Khi "đám mây" tới gần, nghe tiếng rì rì, mới hay là một đàn ong khoái dữ thần đang về tìm nơi làm tổ, hút mật.
Loài ong dữ có mật cao
Tiến sĩ Quách Văn Ấn - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau - cho hay ong khoái là loài ong thiên nhiên thuộc loại hung dữ.
Không như những loài ong mật đã được người ta thuần hóa, nuôi trong các hộp gỗ khắp các vùng miền đất nước, đến nay ong khoái vẫn chưa thuần hóa được.
"Ong khoái oánh (đánh) là bỏ luôn kim. Khi tổ nó bị quấy thì cả đàn tấn công lại. Nó oánh rồi thì không chỉ một tổ bu oánh mà người bị đánh chạy thì các tổ khác cũng bay theo oánh", tiến sĩ Ấn nói.
Những năm nghiên cứu tỉ mỉ nghề gác kèo ong giúp ông nắm rất rõ cách tổ chức của đàn ong khoái, gồm ong chúa, ong đực và ong thợ.
Ong chúa thường có thân dài chừng hơn một đốt ngón tay trỏ người lớn, cánh ngắn, kim châm ngắn và nó có khả năng chủ động đẻ trứng nở thành ong đực và ong thợ. Ong đực thân dài khoảng 3/4 ong chúa và chỉ có chức năng duy nhất là giao phối với ong chúa để sinh con.
Còn ong thợ không giao phối, nhưng làm tất cả việc quan trọng khác để bảo vệ tổ, tìm gom phấn hoa để nuôi ong non và làm thức ăn cho ong chúa, hút mật hoa luyện thành mật ong.
"Con ong khoái rất siêng năng, có thể bay trong tầm chục cây số để lấy mật, phấn hoa. Nhưng nó chỉ bay tầm thấp để tránh thiên địch là các loài chim hay các loài ong to lớn hơn như ong vò vẽ. Hay nhất vẫn là tính tổ chức, con nào đi lấy mật thì đi, con nào gác cửa thì gác cửa, còn ong chúa chỉ sinh sản.
Con đi lấy mật về mà không có mật thì con ong gác cửa cũng không cho vào. Mỗi lần chuẩn bị sinh sản, con ong chúa bay nhanh lên cao, con ong đực nào bay theo kịp, mạnh nhất mới được giao phối", tiến sĩ Ấn nói say sưa.
Ong khoái có thể hút được mật của các loại bông như bông giác, bông mua..., nhưng có lẽ vẫn khoái nhất là bông tràm vì chúng nhiều mật và nở rộ khắp nơi khi đến mùa. Do đó, mùa gác kèo ong rừng U Minh Hạ cũng đạt nhiều nhất theo mùa tràm nở bông.
Những người thợ gác kèo lâu năm chỉ cần nhìn bông tràm bắt đầu nở là biết thời điểm ong làm tổ. Họ còn biết được việc trên bông tràm khi có nhiều con ong ăn cùng một bông mà không tranh giành, không cắn nhau là ong cùng tổ.
Con ong ăn thong thả trên bông tràm, hút mật rồi gom phấn bằng hai chân sau một cách thảnh thơi là tổ ong đã đủ mật. Trái lại khi con ong sà vào bông tràm mà tìm ngay nhụy để hút, bò nhanh, luýnh quýnh là tổ ong chưa đủ mật.
Xem tổ ong đang bu làm mật cũng biết con ong đang dữ hay đang hiền. Thấy con ong đang nằm đều có nề nếp, khi nghe động mà nó chỉ chớp cánh từng lớp đều đặn là ong hiền.
Còn khi quan sát tổ ong đã đủ mật, con ong bò lộn xộn dồn xuống phía dưới dạ tàng, tạo ra sự hỗn loạn thì là tổ ong dữ. Biết ong dữ, ong hiền thì mới chuẩn bị cách để ăn ong cho gọn mà không bị chúng vây đánh.
Thông thường vào mùa khô, chất lượng mật ong sẽ rất tốt vì trời khô ráo, mật ong không thấm nước.
Vào mùa mưa, hàm lượng nước trong mật nhiều hơn, nên mật loãng hơn. Không chỉ có vậy, con ong vào mùa nước thường hay hung dữ hơn. Một số thợ ăn ong cho rằng "có thể ong mùa nước ăn bông cây giác nên mới nóng mình, hung tính hơn".
Ăn ong phải biết cách giữ tổ
Vào mùa bông tràm nhiều, khi ong đã chọn kèo thì thường khoảng 15, 20 ngày sau là đã có thể ăn ong. Người thợ sẽ chuẩn bị "đồ nghề" gồm con cúi tạo khói, dao cắt mật và gùi hoặc xô chứa để lấy mật.
Con cúi tạo khói xưa kia thường được làm bằng rễ cây gừa đập tơi ra, phơi khô hoặc làm bằng rơm, xơ vỏ dừa cuộn chặt lại.
Chỉ cần châm lửa, thổi hơi thì khói ra mù mịt. Con cúi bằng rễ gừa vẫn được ưa chuộng hơn cả vì khói nhiều, cháy chậm mà đặc biệt nếu có tàn lửa bay ra cũng sẽ tắt rất nhanh, không lo cháy rừng.
Một thời gian cách đây hơn mười năm, người ta còn sáng tạo ra cả bình phun khói bằng nhôm cứng hoặc inox, có tay vịn, đựng rễ gừa hoặc xơ dừa vào trong rồi gắn thêm cả quạt gió công suất nhỏ chạy pin.
Khi đốt đồ cháy trong bình, bật công tắc lên thì quạt sẽ tạo khói rất tốt, mặc sức đuổi cả tổ ong bự đang lăm le đánh kẻ lấy mật của chúng.
Tuy nhiên, với những thợ lành nghề, con cúi vẫn được sử dụng tiện hơn bình phun khói vì sau khi tạo khói rồi dễ dàng... đưa con cúi lên miệng cắn để hai tay rảnh rang, tiện cắt tàng ong lấy mật.
Khi xác định tổ ong đang hiền tính, thợ ăn ong chỉ cần tiếp cận, thổi khói mịt mù để đàn ong di tản rồi có thể dùng dao cắt tổ ong.
Kinh nghiệm ăn ong hơn nhau ở chỗ lấy mật sao để ong tiếp tục về, và lần sau được mật nhiều hơn lần trước. Những người giỏi ăn ong có thể lấy mật ở một kèo đến 6, 7 lần, có khi được cả chục lần.
Bí quyết khi khai thác tổ ong lần đầu, người thợ sẽ xác định rõ phần khúc mật nằm ở hướng đầu kèo, sau đó sẽ cắt tách rời phần tàng ong và khúc mật ra.
Tiếp đó, họ mới cắt dọc theo thân kèo để tách hẳn phần mứt ong bám với dạ kèo, rồi dùng đường dao thứ ba tách phần mật với phần tàng ong còn lại.
"Thường phải cắt theo tam giác, hình mỏ con chim ké. Và khi cắt xong phải cắt luôn khoảng 1/3 tàng ong và dọn gọn gàng lại tàng ong còn lại trên tổ để tránh gió thổi làm gãy. Con ong sẽ tiếp tục bám tàng mà làm mật ngược trở lại từ tàng ong lên đến dạ kèo", tiến sĩ Ấn nói chi tiết.
Những lần sau đó, quan trọng nhất là người thợ phải biết cách chỉnh sửa, nối lại tàng ong sao cho vững chãi nhất.
Có thể dùng thêm dây cột phần tàng còn lại sao cho dính chặt thân kèo. Bởi chỉ cần phát hiện tổ đã yếu, có khả năng rơi ra, bầy ong sẽ bỏ tổ mà đi chứ không xây dựng thêm nữa.
Cũng theo kinh nghiệm chung của dân ăn ong rừng U Minh Hạ, sau khi lấy mật mà biết cách chỉnh sửa, tạo thế đẹp để con ong yên tâm tiếp tục làm tổ, thì lượng mật lấy lần sau sẽ còn dồi dào hơn lượng mật đã lấy trước đó.
Tiễu trừ sâu ong
"Quá trình lấy mật, nếu phát hiện đoạn nào đã có con sâu ong thì phải dùng dao khoét bỏ phần đó đi, kẻo nó uống hết mật. Con kiến con mối gì tới gần tổ thì đã bị đám ong thợ nó cắn chết.
Chỉ có con sâu ong là tự sinh ra rồi sống luôn trong tàng ong. Thường nó dài khoảng 3 phân, to như đầu đũa, mình nó mang áo như bông vải trắng tinh.
Một kinh nghiệm quan trọng nữa là khi phát hiện tổ ong chúa sinh ra dưới đáy tàng ong thì phải ngắt nó ra khỏi tổ liền.
Nếu để, con ong chúa này ra đời, thì con ong chúa cũ sẽ dẫn đám thợ giỏi trước đó của nó bay đi làm tổ khác, chỉ để lại tàng tổ cũ cho con ong chúa và đám thợ mới nở trong tổ một số ít thức ăn.
Như thế thì tổ ong sẽ mất chất lượng. Không có ong chúa mới, chúng cứ tiếp tục xây tổ, đưa mật về hoài", thợ ăn ong Trần Văn Nhì, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ.
----------------------
"Lâu lắc rồi, người ăn ong được gọi là phong ngạn. Tại người ta đi trong rừng, nhắm theo hướng gió đi nên gọi vậy. Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong gọi là đoàn phong ngạn".
Kỳ tới: Những đoàn phong ngạn đi theo gió rừng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận