29/05/2023 13:30 GMT+7

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 4: Những đoàn phong ngạn đi theo gió rừng

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh.

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 4: Những đoàn phong ngạn đi theo gió rừng - Ảnh 1.

Ký ức những tổ ong "khổng lồ" gần 20 lít mật ngày càng xa dần trong trí nhớ những nguời phong ngạn cũ - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

"Lâu lắc rồi, người ăn ong được gọi là phong ngạn. Tại người ta đi trong rừng, nhắm theo hướng gió mà đi nên gọi vậy. Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong gọi là đoàn phong ngạn. Hồi xưa, lúc ăn ong từ quê cũ bên mé biển xã Khánh Tiến đến khi về đây, tui cũng là phong ngạn viên" - ông Phan Văn Sua, đã 80 tuổi, kể chuyện trong căn nhà rộng rãi ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau.

Ngay sau lưng nhà ông là chục mẫu tràm đến nay vẫn còn được sử dụng để gác kèo ong quanh năm.

Thu thuế ăn ong lớn hơn cả thuế ruộng

Nhiều người già và một số sách báo đề cập hai chữ "phong ngạn" gắn liền với nghề gác kèo ong đến nay vẫn còn lối giải thích như ông Sua nói. Tuy nhiên, trong cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam (Nhà xuất bản Trẻ), nhà văn Sơn Nam lý giải "phong ngạn" theo nghĩa khác.

Theo đó, đầu những năm thế kỷ 20, sáp ong đã là thứ nguồn lợi thiên nhiên nổi danh vùng từ tỉnh Kiên Giang về Cà Mau. Nhà văn Sơn Nam còn cho biết người Khmer từng gọi vùng này là Kramuôn - Sor, tức xứ sáp trắng, bởi thời xưa ổ ong bám vào cây tràm rụng ruống rồi trôi trên sông, không người vớt.

Là sản phẩm quý, theo lệ xưa và mãi đến khi người Pháp đến, sáp vẫn là thứ "đồ đút lót" thông dụng nhất. Đến nỗi hành vi này đã được người ta quen gọi theo kiểu khôi hài là "đút sáp".

Thời vua Tự Đức và có lẽ cả trước đó, quan lại địa phương chia rừng tràm ra từng "ngan", tức từng lô nhỏ, lấy những con rạch thiên nhiên làm ranh giới. Vì thế, nghề ăn ong ban đầu còn được gọi là nghề "ăn ngan". 

Lô rừng đem đấu thầu gọi là Sở phong ngạn. Ở đây nói theo chữ Nho, phong có nghĩa là ong, ngạn là bờ ranh. Các phong ngạn tập trung ở những làng nhiều rừng tràm. Năm 1905, nhiều tài liệu đã ghi lại tên hàng chục Sở phong ngạn khắp các rừng tràm.

Trong một báo cáo về thuế khóa của tham biện chủ tỉnh vào năm 1880 thì nguồn lợi lớn nhất thu về ngân sách của vùng này vẫn là thuế phong ngạn đấu thầu từ các lô đất rừng cho dân khai thác ong mật và sáp. 

Cụ thể năm 1879, thuế phong ngạn đã thu đến 29.546 quan tiền. Trong khi đó, thuế điền chỉ là 11.068 quan tiền cho 2.847 mẫu đất ruộng rẫy.

Tuy nhiên, sau đó nghề phong ngạn dần dần trở nên khó khăn. Diện tích rừng để khai thác mật ong bị thu hẹp vì thỉnh thoảng rừng cháy, ong bỏ ổ đi nơi khác. Đặc biệt, trận bão lụt năm Thìn (1904) đã khiến đa số rừng tràm bị ngã sập. 

Đối với ngân sách làng và ngân sách tỉnh, đây là sự hao hụt đáng kể. Để bù vào số thuế phong ngạn, nhà cầm quyền đã giải quyết bằng cách buộc dân phải chịu thêm một thứ thuế phụ trội, cộng thêm với thuế thân mà dân phải đóng.

Bên cạnh đó là sự tranh chấp của người làm dân khẩn ruộng. Năm 1905, chính sách ưu tiên cho người khẩn đất làm ruộng đã quy định việc đấu thầu phong ngạn mỗi lần từ 3 năm xuống còn 1 năm.

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 4: Những đoàn phong ngạn đi theo gió rừng - Ảnh 2.

Diện tích rừng tràm tự nhiên ngày càng thu hẹp khiến lượng mật các tổ ong cũng giảm đi nhiều so với trước - Ảnh: SƠN LÂM

Thăng trầm và tan rã

Một thời gian dài khi đất nước đã độc lập, những đoàn phong ngạn lại hình thành. Tuy không chịu sự quản lý của Nhà nước nhưng cách thức tổ chức và quy cũ vô cùng chặt chẽ. 

"Hồi đó làm gì có mất cắp, mất trộm tổ ong. Mỗi nhóm vậy đều có nhóm trưởng, đi ăn ong luân phiên với nhau theo phân công, hạn định. Cùng nhau giữ gìn cho nhau để bảo vệ cả khu rừng", ông Sua kể.

Đất rộng người thưa, nhưng thợ ăn ong thuộc rừng như lòng bàn tay, biết đất của ai, kèo ong của ai. Họ không bao giờ xâm phạm nhau. Hình thức kỷ luật cũng được đưa ra vô cùng nghiêm khắc. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt và buộc rời khỏi đoàn. 

Ông Sua nói thêm: "Thấy vậy chớ biết nhau hết. Sống với nhau ở cái xứ này, ăn cắp thì chỉ có nước bỏ xứ ra đi chớ nhìn mặt bà con xung quanh sao được".

Đến năm 1982, khi các lâm ngư trường bắt đầu thành lập thì các đoàn phong ngạn cũng chính thức nhóm lại. Ban đầu là 4 tập đoàn với số lượng 329 thành viên có sự quản lý của Nhà nước, các quy ước cũ cũng được viết lại thành quy định rất chặt chẽ. 

Đây là thời gian hưng thịnh của nghề gác kèo ong khi các tập đoàn không ngừng sinh sôi khắp các ngã rừng từ huyện Trần Văn Thời sang huyện Thới Bình, huyện U Minh của tỉnh Cà Mau.

Đến năm 1989, việc giao khoán đất rừng cho nông hộ, hộ dân nghèo không có đất sản xuất được nhà nước bắt đầu chủ trương. Hợp đồng nhận khoán thường từ 5ha đến 7ha cho mỗi hộ, với mô hình sản xuất bắt buộc là nông nghiệp và lâm nghiệp kết hợp. Tuy nhiên, giao khoán đất rừng và quá trình đào kênh, phân lô, chia khoảnh của các lâm ngư trường cũng làm cho rừng bị chia cắt.

Diện tích rừng tràm bị thu hẹp, các tập đoàn phong ngạn muốn gác kèo ong phải thương lượng và được sự cho phép của chủ rừng. Đối với rừng quốc doanh thì tập đoàn phong ngạn phải đóng thuế bằng mật ong. 

Vì vậy đến năm 1996, phần lớn các tập đoàn phong ngạn chính thức ngưng hoạt động, chỉ còn lại một vài tập đoàn lớn như Tập đoàn 19-5 (sau đổi thành Hợp tác xã 19-5 ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) và Tổ hợp tác sản xuất gác kèo ong ấp Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là còn duy trì và hoạt động bài bản.

Năm 2002, xảy ra vụ cháy lớn ảnh hưởng 4.400ha rừng tràm và nguyên nhân bị đổ dồn về dân phong ngạn. "Nhưng phong ngạn có gây cháy đâu mà nói phong ngạn. Ong lúc đó là cái nồi cơm, dân phong ngạn lại kỹ nghệ, kinh nghiệm đầy mình. Không ai để xảy ra cháy hết trơn. Sau người ta cũng đã xác định là bọn đi trộm ong làm cháy rừng", ông Sua kể.

Và đó cũng xem là dấu mốc chính thức tan rã của các tập đoàn phong ngạn. Trong lần đi thu thập tư liệu nghề gác kèo ong lần này, khi nghe qua điện thoại phóng viên hỏi hoạt động của Hợp tác xã 19-5 từng là Tập đoàn phong ngạn 19-5 nổi danh, ông Nguyễn Văn Vững - giám đốc Hợp tác xã 19-5 - đã dứt khoát nói ngay: "Hiện trong các danh mục của hợp tác xã không có nghề hay hoạt động chính thức nào về ăn ong, chỉ có khai thác rừng". Dù sau đó chính ông Vững đã chỉ chúng tôi một số phong ngạn viên cũ trong hợp tác xã để chúng tôi tìm hiểu.

Tập đoàn phong ngạn đã lui vào quá khứ, rừng tràm nước cũng ngày một hẹp dần, thay vào đó là keo lai, tràm Úc khi những loài cây này lớn nhanh và dễ khai thác hơn rừng tràm cũ. Nhưng kinh nghiệm tích lũy hơn trăm năm trong quá trình chinh phục, sống dựa vào thiên nhiên của ông cha vẫn luôn trong huyết quản của những phong ngạn nay đã về già, và nghề vẫn được tiếp tục truyền lại cho người đời nay.

Quyền lợi người gác kèo ong được Vườn quốc gia U Minh Hạ và một số tập đoàn còn hoạt động gác kèo ong vào năm 2011 ghi: "Mọi tổ chức, cá nhân, thành viên tập đoàn đều bình đẳng như nhau và được hoạt động gác kèo ong trong rừng sản xuất kinh doanh trên luồng tuyến được giao, được hưởng sản phẩm mật ong làm ra và tự do lưu thông trên thị trường.

Người có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cho những thành viên mới vào nghề để có nguồn thu nhập ổn định nhằm xóa đói giảm nghèo... và phải bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, tạo nhiều sản phẩm mật ong rừng tràm có chất lượng cao cung ứng cho thị trường góp phần tăng thu nhập cho tập đoàn viên cũng như thương hiệu mật ong rừng tràm U Minh Hạ".

--------------------

Dù qua bao thăng trầm, các tập đoàn phong ngạn đã tan rã, nhưng vẫn còn nhiều người trẻ theo đuổi việc ăn ong, sống với nghề thiên nhiên ban tặng cho rừng tràm U Minh.

Kỳ tới: Nghề gác kèo ong vẫn “hái ra tiền”

Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 3: Bí quyết săn mật ong rừng U MinhGác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 3: Bí quyết săn mật ong rừng U Minh

Dân cố cựu miệt rừng U Minh Hạ không lạ gì khi bỗng xuất hiện "đám mây đen" kéo dài chừng ba bốn chục thước lướt nhanh trên trời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên