02/11/2007 06:15 GMT+7

Đoàn Phong Ngạn

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Về U Minh, tôi lân la hỏi chuyện ông tổ gác kèo ong xứ này nhưng chẳng mấy người rành rẽ. Những lão nông tri điền 70-80 tuổi tóc bạc phơ cũng chỉ có thể kể khi họ mới biết lẫm chẫm chạy đã thấy tía, ông cầm bùi nhùi vào rừng "ăn" ong rồi. Nghề gác kèo, "ăn" ong xưa cũ bây giờ vẫn đang phát triển mạnh ở rừng U Minh, người ta thường đặt tên cho những người làm nghề này là "đoàn Phong Ngạn".

Chuyện cổ tích rừng U Minh:

Kỳ cuối:

wkUnq5f8.jpgPhóng to
Tía con Hai Rớt phà khói, "ăn" ong - Ảnh: Q.Việt
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Hậu duệ bác Ba Phi Kỳ 2: "Lão dị nhân" đất rừng Kỳ 3: Người săn hổ cuối cùng Kỳ 4: Thầy đìa miệt rừng

Một lần "ăn" ong

Những người gác kèo ong rủ tôi lội rừng. Chiếc vỏ lãi chở bốn rẽ nước vượt qua mấy con kênh đào nhỏ dày đặc rong rêu và lục bình, tiến sâu vào rốn rừng ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau. Đây là chuyến đi lấy mật ong định kỳ của tía con ông Nguyễn Thanh Rớt (Hai Rớt) nên họ chuẩn bị khá kỹ. Người nào cũng mặc áo dài tay dày cộp, lại thêm tấm lưới khít mắt chùm hụp trên đầu và bó bùi nhùi cầm tay.

Tàng ong đầu tiên mà chúng tôi gặp nằm trên cây tràm kèo nghiêng nghiêng cách mặt nước dưới chân chưa tới 2m. Tía con Hai Rớt chuẩn bị châm lửa ngọn bùi nhùi. Để bảo vệ rừng, họ có kỹ thuật làm bùi nhùi khá giản đơn nhưng lại độc đáo: lấy mấy nhánh chà khô nhỏ cột thành bó trong lõi, bên ngoài phủ thêm một lớp nhánh lá tràm tươi rói. Khi đốt cháy, lửa chỉ âm ỉ ở trong lõi, tỏa khói ra, chính lá tràm non vừa tạo thêm khói vừa có chức năng bảo vệ bên ngoài không cho tàn lửa bay tứ tán theo gió có thể gây cháy rừng.

Ra dấu tôi lùi lại, Hai Rớt phù miệng thổi phà khói vào tàng ong. Chưa đầy vài giây, ong bay túa ra khỏi tổ, vạt rừng đang tĩnh lặng chợt náo động bởi tiếng ong vỡ tổ bay o o mù mịt trời. Hai Rớt vẫn bình thản giữa "vòng vây thù hận" của bầy ong. Hạ kèo tràm xuống, ông lấy dao mang theo người cắt gọn một phần tàng ong đầy mật. Ông mời tôi nhấm nháp một mẩu tàng ong non ngay giữa rừng mà không phải người thành phố nào cũng được thưởng thức.

Mật tươi rói, ngọt lịm tứa ra môi. Tía con Hai Rớt vui vẻ nói: "Nó là thuốc chống già của dân miệt rừng này đó. Uống không hay pha với nước ấm, rượu, trà đều ngon bổ". Sau đó cây kèo tràm và phần tàng ong còn lại được gác về chỗ cũ để đàn ong vỡ tổ tiếp tục quay về làm tổ. Ba giờ chiều, chiếc vỏ lãi quay ngược mũi về nhà. Tía con Hai Rớt thu hoạch được hơn 30 lít mật ong. Họ nói lượng mật này là ít vì mùa mưa năm nay dầm dề quá, ong phải tích đủ mật để nuôi con. Nhưng họ vẫn vui vẻ đợi nắng lên sẽ khá hơn như bao đời cha ông đã sống chết với rừng.

Đời gác kèo

kwTIoNsK.jpgPhóng to
Mật ong nguyên chất, “thuốc chống già” của dân gác kèo - Ảnh: Q.Việt

Ở U Minh hiện nay không ai có thể biết dưới tán rừng đang có bao nhiêu người làm nghề gác kèo ong. Nhưng có một điều dám chắc rằng dân miệt này rành rẽ các bí quyết gác kèo ong lấy mật không thua kém bất cứ vùng nào. Hai Rớt năm nay đã ngoài 50 tuổi, trong một gia đình ít nhất đã có bốn đời sinh sống ngay trên thửa đất ông đang ở giữa rừng U Minh Hạ.

Bận nhỏ Hai Rớt tóc còn để chỏm đã biết chèo xuồng theo ông nội tập tành gác kèo. Chưa đầy 16 tuổi ông đã rành nghề rừng này. Đời con lại nối nghiệp tía. Ba người con Nguyễn Thanh Đề, Nguyễn Thanh Trung, Nguyễn Châu Phi hiện cũng thạo ngón nghề gác kèo ong rừng. Hai Rớt được chòm xóm tin tưởng bầu làm trưởng Tập đoàn Phong Ngạn 2 ở huyện U Minh với 29 tập đoàn viên.

Hai Rớt ngồi ngắm chiều vàng loang bóng trên mặt sông và chân chất trải lòng mình: "Điều quan trọng nhất với người gác kèo ong là phải bảo vệ rừng. Không chỉ biết quấn bùi nhùi ít tàn lửa, biết lựa hướng gió xông khói mà còn kiềm chế say xỉn trong lúc đi rừng để đừng vô tình gây cháy". Anh Lê Văn Kháng, bạn xóm cùng Tập đoàn Phong Ngạn với Hai Rớt, nói gác kèo ong lấy mật là ăn của trời đất, nhưng cũng phải đòi hỏi người nhiều kinh nghiệm mới làm được. Nhiều người tưởng rừng già, rậm rịt bóng râm là nhiều ong. Trái lại, khí hậu vùng đó lạnh lẽo, ong ít về làm tổ. "Mới nhìn qua kèo nào cũng giống kèo nào. Nhưng thiệt lạ, người thì thu mật đậm, người chẳng có gì” - anh Kháng nói.

Anh Kháng trầm giọng tâm sự ngoài kinh nghiệm con người, còn có cái gì đó thuộc rừng thiêng khó lý giải. Mỗi năm, người gác kèo ong đều có một lễ cúng rừng rất trang nghiêm, thường được bày ở ngay gần kèo ong lớn nhất rừng được xem như là "chính điện" của ong chúa. Mỗi người gác kèo đều có những lời thề trong tâm như không bao giờ phá rừng, đốt rừng, không hủy tổ, tàn sát các loài ong nếu không thật sự cần thiết vì cuộc sống.

Những ngày theo chân đoàn Phong Ngạn lang thang dưới tán rừng, tôi chưa thấy một người nào giàu được bằng nghề gác kèo ong. Tía con Hai Rớt đang có hơn 300 kèo lấy mật trong tiểu khu 25, Lâm ngư trường U Minh 2. Đó là nguồn thu nhập chính trang trải chuyện áo cơm, học hành trong gia đình mấy thế hệ. Cha con anh Kháng cũng đang gác khoảng 200 kèo. Giá mật bán tại rừng 30.000 đồng/lít, anh Kháng tâm sự tạm đủ sống nếu hết sức tằn tiện.

Chở tôi ra bìa rừng trên dòng sông rực rỡ hoa tràm để về thành phố, những người gác kèo ong miên man tâm sự sẽ không giã từ nghề dù khó khăn. Họ chỉ lo mai này rừng U Minh cạn kiệt dần, ong có còn đem mật ngọt về cho người nữa hay không?

__________________

Đón đọc loạt bài khởi đăng số tới: Báu vật nhân văn sống

Chỉ dăm ba năm nữa, các nghệ nhân dân gian trẻ nhất cũng sẽ bước qua tuổi thất thập cổ lai hi. Các "bảo tàng sống" đó có nguy cơ mất dần, đồng nghĩa với các môn nghệ thuật dân gian cũng có nguy cơ thất truyền.

Làm gì để gìn giữ, hay nói cách khác là làm sao để các "báu vật nhân văn sống" (living human treasures) thật sự là báu vật của dân tộc là một việc không hề đơn giản. Tuổi Trẻ đã đi tìm gặp họ trước khi quá muộn.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên