16/09/2018 12:22 GMT+7

Gần 40 năm ròng rã đi đòi nhà

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Dù bộ ngành trung ương và Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo giải quyết quyền lợi bà Cháu là gia đình có công với cách mạng, nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn lần lữa trong việc trả lại nhà cho dân.

Gần 40 năm ròng rã đi đòi nhà - Ảnh 1.

Bà Cháu với hàng ký giấy tờ, hồ sơ khiếu nại ròng rã gần 40 năm qua để đòi lại nhà của mình - Ảnh: V.HÙNG

Bà Lê Thị Cháu - 73 tuổi, trú ở khu tập thể Đặng Thái Thân, P.Thuận Hòa, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - là con liệt sĩ Lê Tôn và là cháu nội bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Quỳ. 

Từ khi bị thu hồi nhà vào năm 1979 đến nay, bà đã ròng rã đi đòi nhà của… mình để ở, thờ cúng nhưng hiện chưa có hồi kết.

Bỗng dưng… mất nhà!

Tháng 6-1946, khi bà Cháu được 1 tuổi thì cha ruột là ông Lê Tôn hi sinh, mẹ bà bị giặc Pháp truy bắt phải tập kết ra Bắc. Bà được chú ruột là ông Lê Tuyên làm giáo viên và vợ là bà Trần Thị Trai đem về làm con nuôi (có giấy khai sinh do UBND P.Thuận Hòa cấp).

Năm 1969, cha mẹ nuôi của bà mua căn nhà 800m2 (số 04 Hoàng Hoa Thám, TP Huế) và được trước bạ sở hữu chủ tại Ty thuế vụ Huế ngày 17-7-1969. 

Đến năm 1972, vợ chồng ông Tuyên chết vì tai nạn giao thông, bà Cháu tiếp tục sinh sống tại căn nhà này. Năm 1978, gia đình bà Cháu được chính quyền địa phương cấp "giấy chứng nhận kê khai đăng ký nhà" là chủ hộ.

Bất ngờ ngày 26-10-1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định quản lý toàn bộ khu nhà với lý do "thuộc diện vắng chủ" và bố trí gia đình bà Cháu ở khu tập thể Đặng Thái Thân.

Từ đây, gia đình bà Cháu bắt đầu hành trình mỏi mệt đi khiếu kiện khắp nơi đòi nhà với cơ sở là tỉnh Bình Trị Thiên lấy nhà trái pháp luật, vì thời điểm đó về sau pháp luật VN không có quy định chủ nhà chết trước 1975 thì nhà của họ thuộc diện vắng chủ. Thế nhưng bà Cháu chỉ nhận được sự im lặng.

Sau 37 năm liên tục khiếu nại, năm 2016 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định giải quyết khiếu nại của bà. Quyết định nhìn nhận nhà của bà đã được lập văn khế đoạn mãi cho ông Lê Tuyên và từ khi ông Tuyên chết, vợ chồng bà Cháu tiếp tục ở đến khi Nhà nước có quản lý. 

Thế nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại viện dẫn nghị quyết 23/2003/QH11 của Quốc hội và nghị quyết 755/2005/NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để không công nhận việc đòi lại nhà của bà Cháu. Đáng chú ý, hai nghị quyết này ra đời sau khi nhà bà bị lấy hơn 20 năm sau.

Gần 40 năm ròng rã đi đòi nhà - Ảnh 2.

Bản kê khai đăng ký nhà đất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 1978 đứng tên bà Cháu chủ hộ kê khai - Ảnh: V.HÙNG

Công văn của Bộ Xây dựng nêu rõ: nhà 04 Hoàng Hoa Thám đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, cho thuê làm quán cà phê và hiện đang để trống.

Xét gia đình bà Cháu là gia đình chính sách, hiện đang khó khăn về nhà ở nên đề nghị tỉnh giải quyết cho gia đình bà thuê và mua căn nhà theo quy định về mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Áp dụng sai chính sách cải tạo về nhà đất

Bà Cháu tiếp tục khiếu kiện. Tháng 4-2017, Bộ Xây dựng kết luận: ông Tuyên làm nghề dạy học nên không thuộc thành phần cải tạo. Sau khi ông Tuyên chết, bà Cháu tiếp tục ở nên nhà không thuộc diện vắng chủ. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế lấy nhà là không đúng chính sách cải tạo nhà đất tại thời điểm đó. Bà Cháu là con liệt sĩ và cháu nội bà mẹ VN anh hùng, hiện không có nhà ở nên cần có chính sách hỗ trợ theo quy định.

Cầm trên tay văn bản của Bộ Xây dựng, bà Cháu khấp khởi mừng, nhưng gần một tháng sau UBND tỉnh lại có công văn cho rằng không thể giải quyết cho bà Cháu thuê và mua căn nhà cũ được. Nếu bà thật sự khó khăn và có nhu cầu thì có đơn đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết chính sách theo quy định.

Gia đình bà Cháu tiếp tục khiếu nại quyết định của tỉnh. Tháng 9-2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đến bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của bà. 

Sau đó, Bộ Xây dựng có báo cáo xác nhận hiện bà Cháu đang khó khăn về nhà ở, nên cần có giải pháp để gia đình bà có chỗ ở. Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án: một, giao lại quyền sở hữu ngôi nhà 04 Hoàng Hoa Thám cho bà; hai, tỉnh cho gia đình bà thuê và mua ngôi nhà theo quy định về mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Ngày 31-12-2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình rằng bà Cháu là con ruột liệt sĩ, là cháu của bà mẹ VN anh hùng nên cần xem xét giải quyết có lý, có tình đối với gia đình có công với cách mạng, đảm bảo tính ổn định chung. 

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng ra quyết định giải quyết theo hướng cho gia đình bà thuê, mua lại ngôi nhà này theo quy định về mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp ngôi nhà trên phải thu hồi để thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì xem xét, bố trí cho bà thuê, mua ngôi nhà khác thuộc sở hữu nhà nước tại TP Huế; hoặc giao cho bà một diện tích đất ở tại TP Huế và xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình có công với cách mạng.

Thế nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế hết viện dẫn lý do này đến lý do khác để không giải quyết theo chỉ đạo. Đến tháng 4-2018, tỉnh có buổi làm việc và thông báo giao cho bà Cháu một lô đất 85m2 hoặc lô 114m2 tại khu tái định cư Bàu Vá. 

Gia đình bà không đồng ý vì các lô đất này nằm ở ngoại ô, có giá trị chỉ bằng 1/200 khu nhà cũ của bà ở trung tâm TP Huế. Vụ việc vì vậy đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Căn cứ vào các tài liệu thì nhà của cụ Tuyên là tài sản hợp pháp, được Nhà nước thừa nhận từ năm 1975 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Chưa có căn cứ nào chứng minh cụ Tuyên thuộc diện cải tạo nhà đất, lại càng không có căn cứ để áp dụng là trường hợp "nhà vắng chủ". Trong khi theo hồ sơ thì đủ yếu tố để xác định bà Cháu là người thừa kế hợp pháp nhà này.

Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh hoàn toàn không đả động đến lý do vì sao năm 1979 Nhà nước lại quản lý nhà đất cụ Tuyên thuộc diện "nhà vắng chủ", đó mới là cái gút của vấn đề để xem xét trả lại nhà đất cho bà Cháu, chứ không phải áp dụng nghị quyết 23 để bác đơn đòi lại tài sản hợp pháp.

Cơ quan nhà nước làm sai thì phải sửa, không thể vin vào chính sách mới mà không trả lại nhà cho dân.

Luật sư Trần Thiện Thuật (Trung tâm tư vấn pháp luật Thăng Long, Hội Luật gia VN)

Bị kiện đòi nhà vì gánh nợ vay nóng Bị kiện đòi nhà vì gánh nợ vay nóng

TTO - Vay 150 triệu, phải gánh nợ gần 2 tỉ đồng với mức lãi suất gần 300 triệu đồng/tháng, tiếp tục bị chủ nợ kiện ra tòa đòi căn nhà đang ở.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên