Ông Phạm Văn Vinh (cháu bà Nguyễn Thị Máy) bên tập giấy tờ, đơn thư đòi lại ngôi nhà tình nghĩa - Ảnh: Tiến Thắng |
“Chúng tôi chỉ mong UBND xã Khởi Nghĩa xây lại ngôi nhà tình nghĩa để có nơi thờ tự, hương khói giống như trước kia |
Ông Phạm Văn Vinh |
Cầm trên tay lá đơn kiến nghị, ông Vinh cho biết vào năm 1989, UBND xã Khởi Nghĩa có xây tặng cho ông bà nội là bà Nguyễn Thị Máy (ông nội là liệt sĩ Phạm Văn Khương) một ngôi nhà tình nghĩa rộng 50m2.
Sau khi được tặng nhà, bà Máy đã chuyển về sống và thờ tự chồng và gia đình nhà chồng (trong đó mẹ đẻ ông Khương là bà Nguyễn Thị Xa được Nhà nước truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có con trai duy nhất hi sinh).
Năm 1992, bà Máy mất, gia đình ông Vinh dùng ngôi nhà để làm nơi thờ tự gia đình liệt sĩ Khương. Tuy nhiên đến năm 1994, UBND xã Khởi Nghĩa tổ chức thu hồi, bán thanh lý ngôi nhà nhưng không trao đổi với gia đình nội, ngoại của bà Máy.
Hiện nay toàn bộ bát hương, bằng Tổ quốc ghi công trong nhà không biết đã mang đi đâu và gia tộc của ông Vinh cũng không có nơi để thờ tự.
Trong hơn 20 năm đi đòi lại ngôi nhà tình nghĩa, gia đình ông Vinh nhận được hai văn bản trả lời kiến nghị số 233 ngày 9-10-1997 và số 752 ngày 11-12-2011 của UBND huyện Tiên Lãng.
Nội dung của hai văn bản này khẳng định việc thu hồi và bán thanh lý ngôi nhà tình nghĩa của bà Máy là đúng, vì trước khi mất bà Máy không để lại di chúc và không còn ai được quyền thừa kế theo pháp luật. Bản thân ngôi nhà bị bỏ hoang, không ai ở.
Không đồng tình với nội dung văn bản trên, gia đình ông Vinh tiếp tục gửi đơn khiếu nại, yêu cầu giải quyết thỏa đáng.
Theo ông Vinh, hiện nay UBND huyện Tiên Lãng và xã Khởi Nghĩa đã thống nhất sẽ giao 65m2 đất và hỗ trợ 20 triệu đồng để gia đình xây nhà làm nơi thờ tự gia đình liệt sĩ. Tuy nhiên gia đình ông chưa đồng ý vì kinh tế khó khăn nên dù có được cấp đất cũng không có kinh phí để xây dựng nhà.
“Chúng tôi chỉ mong UBND xã Khởi Nghĩa xây lại ngôi nhà tình nghĩa để có nơi thờ tự, hương khói giống như trước kia” - ông Vinh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Định - chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa - thừa nhận khi thanh lý căn nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Máy, lãnh đạo xã thời điểm đó đã không trao đổi với gia tộc họ Phạm vì cho rằng ngôi nhà bị bỏ hoang, không có ai ở.
Tuy nhiên khi được hỏi về biên bản thu hồi nhà và những văn bản quyết định liên quan, ông Định cho biết UBND xã không có biên bản thu hồi ngôi nhà mà chỉ dựa trên thông báo đồng ý của UBND huyện Tiên Lãng, đến nay cũng không còn lưu giữ những văn bản giấy tờ đó.
Theo ông Định, sau khi bà Máy mất, căn nhà tình nghĩa được xã giao cho thương binh Nguyễn Văn Khể đến sinh sống (trong khoảng thời gian hai năm), sau đó ông Khể chuyển đi nơi khác nên căn nhà bỏ hoang.
Do đó đến năm 1994, UBND xã Khởi Nghĩa đề nghị với huyện Tiên Lãng được thanh lý, đấu giá khu đất đó cho người dân làm nhà ở và lấy kinh phí làm đường giao thông nông thôn.
“Nếu như thời điểm sau 1992, gia đình ông Vinh có người đến ở và trông nom hương khói tại ngôi nhà thì chắc chắn không có chuyện xã đề nghị thanh lý ngôi nhà.
Chính vì không có ai ở trong một thời gian dài và căn nhà cũng không thờ tự ai kể từ sau khi bà Máy mất nên lãnh đạo UBND xã thời điểm đó mới đề nghị với huyện được thanh lý ngôi nhà” - ông Định phân trần.
Ông Định cũng cho biết thêm hoàn cảnh gia đình ông Vinh thuộc diện khó khăn trong xã nên UBND xã cũng đang cố gắng tìm kiếm, huy động nguồn xã hội hóa nhằm hỗ trợ việc xây dựng căn nhà thờ gia đình liệt sĩ Khương theo mong mỏi của gia đình.
Tuy nhiên đến nay xã cũng chỉ biết tìm kiếm vị trí đất hợp lý theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện Tiên Lãng.
Bà Hoàng Thị Thúy - trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Lãng - cho biết lãnh đạo phòng đã có nhiều cuộc làm việc với chính quyền xã và gia đình ông Vinh để giải quyết vụ việc kéo dài nhiều năm qua. UBND huyện Tiên Lãng cũng có văn bản giao UBND xã Khởi Nghĩa tìm một vị trí đất hợp lý với diện tích 65m2 để cấp cho gia đình ông Vinh có nơi xây nhà thờ tự gia đình liệt sĩ Phạm Văn Khương, tuy nhiên đến nay gia đình ông Vinh vẫn chưa đồng ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận