14/06/2018 03:53 GMT+7

G7 thời Trump

PHẠM VŨ LỬA HẠ
PHẠM VŨ LỬA HẠ

Một bức ảnh đăng trên tài khoản Instagram chính thức của Thủ tướng Angela Merkel nhanh chóng lan truyền vì lột tả rõ rệt thế cờ đối đầu đặc trưng của Hội nghị thượng đỉnh G7 ở La Malbaie, Quebec (Canada) hồi cuối tuần trước, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo các nước khác trong khối, chủ yếu về việc ông Trump đơn phương đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu.

 "Trump - Merkel" của bộ phận ảnh, Văn phòng Thủ tướng Đức. Ảnh: time.com

Tuy qua bức ảnh đó, bà thủ tướng Đức trông như nhân vật chính đương đầu với tổng thống Mỹ, thủ tướng nước chủ nhà Canada, Justin Trudeau, lại là người đón nhận cơn thịnh nộ bất ngờ từ ông Trump sau đó. Rời Hội nghị G7 sớm, trên đường đến cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore, ông Trump đăng đàn Twitter liên tiếp công kích ông Trudeau, và ra lệnh cho các quan chức Mỹ rút khỏi tuyên bố chung G7 bàn về thương mại công bằng và cân bằng. Trước đó, cả 7 nước đã đồng ý về 28 lĩnh vực, chỉ trừ vài ngoại lệ (ví dụ: Mỹ và Nhật không đồng ý về chỉ tiêu giảm lượng nhựa thải).

"Hợp tác quốc tế không thể được quyết định bởi những cơn nóng giận và những phát biểu tùy tiện".

(Tuyên bố của Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron)

Cãi cọ trên Twitter

Hôm 9-6, ông Trump viết trong một tweet: “Dựa trên các phát biểu sai của Justin tại cuộc họp báo của ông ấy, và thực tế là Canada đang đánh thuế nhập khẩu cao đối với nông dân, công nhân và công ty Mỹ chúng tôi, tôi đã chỉ thị các đại diện của Mỹ không ủng hộ tuyên bố vì chúng tôi cân nhắc thuế nhập khẩu đánh vào xe đang tràn ngập thị trường Mỹ!”.

Ông Trump viết tiếp trong một tweet thứ nhì ngay sau đó: “Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã hành động quá yếu đuối và nhu nhược trong các cuộc họp G7 để rồi sau khi tôi đã rời khỏi lại tổ chức một cuộc họp báo nói rằng “thuế nhập khẩu của Mỹ có tính xúc phạm” và ông ta sẽ “không bị bắt nạt”. Rất không trung thực và yếu đuối. Thuế nhập khẩu của chúng tôi là để đáp trả với mức thuế 270% của ông ta đánh vào sản phẩm bơ sữa!”.

Trump cho rằng Trudeau phát biểu như vậy là chơi xấu khi không có mặt ông. Thực ra, trong nhiều phát biểu và các lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ trước hội nghị, Trudeau đã liên tục đưa ra thông điệp nhất quán đó, và cho biết ý định của Canada đánh thuế trả đũa “từng đồng một” với Mỹ.

Chưa hả giận, Trump bật đèn xanh cho các cố vấn kinh tế hàng đầu của mình lên tivi công kích Trudeau. Trên CNN hôm 10-6, Larry Kudlow, chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Hoa Kỳ, tung ra một đòn công kích khác thường với một trong những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Kudlow cáo buộc thủ tướng Canada phản bội tổng thống Mỹ và khiến cho Trump có vẻ nhu nhược ngay trước cuộc gặp lịch sử với Triều Tiên: “Ông ta thực sự đã đâm sau lưng chúng tôi”. (Trudeau và các lãnh đạo khác của G7 đã ủng hộ nỗ lực của Trump thuyết phục Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân).

Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng, thậm chí còn nặng lời hơn. Ông phát biểu trên Fox News rằng: “Có một nơi đặc biệt ở địa ngục cho bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào chơi trò ngoại giao thiếu thiện chí với Donald J. Trump rồi tìm cách đâm sau lưng ông trên đường bước ra khỏi cửa, đó là điều Justin Trudeau đã làm”. Navarro cũng nói: “Đó là một trong những tính toán chính trị sai lầm nhất trong lịch sử Canada”.

Trudeau khôn khéo không bị lôi vào cuộc đấu khẩu trên truyền thông, và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước G7, các đối thủ chính trị trong nước và cả một số chính khách Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel nói rằng Trump rút khỏi tuyên bố chung G7 “qua Twitter tất nhiên là khiến ta sáng mắt và hơi đáng buồn”, và cảnh báo châu Âu sẽ đánh thuế trả đũa giống Canada. Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Hợp tác quốc tế không thể được quyết định bởi những cơn nóng giận và những phát biểu tùy tiện”. Thượng nghị sĩ Mỹ Diane Feinstein (Đảng Dân chủ) gọi tràng công kích của Trump là “một sai lầm lớn”, còn thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) nói Trump cư xử với các đồng minh G7 như vậy là sai trái.

Xuất hiện trên Fox News hôm chủ nhật 10-6, cựu thủ tướng Canada Stephen Harper kêu gọi Trump ngừng đấu đá thương mại với Canada, và hợp sức buộc Trung Quốc mở cửa thị trường: “Theo đánh giá của tôi, việc hai nước chúng ta đấu đá về thương mại trong khi Trung Quốc có cán cân chênh lệch 4:1 với cả hai chúng ta, là chọn sai ưu tiên”.

Hôm 10-6, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói với báo giới tại Quebec rằng Canada sẽ không tham gia trận đấu võ mồm với chính quyền Trump, nhưng bà nhắc lại Ottawa sẽ đáp trả nếu Mỹ không hủy bỏ thuế thép và nhôm. Hôm 31-5, ngay sau khi Mỹ quyết định chấm dứt miễn trừ thuế thép và nhôm cho Canada, Mexico và EU từ ngày 1-6, Canada đã công bố các loại thuế trả đũa trị giá 16,6 tỉ CAD (12,8 tỉ USD) đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ, bắt đầu vào ngày 1-7 (cũng là quốc khánh Canada) và sẽ có hiệu lực tới khi Mỹ bãi bỏ thuế của họ. Thuế của Canada chủ yếu nhắm vào các mặt hàng từ các tiểu bang ủng hộ các chính khách chủ chốt phe Cộng hòa.

Hôm 11-6, Trump tiếp tục đòn tấn công trên Twitter: “Justin có vẻ đau đớn khi bị vạch mặt”, và tố Canada khoác lác về kim ngạch thương mại gần 100 tỉ đôla với Mỹ mà không trích dẫn tài liệu nào. Ông cũng đả kích các nỗ lực thương mại của G7 qua tweet: “Thương mại công bằng bây giờ được gọi là thương mại ngu ngốc nếu không có qua có lại”, và: “Xin lỗi, chúng ta không thể để bạn bè, hoặc kẻ thù, của chúng ta lợi dụng chúng ta nữa. Chúng ta phải đặt người lao động Mỹ lên trên hết!”.

G6+1?

Ngay từ đầu, Trump chẳng mặn mà với thượng đỉnh G7. Ông cho rằng hội nghị lần này chỉ tổ khiến ông phân tâm khi đang chuẩn bị gặp Kim Jong Un. Thái độ bất cần của ông thể hiện qua những lần tới trễ các phiên họp, rồi rời Canada trước ngày bế mạc, dù còn mấy ngày nữa mới tới cuộc gặp ở Singapore.

Dẫu vậy, cú sốc lớn nhất của hội nghị năm nay là Trump không thể kìm nén cơn giận và nỗi khinh khi với một số đồng minh thân thiết nhất. Trump vốn không ưa chủ nghĩa đa phương. Ngay từ lúc mới nhậm chức, ông đã rút Mỹ khỏi TPP. Ông ưa các thỏa thuận song phương hơn, một đặc điểm định hình do tính cách. Tác giả của cuốn Trump: The Art of the Deal (Trump: Nghệ thuật thương thảo) cho biết Trump tự tin về khả năng đấu tay đôi hơn là đương đầu với một nhóm các đối thủ nhỏ hơn nhưng đồng lòng.

Trump bất đồng với các nước G7 về đủ thứ: thương mại, biến đổi khí hậu, hiệp ước hạt nhân Iran, vấn đề Israel - Palestine... Đã vậy, ngay trước hội nghị, Trump đề nghị G7 cho Nga tái gia nhập để trở lại thành G8 (năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm sau khi sáp nhập Crimea). Nước chủ nhà Canada, cũng là nước đã vận động loại Nga, đã thẳng thừng bác bỏ. Chỉ có Ý ban đầu ủng hộ ý tưởng này, nhưng sau đó cũng rút lại. Trên đường tới Singapore gặp Kim Jong Un, Trump lại nhắc tới đề xuất đó.

Hội nghị G7 lần này họp ở Canada, một nước có thủ tướng lúc nào cũng mang các vấn đề mà ông coi là “tiến bộ” tới các hoạt động quốc tế (chính Trudeau đã vận động đưa thêm chữ “tiến bộ” vào tên hiệp định TPP mới). Ông đã đưa vào chương trình nghị sự một số vấn đề như chính sách đại dương sạch, với chiến lược giảm lượng nhựa thải, bình đẳng giới, an ninh mạng... Với tư cách chủ nhà, Trudeau tuyên bố Hội nghị G7 năm nay thành công. Song, cũng có thể coi đây là một hội nghị thượng đỉnh thất bại. Chưa rõ Mỹ có dứt khoát rút khỏi tuyên bố chung như Trump nói trên Twitter (một số quan chức Mỹ khẳng định Mỹ vẫn ký), nhưng nếu quả thật như thế thì đây là Hội nghị G7 đầu tiên không đạt được tuyên bố chung. G7 có vẻ đã trở thành G6+1.

Trong khi đó, ở bên kia địa cầu, một hội nghị đa phương khác diễn ra ngay sau khi Hội nghị G7 kết thúc: hội nghị của Hội đồng hợp tác Thượng Hải, với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, và các nước Trung Á. Hội nghị này, tất nhiên là thành công tốt đẹp và nhất trí cao!■

Jury Room của Norman Rockwell và bức ảnh các lãnh đạo G7 trên tài khoản Instagram của Thủ tướng Đức. (Ảnh: pinterest, time.com)
Jury Room của Norman Rockwell  (Ảnh: pinterest)

Ai phán xét ai?

Bức ảnh nổi tiếng đã được Văn phòng Thủ tướng Đức công bố trên trang mạng xã hội của họ gợi lại bức tranh The Jury (Bồi thẩm đoàn) của họa sư người Mỹ Norman Rockwell (1894-1978) vẽ năm 1959. Tất nhiên, trong khi tư thế của nhiều nhân vật trong hai tác phẩm thị giác này là giống nhau, thể tài hoàn toàn khác nhau. The Jury là tuyên ngôn nữ quyền của Rockwell, khi 11 người nam giới trong bồi thẩm đoàn cật vấn một phụ nữ ngồi khoanh tay ở thời đại mà việc phụ nữ xuất hiện trong các ban bồi thẩm tại tòa ở Mỹ còn là điều hiếm hoi, thậm chí là kỳ lạ. Trump cũng đã trở thành biểu tượng của sự chối bỏ, nhưng là chối bỏ sự hợp tác, thương mại tự do, và chủ nghĩa đa phương. Thêm nữa, Trump không phải ở thế yếu như người phụ nữ anh hùng trong bức tranh The Jury. Trái lại, ông ở thế mạnh ngay cả khi so với tất cả những người đang có vẻ cật vấn ông ta cộng lại, và cũng là người đã khởi động mọi chia rẽ. Một chú thích bức hình này trên mạng nói lên nhiều điều: “Lãnh đạo của thế giới tự do đối mặt tổng thống Hoa Kỳ”. Phải chăng, “lãnh đạo thế giới tự do” không còn là nước Mỹ nữa?

CHIÊU VĂN

PHẠM VŨ LỬA HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên