Cô giáo liên tiếp đánh, tát, véo tai học sinh lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú) - Ảnh cắt từ clip
Câu chuyện nên hay không nên gắn camera trong lớp học khiến tôi nhớ đến lời cô giáo dạy toán hồi cấp 3: "Cô nghiêm khắc là muốn tốt cho các em. Có thể hôm nay các em sẽ nghĩ cô gay gắt, khắt khe, nhưng nếu như cô không dạy bảo, cô buông tay, làm lơ thì sau này xã hội sẽ dạy dỗ, có khi còn khiến các em đau và rớm máu".
Phụ huynh thay vì ác cảm, hãy hiểu và thông cảm, chia sẻ những áp lực, vất vả của cô giáo. Chúng ta đứng ngoài đánh giá thì rất dễ, nhưng khi vào cuộc, khi đặt mình vào vị trí của giáo viên sẽ thấy muôn vàn khó khăn với trăm việc không tên và chẳng khác gì "con chạch trong giỏ cua".
Nguyệt Nguyệt
Học trò ngỗ ngược vì... mẹ cha
Tôi từng nghĩ đã là giáo viên phải biết kiềm chế, phải làm chủ được cảm xúc khi đứng lớp. Và tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện quản một lớp học khó đến thế nào.
Đến khi tôi là 1 trong số 5 phụ huynh cùng tổ chức tiệc trung thu cho lớp con. Cô giáo chủ nhiệm đã trao quyền cho phụ huynh điều khiển lớp. 5 người lớn chúng tôi không cách nào giúp lớp nghe lời, 55 đứa trẻ cứ nhao nhao như cái chợ. Lúc này tôi mới biết để lớp vào nếp, các cô buộc phải nghiêm khắc.
Có lẽ khi có sự vụ nào đó liên quan đến cách ứng xử chưa đúng mực của giáo viên và học sinh, phụ huynh sẽ ngay lập tức "xù lông". Biết rằng cha mẹ yêu con, chăm con, nhưng không nhiều phụ huynh để ý đến những thông điệp dành cho con mình. Và tôi từng nằm trong số đó.
Tôi làm hết mọi việc cho con, lấy kem đánh răng cho con, rửa mặt cho con, mặc quần áo cho con. Phần vì tôi sợ con muộn học, phần vì thấy con lóng ngóng, vụng về. Nhưng tôi không biết rằng những thông điệp mình gửi con mỗi ngày bị… sứt mẻ! Nó khiến con phụ thuộc, nó khiến con chây ì, nó khiến con thiếu tự lập.
Ai cũng mong mỗi người thầy phải chuẩn mực, phải biết kiềm chế và cẩn trọng trong từng lời nói, hành vi của mình, đặc biệt trước những đứa trẻ. Ai cũng mong muốn con mình được học với những giáo viên có tâm, chuyên môn cao.
Nhưng phụ huynh cũng nên nhìn lại mình, lời nói hằng ngày và cả cách yêu thương con vô điều kiện, vô bờ bến sẽ có tác dụng phụ ra sao. Chúng ta muốn con trở nên ngoan ngoãn, nên người nhưng giáo dục kiểu yêu thương không giới hạn của cha mẹ lại khiến trẻ trở nên khó bảo, ngỗ ngược, cá biệt khi đến trường.
Chúng ta vẫn thường nói những đứa trẻ hư mới cần nhà giáo tâm huyết để dạy dỗ. Nhưng thử hỏi một lớp với những "cậu ấm cô chiêu", giáo viên có tâm với nghề nào có thể điềm tĩnh trước những lời nói và hành vi hư hỏng của học sinh nếu như phụ huynh không cùng chia sẻ với cái khó, sự vất vả của cô?
Lớp học ra sao khi gắn camera?
Giáo viên dùng biện pháp mạnh để giáo dục trẻ là khó chấp nhận, nhưng hãy trao cho họ cái quyền được giáo dục đúng nghĩa, "mềm nắn rắn buông".
Thời nay nhiều cha mẹ cưng chiều con nên u mê chẳng bao giờ biết được thói hư, tật xấu của con em mình. Và sự yêu chiều, bao che vô giới hạn của cha mẹ lại đang tạo ra những đứa trẻ bất trị. Khi những đứa trẻ ấy đến lớp sẽ là nỗi lo, nỗi vất vả của giáo viên.
Ở nhiều nước châu Âu, giáo viên tiểu học thường chỉ dạy một lớp 20-25 em, trong khi phần lớn các lớp tiểu học ở thành phố nước ta có khi lên đến 50, 55 học sinh. Tôi không cổ súy hành động của cô giáo ở quận Tân Phú, nhưng rõ ràng giáo viên mầm non, tiểu học hiện nay đang gánh trên vai quá nhiều áp lực.
Việc gắn camera có thể giúp phụ huynh soi được con trên lớp, nhưng rất có thể biến lớp học tự nhiên thành "nhà tù" không song sắt. Và phụ huynh đừng biến mình thành những nhà quản giáo.
Có người nói nên gắn camera, rằng nếu giáo viên chân chính thì việc gì phải sợ. Người khác lại nói chiếc camera chình ình trong lớp học sẽ là "kỳ đà cản mũi" khiến giáo viên và phụ huynh xa nhau hơn, khiến cái tâm của nhà giáo chẳng thể đến được với học sinh.
Và thực tế từ lòng yêu nghề, nhiều giáo viên trở nên sợ hãi phụ huynh, sợ cả học sinh, sợ cấp trên, sợ mất việc, sợ không đạt chỉ tiêu và giờ đây sợ cả camera trong lớp học. Vậy lắp camera mà chi?
Bạn nghĩ gì về việc giáo viên phạt, đánh đòn học sinh? Liệu có nên gắn camera trong lớp học để ngăn bạo hành học sinh và giúp việc dạy dỗ các em được tốt hơn? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình luận dưới bài hoặc email đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn trường học có nên lắp camera để ngăn chặn bạo hành học sinh?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận