26/07/2019 07:00 GMT+7

Người cao tuổi tham gia lao động: Nhật Bản và Việt Nam

FUSHIHARA HIROTA
FUSHIHARA HIROTA

TTCT - Việt Nam và Nhật Bản tuy còn chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và mức độ già hóa dân số nhưng với những nền nếp văn hóa và gia đình tương đối gần, có thể là một so sánh thú vị về tình trạng chung không tránh khỏi của tương lai: rất nhiều người qua tuổi hưu vẫn sẽ (phải) tiếp tục đi làm.

Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản tiếp tục làm việc khi đã qua tuổi hưu. Ảnh: The Japan Times
Nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản tiếp tục làm việc khi đã qua tuổi hưu. Ảnh: The Japan Times

Chuyện của Nhật Bản

Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản (15-64 tuổi) tăng liên tục từ khi kết thúc Thế chiến II, đạt đỉnh vào năm 1995 với 87,26 triệu/125,4 triệu người. Nhưng sau đó, dân số thuộc độ tuổi này không ngừng giảm đi.

Theo điều tra tổng dân số vào năm 2005, nhóm dân số đó ở Nhật chỉ còn 77,78 triệu/127,8 triệu người và sẽ còn tiếp tục giảm cùng đà suy giảm tổng dân số. Chính phủ Nhật Bản dự đoán vào năm 2040, nhóm dân số này chỉ còn khoảng 60 triệu/107,8 triệu người và số người cao tuổi sẽ là khoảng 39 triệu.

Một xã hội dân số tăng lên, đặc biệt khi nền kinh tế tăng trưởng cao, thì nhu cầu gia tăng, thị trường mở rộng, kéo theo sản xuất mở rộng, tổng sản lượng quốc nội sẽ tăng. Trong quá trình này, trình độ và mức độ phổ cập phúc lợi y tế được nâng cao, chế độ an sinh xã hội như lương hưu được kiện toàn hơn.

Kết quả là dân số người già tăng lên. Kinh tế Nhật Bản đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh nhưng sau những năm 1990, Nhật Bản đã và đang gặp khó khăn về tăng trưởng kinh tế. Đến nay, dân số Nhật Bản liên tục giảm, nhu cầu vì thế cũng giảm, thị trường bị thu nhỏ lại, nên vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng suất bằng lực lượng lao động ngày càng ít đi.

Bên cạnh đó, chế độ an sinh xã hội của Nhật Bản cũng đang gặp khó khăn. Chế độ lương hưu dựa chủ yếu vào đóng góp của những người còn trong tuổi lao động. Họ sẽ phải đóng quỹ lương hưu do nhà nước và các doanh nghiệp quản lý, và thực tế số tiền đóng góp đó được sử dụng luôn cho việc chi trả lương hưu hiện tại.

Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, lực lượng lao động dồi dào, số tiền đóng góp cũng nhiều hơn. Nhưng khi dân số lao động giảm đi, số người cao tuổi tăng lên thì việc chi trả vượt khỏi khả năng của các quỹ lương hưu, khi mà ngay hiện giờ tiền lương hưu vốn đã không chắc đảm bảo được toàn bộ cuộc sống cho người cao tuổi.

Trước thực tế đó, Nhà nước Nhật Bản đang xúc tiến và khuyến khích việc tạo ra cơ hội cho người cao tuổi có thể tham gia lao động.

Quốc hội Nhật Bản đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi vào năm 2013. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: (1) xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65; (2) có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi và (3) bãi bỏ chế độ về hưu.

Bên cạnh đó, chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm, cũng như cho những doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi.

Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động ngoài góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn với phát triển kinh tế, chế độ an sinh xã hội, còn có mặt tích cực tạo ra sự hài lòng và khẳng định bản thân của người cao tuổi.

Chuyện Việt Nam

VN cũng đã bắt đầu quan tâm những hệ quả liên quan đến dân số già. Thực tế, dân số VN đã bắt đầu già đi. Bài “Xu thế già hóa dân số ở nước ta hiện nay và yêu cầu nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi” của tạp chí Cộng Sản Online ngày 10-9-2018 nêu: “Một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng VN đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Chúng ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, bước đầu vào giai đoạn già hóa và cần phải có kế hoạch để ứng phó với việc già hóa dân số.

VN nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, VN chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỉ trọng người cao tuổi VN chiếm 17% và năm 2050 là 25%”.

Thời kỳ dân số “vàng” (dân số trẻ nhiều, với tháp dân số hình kim tự tháp) là thời kỳ tốt nhất cho phát triển kinh tế, bởi thu nhập quốc gia tăng và chi phí an sinh xã hội chưa lớn. VN đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ này, điều dự báo những khó khăn phía trước.

Thêm nữa, VN chưa thực sự trải qua giai đoạn phát triển kinh tế thật sự thần tốc, công nghiệp chưa đạt tới trình độ các nước phát triển, cơ hội việc làm cho người trẻ cũng không phải là quá rộng rãi và tỉ lệ thất nghiệp thực chất vẫn cao, khiến đất nước đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già”.

Trước thực tế này, giải pháp cơ bản vẫn là đẩy mạnh phát triển kinh tế, bao gồm lĩnh vực công nghiệp, nơi sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho dân số trong độ tuổi lao động, giúp tăng thu nhập quốc dân, bảo đảm ngân sách hoặc quỹ an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, nhà nước và cả khối tư nhân cần thực hiện những biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất (giá trị gia tăng của sản phẩm), tạo ra sự đa dạng về nguồn lực, xây dựng nguồn vốn xã hội - nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động cũng là yếu tố tích cực trong quá trình đó.

Người cao tuổi không phải người sống phụ thuộc

Nhiều người có suy nghĩ người cao tuổi đa số sống nhờ vào sự trợ giúp về mặt kinh tế của con cái. Định kiến về họ là sức khỏe kém, làm những công việc không tạo ra thu nhập trực tiếp (nội trợ, chăm sóc con cháu...) trong bối cảnh lương hưu và trợ cấp xã hội còn thấp. Tuy nhiên, người cao tuổi không đồng nghĩa là người sống phụ thuộc và vô dụng.

Người cao tuổi có thể là người có giá trị tri thức dày dặn với trải nghiệm phong phú qua năm tháng. Họ vẫn có thể tiếp tục lao động trực tiếp kiếm ra thu nhập thông qua những công việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và kinh nghiệm của mình.

Tạo ra một môi trường lao động với những ngành nghề phù hợp để người cao tuổi có thể tiếp tục cống hiến, tạo ra giá trị thặng dư cho kinh tế, mà trước hết để tạo ra thu nhập cho chính họ, bởi thế, là điều rất nên làm.

Tuy nhiên, cần thấy rằng lương hưu và các chế độ an sinh xã hội với người cao tuổi vẫn lấy nguồn chính là đóng góp của dân số trong độ tuổi lao động. Theo đó, số lượng cũng như giá trị đóng góp của bộ phận này càng lớn thì nguồn thu quỹ càng cao, mức hưởng của người cao tuổi cũng cao theo.

Muốn giải quyết triệt để và lâu dài an sinh xã hội cho người cao tuổi, trước hết phải tăng cường việc làm cho lao động trẻ thông qua đẩy mạnh phát triển kinh tế và công nghiệp, tạo ra nhiều ngành nghề với thu nhập cao, từ đó tạo nguồn thu chính dồi dào đảm bảo quỹ lương hưu.

Bản chất của xây dựng cơ chế lương hưu, an sinh xã hội là trách nhiệm của nhà nước. Dù việc hỗ trợ người cao tuổi đóng góp cho quá trình này là tích cực, đó không phải là giải pháp hiệu quả lâu dài. Việc người cao tuổi tham gia lao động chỉ có tính chất khuyến khích, chứ không nên có tính áp đặt, bắt buộc để nhà nước “nhẹ gánh” hơn trong vấn đề an sinh.■

Đi làm không chỉ vì thu nhập

Tại Nhật Bản, người cao tuổi có thể phải đi làm vì lý do kinh tế khó khăn, vì phát triển kinh tế vi mô hay chế độ an sinh xã hội gặp vấn đề, nên việc người cao tuổi lao động không chỉ là những câu chuyện màu hồng. Tuy nhiên, sự thật là nhiều người cao tuổi muốn đi làm. Rất nhiều người tích cực tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, làm thiện nguyện cho các tổ chức phi chính phủ…

Với họ, đó là cách để khẳng định bản thân, để tìm được niềm vui cho cuộc đời. Giá trị cuộc sống không phải ai cũng giống nhau, nên cũng khó có thể cho rằng người cao tuổi cứ nghỉ ngơi ở nhà để con cháu chăm bẵm mỗi ngày là “sướng”, nhưng cũng không thể áp đặt người cao tuổi cứ phải tham gia lao động, hoạt động xã hội thì mới “ý nghĩa”.

Dù là người cao tuổi hay trẻ tuổi thì quyền tự do thụ hưởng các giá trị văn hóa, quyền tự do được tìm kiếm các hoạt động, công việc phù hợp với niềm vui của bản thân là như nhau. Nếu xây dựng được một xã hội dung nạp, biết chấp nhận và tạo điều kiện cho tự do, tự chủ và tự lựa chọn cá nhân nói chung thì bản thân người cao tuổi cũng sẽ hưởng lợi như mọi công dân khác.

Bố tôi đã làm việc cho một công ty thương mại từ khi ra trường đến khi 65 tuổi (sau khi về hưu theo tuổi 60, công ty đã áp dụng chế độ làm việc thêm 5 năm). Sau 65 tuổi, bố tôi mở doanh nghiệp riêng về thương mại máy dệt - công việc mà bố đã làm nhiều chục năm tại công ty.

Ông đi lại giữa Nhật Bản và một số nước châu Âu để môi giới mua bán máy dệt, tất cả đều tự làm một mình đến khi ông 75 tuổi. Bố tôi hiện nay 80 tuổi, tham gia tích cực hoạt động xã hội của địa phương, trồng rau quả tại vườn nhỏ của mình.

Tất cả cuộc sống của bố, bố tự giải quyết, không cần nhờ ai. Mẹ tôi 74 tuổi, ở xa bố và gần như sống một mình, bà cũng tích cực và khỏe mạnh tham gia những hoạt động xã hội. Hai người gặp nhau 1-2 lần mỗi tháng.

FUSHIHARA HIROTA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên