảng Bình chỉ có duy nhất huyện Lệ Thủy có truyền thống hát hò khoan.

Người hát hò khoan nổi tiếng nhất là cụ Hoàng Đình Táo. Cụ Táo được các thế hệ đời trước gọi là “thầy hò khoan”. Tiếp nối là cụ Bơn, bạn hát lớp sau cụ Táo nhưng nay cũng đã qua đời.

Cụ Táo là thân sinh của “thầy hò khoan” Hoàng Đình Luyện. “Do lúc mới 10 tuổi tôi được thầy Luyện khen có giọng hát mềm và ấm nên cho đi theo để xây dựng “đội văn nghệ tương lai” của xã tới lúc trưởng thành.

Vì thế tôi chỉ hiểu hò khoan Lệ Thủy qua những gì thầy Luyện truyền lại là chính. Đây cũng là nguyên cớ để các nghệ nhân dân gian trong CLB mỗi khi nhắc nguồn cội của hò khoan Lệ Thủy đều nhớ đến công lao quý báu của thầy Luyện truyền dạy với lòng biết ơn” - nghệ nhân ưu tú Hải Lý nhớ lại.

Nghệ nhân ưu tú Hải Lý tự hào về người “thầy hò khoan” từ lúc thầy về hưu (1965) ở chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Với chiếc micro và cái loa pin trong tay, thầy đạp xe cà tàng đi xây dựng “đội văn nghệ tương lai” tại các xã.

Thầy vừa viết tin, viết bài hát rồi truyền thanh khắp các xã để vận động “phong trào 3 như” (lãnh đạo như Cam Thủy; quản lý như Đại Phong; chiến đấu, phòng không như Ngư Thủy).

Thầy Luyện sáng tác khá nhiều, trong đó có ca khúc Tiếng hát át tiếng bom nổi tiếng những năm chống Mỹ.

Năm 1966, cô học trò Hải Lý 11 tuổi, hát rất hay ca khúc này nên được tuyển vào lớp học dân ca Bình - Trị - Thiên. Đây cũng là thời gian thầy Luyện phát hiện cô học trò có thêm chất giọng khỏe và trong trẻo nên chú tâm hướng cho Hải Lý học hát hò khoan.

Hồi đó, cô học trò Hải Lý từng thừa nhận rằng hát hò khoan không dễ. Có bài học hàng tuần mới hò đúng.

Khi thấy trò hò thờ ơ, thầy Luyện hò mẫu để trò biết cách hò tha thiết hơn. Khi thấy trò hò nhạt, thầy chỉnh làm sao cho chất giọng của mình đằm thắm hơn. Thầy thường nhắc “hò không chuẩn mực thì sẽ bị các cụ quở cho đấy”.

Những khi thấy trò nản thì thầy Luyện động viên và càng bền bỉ dạy dỗ hơn. Thầy là “cuốn từ điển sống” về các loại dân ca, đặc biệt là hò khoan Lệ Thủy, nên năm 1978 sau một thời gian được truyền dạy, Hải Lý có thể đi dạy hát hò khoan ở cơ sở.

Tiếc rằng khi thầy Luyện đang đi sưu tầm để viết lại toàn bộ những nội dung liên quan đến hò khoan Lệ Thủy kể cả lời cổ lẫn lời kim thì năm 2000 thầy qua đời.

Nghệ nhân ưu tú Hải Lý cho biết hát hò khoan Lệ Thủy khác với hát ví dặm Nghệ Tĩnh ở chỗ hát ví dặm Nghệ Tĩnh từ mở đầu đến kết thúc bài hát không có con xố. Còn hò khoan Lệ Thủy thì 100% của 9 mái đều có con xố hưởng ứng sau khi cái xướng.

Tuy nhiên, mỗi mái có một kiểu xố khác nhau. Sự tham gia của con xố khiến bài hò rộn lên không khí hò khoan, làm cho điệu hò thêm phấn khích, hân hoan hay sâu thẳm tâm tư sau mỗi lời cái xướng.

Sự xuất hiện của con xố tạo thêm sức thu hút nhiều người có chung tâm trạng vào cuộc hò, biến cuộc hò của một vài người trở thành của cả cộng đồng.

9 mái hò khoan là gì?

Là sáu mái (làn điệu), gồm mái ruổi, mái dài, mái ba, mái xắp, mái chè và mái nện. Đây là sáu mái cơ bản, phổ biến nhất của hò khoan Lệ Thủy.

Ba mái còn lại như mái hò khơi, mái nậu xăm và mái lĩa trâu là ba mái có tính khu biệt, thường được sử dụng ở miệt biển và vùng núi cao.

Tuy nhiên, hò khoan Lệ Thủy không thể nghe một vài lần là hiểu hết chín mái bởi mỗi mái có một cách xướng và xố khác nhau, giai điệu của mỗi mái cũng khác nhau. Ví như mái dài thiên về kể chuyện.

Mái chè mới đầu chậm rãi, càng về sau càng nhanh nhưng không nhanh như mái ba suốt cả bài hò.

Nghệ nhân Hồng Hạnh nói: “Trong chín mái, chỉ có mái xắp là hò dễ nhất nên được nhiều người hò nhất. Vì khi hò mái xắp không cần nhạc cụ mà chỉ cần hai bàn tay vỗ thành nhạc”. Theo nữ nghệ nhân Thu Dịu thì “người nào mà hò được thành thạo sáu mái cơ bản thì ắt trở thành nghệ nhân”.

>> Kỳ tới: Những người nghiện hò khoan

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên