Tất cả những đức tính quý báu đó của ông, tựu trung lại trong hai chữ “gần dân”. Chính vì gần gũi với dân nên ông là con người của thực tiễn, con người của những hành động, những quyết định mà “thà mất chức để dân được no” như báo chí từng viết về ông. Những ý tưởng lớn, những việc lớn ông làm được cho nhân dân, đất nước cũng bắt nguồn từ việc gần gũi với nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân... Cũng chính vì gần dân mà ông đã khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân, có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước.
Bài học gần dân của ông vẫn còn nguyên tính thời sự hôm nay, đặc biệt là khi có không ít quan chức càng lên cao càng xa rời nhân dân, vô cảm với những khó khăn vất vả của dân.
Gần đây thôi, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trong một chuyến đi thị sát công trình trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn TP.HCM đã chứng kiến cảnh kẹt xe do không chấp hành các quy định về lộ giới... Khi trở về, ông chủ tịch đã ngay lập tức ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện trong thời gian sớm nhất. Nêu lên ví dụ đó để thấy rằng chỉ cần tư tưởng gần dân được tất cả quan chức từ địa phương đến trung ương thấm nhuần, học tập và làm theo thì người dân sẽ bớt được biết bao oan ức, phiền hà, cực nhọc.
Trong xã hội hiện đại, nguồn tài nguyên quý giá và vô tận nhất của mỗi quốc gia chính là nhân dân, cho nên gần dân để hiểu dân, hiểu được tiếng nói của cuộc sống đời thường, từ đó có những quyết sách đúng đắn, phù hợp là điều mà cán bộ lãnh đạo - công bộc của dân - cần phải thấm nhuần. Bởi như Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận