29/11/2018 00:38 GMT+7

Những mối nguy từ quảng cáo trên Facebook

NGUYỄN VŨ
NGUYỄN VŨ

Business Insider muốn chứng minh là kênh quảng cáo trên Facebook dễ dàng bị kẻ xấu khai thác.

 

Khi lướt Facebook, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy những “status” (những mẩu viết ngắn) lạ hoắc trên “newsfeed” (dòng cấp tin) của chúng ta. Nó có thể là quảng cáo cho một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó, đọc vào là biết ngay quảng cáo. Nó cũng có thể là nội dung giới thiệu chung chung, thật khó nói là quảng cáo hay không. Cũng may, Facebook dán nhãn “sponsored” (được tài trợ) ngay dưới tên chủ nhân nội dung (thuộc loại có trả tiền cho Facebook). Ở Việt Nam, nhiều nhất vẫn là “sponsored” để tăng lượng view cho các fanpage của nhiều giới.

Đôi lúc, cũng có những “status” dạng vô hại, khen chê bình luận các ngóc ngách của dòng thời sự như mọi người, nhưng lại có đính nhãn “sponsored”. Liệu có ai rảnh và lại sẵn tiền mua chiến dịch quảng cáo cho những nội dung này? Mục đích là gì? Để thu hút người đọc hay để mưa dầm thấm lâu, về sau này sẽ tác động lên suy nghĩ của chúng ta một cách tinh vi?

Ở Mỹ, chuyện này nghiêm trọng hơn bởi một khi đến mùa bầu cử, hàng loạt nội dung khen chê kiểu đó được giội bom vào đúng tầm nhìn của cử tri, liên tục tìm cách tác động lên kết quả bầu cử. Để phần nào minh bạch hóa dòng tiền quảng cáo và giảm bớt sự lên án của mọi người, Facebook đưa ra quy định: mọi quảng cáo mang tính chính trị phải ghi rõ do ai trả tiền (tức bên cạnh từ “Sponsored” còn thêm dòng “Paid for by...”). Mặc dù Facebook cam đoan rằng các quảng cáo loại này cũng phải trải qua quá trình sàng lọc kỹ lưỡng, nhưng thực tế không phải vậy.

Đầu tiên, tờ Vice thử mua quảng cáo dưới tên Phó tổng thống Mike Pence, hay chủ tịch hội đồng quốc gia Đảng Dân chủ Tom Perez, thậm chí ngay cả nhóm khủng bố ISIS. Các quảng cáo này được Facebook duyệt cho qua một cách dễ dàng sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đăng ký quảng cáo, bởi sau kiểm tra, người đăng ký nêu tên ai đứng ra trả tiền đều được. Quảng cáo được gán cho Mike Pence mua có hình những phụ nữ trùm khăn kín mít và lời kêu gọi “hãy bấm “like” và chia sẻ nếu bạn muốn cấm áo trùm đầu ở Mỹ!”.

MH
Mẩu quảng cáo mà Business Insider đã dùng để "đánh lừa" Facebook.

Tờ Business Insider còn lừa Facebook đau hơn. Họ soạn những quảng cáo mang tính chính trị và khai nơi trả tiền mua là Cambridge Analytica. Cambridge Analytica chính là nơi khai thác dữ liệu người dùng Facebook trái phép, dẫn tới một xìcăngđan đầy tai tiếng cho Facebook vào đầu năm nay. Cái tên Cambridge Analytica như một cơn ác mộng với Facebook, từng làm cổ phiếu nơi này bay mất 35 tỉ đôla sau khi vụ thao túng dữ liệu này nổ ra. Facebook từng tuyên bố cấm cửa Cambridge Analytica vào tháng 3-2018.

Business Insider kể lại: họ phải cung cấp hình chụp bằng lái xe và một địa chỉ ở Anh, sau đó họ được Facebook cấp quyền tải lên nội dung quảng cáo ở một trang của Facebook. Business Insider giả làm một tổ chức phi chính phủ tên “Insider Research Group” chạy hai quảng cáo, ghi rõ “được Cambridge Analytica trả tiền”. Họ dùng hai quảng cáo có sẵn của những tổ chức vận động nước Anh ra khỏi EU rồi viết thêm các chú thích gây hấn. Lộ liễu như thế mà Facebook cũng cho hai quảng cáo xuất hiện. Chỉ đến khi quảng cáo này bị một nhà báo phát hiện, chất vấn Facebook trên Twitter, Facebook mới vội vàng gỡ quảng cáo xuống.

Điều Business Insider muốn chứng minh là kênh quảng cáo trên Facebook dễ dàng bị kẻ xấu khai thác. Chúng có thể chạy quảng cáo gây sốc rồi gán cho một ai đó để hại người này. Chúng có thể dùng người này để nói xấu, chỉ trích, thậm chí đưa tin sai lệch về người khác mà người đọc sẽ chịu, không thể nào biết đó là thật hay giả.

Trước đây dư luận từng xôn xao trước những chiến dịch quảng cáo ở các nước, tác động lên chính trường nước đó, chẳng hạn ở Anh là cuộc vận động dân Anh chống lại thủ tướng nước này là bà Theresa May và kế hoạch Brexit của bà. Dân tình xôn xao, không biết ai đứng đằng sau chiến dịch này. Business Insider cho thấy nỗ lực minh bạch hóa của Facebook có thể trở thành một đòn “gậy ông đập lưng ông” vì nay họ chịu thêm một mối hoài nghi, Facebook nói quảng cáo đó do XYZ trả tiền nhưng có thật vậy không hay do gã ACB nào đó trả tiền rồi gán cho XYZ.

Thử hình dung chúng ta thấy một “status” quảng cáo cho một doanh nghiệp - đó là chuyện bình thường, nhất là khi có chữ “sponsored” sòng phẳng. Nhưng giả dụ “status” này đăng toàn thông tin bậy bạ, nói xấu doanh nghiệp khác, chửi rủa khách hàng, lên án đối thủ và ghi rõ “quảng cáo này được XXX trả tiền” trong khi XXX thật sự không biết gì về việc này cả? Đây là một tình huống rất nguy hiểm và có thể xảy ra như một cao trào của sự mơ hồ thật - giả.■

NGUYỄN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên