21/05/2019 05:48 GMT+7

Xây dựng xã hội không tiền mặt: Cuộc chơi lý thú cho nhiều bên

TỊNH ANH
TỊNH ANH

Xã hội không tiền mặt là nơi tiền giấy cầm nắm được, làm ví dày lên hay xếp thành từng xấp bí mật giấu trong ngăn kéo không còn là vua. Mục tiêu này không dễ đạt được khi nó đòi hỏi thay đổi và hành động từ rất nhiều bên liên quan: chính phủ, doanh nghiệp và người dân, với công nghệ là chất xúc tác không thể thiếu.

Ảnh: Forbes
Ảnh: Forbes

Không có một định nghĩa chính thức nào về xã hội không tiền mặt (cashless society), song mô tả phổ biến nhất cho thuật ngữ này là một nền kinh tế mà các giao dịch tài chính không được thực hiện bằng tiền mặt (tiền giấy hoặc tiền xu), mà thông qua giao dịch điện tử như chuyển khoản ngân hàng, quẹt thẻ, ví di động...

Câu chuyện một nhóm nhân viên văn phòng thuộc “thế hệ thiên niên kỷ” ở TP.HCM - nơi có hạ tầng tốt và dân số trẻ, sành công nghệ, luôn hào hứng với những điều mới mẻ - có thể phản chiếu nhiều góc nhìn về tình hình xã hội không tiền mặt ở Việt Nam.

Một ngày không tiền mặt: dễ và không dễ

Thái Lê là sinh viên thực tập tại một văn phòng ở Phú Nhuận. Vào một ngày quên mang bóp, ngại không dám mượn tiền các anh chị để ăn trưa, Lê bèn đặt đồ ăn qua mạng, thanh toán bằng ví điện tử, tất cả chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh.

Cũng văn phòng đó, chiều chiều lại xôn xao mua đồ ăn vặt về nhấm nháp. Mỗi người đều có ít nhất một ứng dụng ví điện tử và ứng dụng gọi đồ ăn qua điện thoại thông minh. Một người đứng ra thanh toán, những người khác gửi lại cũng qua ví di động. Cũng câu chuyện này, nhưng trở về 5 năm trước sẽ thế nào? Alô đặt món, rồi mỗi người lục bóp đếm tiền, í ới gọi nhau “đổi giùm tờ 200.000 đồng”. Đến lúc nhận hàng mà đưa tiền lớn cũng phải mất công chờ người giao hàng đếm tiền thối (tiền thừa), hoặc phải sang bà tạp hóa đổi tiền.

Một ngày không tiền mặt ở TP.HCM có vẻ không có gì là khó: sáng đến chỗ làm bằng một chuyến “xe ôm công nghệ” trừ thẳng vào thẻ (bao gồm cả tiền “tip”), trưa gọi đồ ăn qua app, chiều có thể ghé siêu thị quẹt thẻ mua đồ về nấu ăn, hay ăn ngoài và trả bằng ví điện tử vì nhà hàng có chấp nhận thanh toán. Tối đi xem phim sau khi đã mua vé và thanh toán, cũng qua app.

Nhưng nhóm nhân viên trên ngày nọ đi cà phê quán cũng khá to ở quận 3, hí hửng đưa thẻ ra quẹt thì nhân viên trả lời quán chỉ nhận tiền mặt. Thế là trở về "thời tối cổ”, lui cui lục ví, chia hóa đơn, đổi tiền, thối qua thối lại.

Và tại văn phòng mà Thái Lê thực tập, các nhân viên cũng đùa nhau “kỳ thị” những người không có ví điện tử. Nhóm “yêu tiền mặt” này phần vì chưa quen thanh toán di động, phần vì muốn mà không được do các ví điện tử phổ biến chưa hỗ trợ liên kết với ngân hàng họ đang dùng.

Vài câu chuyện nhỏ nhưng chắc chắn không phải cá biệt trong thời công nghệ cho thấy muốn có một xã hội không tiền mặt đúng nghĩa, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ví ở nhà khi ra đường là chưa đủ.

Các điểm cung cấp dịch vụ cũng phải chấp nhận thanh toán bằng thẻ, ví điện tử; các ví điện tử, ngược lại, phải liên kết với thật nhiều ngân hàng; và chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích tăng tiêu dùng phi tiền mặt, hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ, tạo hành lang pháp lý...

Nỗ lực từ mọi phía

Tháng 3-2019, Citibank công bố báo cáo Chỉ số tiền điện tử (Digital Money Index) 2019, xếp hạng 84 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên “mức độ sẵn sàng chuyển sang tiền kỹ thuật số” (“digital money”, không phải tiền mã hóa - “cryptocurrency”) và lợi ích của việc bỏ tiền giấy.

Đây là năm thứ 6 Citibank thực hiện việc xếp hạng này, và nghiên cứu của họ nhằm “cho thấy việc chuyển dịch sang tiền kỹ thuật số không hề đơn giản”. Mục tiêu này có đạt được hay không tùy thuộc vào 4 trụ cột: mức độ ủng hộ từ chính phủ và thị trường, hạ tầng công nghệ thông tin và tài chính, các giải pháp thanh toán điện tử từ cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân, và độ “nhiệt tình” của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo báo cáo này, Việt Nam được đánh giá là “quốc gia mới nổi” trong dịch chuyển sang tiền kỹ thuật số, xếp hạng 61/84 (chỉ tăng 7 bậc so với hạng 68 hồi năm 2014). Xét riêng 4 chỉ số, Việt Nam đứng hạng 59 về mức độ ủng hộ từ Chính phủ và thị trường, hạng 62 về hạ tầng công nghệ thông tin ngành tài chính, hạng 63 về các giải pháp tiền kỹ thuật số và cuối cùng là thứ 56 về sự sẵn sàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Xét cả 4 yếu tố, vẫn còn rất nhiều dư địa để Việt Nam có thể cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng Digital Money Index lần tới.

Chẳng hạn về sự sẵn sàng của người tiêu dùng, theo báo cáo Global Consumer Insights Survey của Công ty tư vấn PwC năm 2019, số lượng người tiêu dùng Việt Nam dùng ví di động mua sắm trong các cửa hàng - tức dùng điện thoại thông minh quẹt mã tính tiền tại quầy thu ngân (phân biệt với ngồi nhà đặt mua qua mạng) - tăng nhanh nhất trong 27 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.

Cụ thể, 61% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết đã sử dụng thanh toán di động khi mua sắm trong cửa hàng, tăng mạnh so với 37% trong khảo sát một năm trước đó.

Cuộc chơi ví di động tại Việt Nam cũng đang rất sôi động với những cái tên Momo, AirPay, ZaloPay... trước khi các đối thủ nước ngoài như AliPay hay Apple Pay chính thức nhập cuộc. Người tiêu dùng là thế, nhưng doanh nghiệp có vẻ chưa thật mặn mà. Theo thông tin trên website ví điện tử Momo, chỉ mới có “hàng trăm doanh nghiệp đã kết nối” với nền tảng thanh toán di động này, con số khá khiêm tốn.

Chấp nhận thêm thanh toán phi tiền mặt thông qua thanh toán di động được cho là giải pháp nhanh, an toàn và hiệu quả, giúp doanh nghiệp, nhà bán hàng giảm chi phí quản lý, kiểm đếm tiền bạc cũng như tránh rủi ro thất thoát hay mất mát vì trộm, cướp.

Doanh nghiệp rồi cũng sẽ nhận thấy họ cần “chiều chuộng”, hay đúng hơn là đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách hàng “ghét tiền mặt”, vốn chịu chi nhưng ưu tiên sự thuận tiện hơn là trung thành với một thương hiệu. Chẳng hạn giữa hai cửa hàng không khác gì nhau nhưng một bên cho dùng ví điện tử, một bên chỉ nhận tiền mặt, không khó đoán bạn trẻ sẽ chọn bên nào.

Trên thực tế, chính khách hàng ưa thanh toán điện tử đã “dẫn dắt” nhiều cửa hàng ở Mỹ tham gia “phi tiền mặt hóa”, chỉ còn chấp nhận thanh toán qua thẻ hoặc điện thoại thông minh, theo một bài viết của Hãng tin AP hồi tháng 4. Các nhà bán lẻ cũng phải thêm hình thức chấp nhận thanh toán di động trước áp lực chiều chuộng khách hàng, những người thích giao dịch nhanh chóng và tiện lợi với các công ty thời công nghệ như Amazon hay Uber.

Chẳng hạn Dos Toros, chuỗi nhà hàng Mexico ở Mỹ, quyết định ngưng chấp nhận tiền mặt sau khi lượng giao dịch bằng tiền giấy trong hệ thống giảm từ 50% năm 2008 còn 15% hồi năm ngoái. Vẫn để két sắt mà không mấy khách trả tiền mặt vừa tốn công sức và tiền bạc quản lý, vừa tăng nguy cơ bị cướp tấn công.

Theo tạp chí Fintech Times (Anh), thanh toán điện tử còn có thể giúp doanh nghiệp bán được hàng nhiều hơn, vì tâm lý không tự tay lấy tiền sẽ giúp người dùng chi tiêu thoải mái hơn. Ngoài ra, trả tiền qua ví di động thì chính xác đến từng xu lẻ, khách hàng sẽ không còn ngại mua những món quá rẻ vì không muốn “xé” tờ bạc mệnh giá lớn.

Ảnh: Fintech Roundup
Ảnh: Fintech Roundup

Điển hình Thụy Điển

Trong bài viết ngày 2-5, trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ ra những lý do vì sao Thụy Điển luôn được nhắc đến như điển hình của xã hội không tiền mặt.

Đầu tiên, quốc gia Bắc Âu là quê hương của các nền tảng công nghệ nổi tiếng toàn cầu như Spotify và Skype. Đa số dân chúng Thụy Điển đã sở hữu điện thoại thông minh, máy tính bảng và cởi mở với thanh toán di động, sẵn sàng dùng thiết bị để trả tiền thay vì mở ví.

Các ngân hàng cũng thích giao dịch điện tử để tiết kiệm chi phí kiểm đếm, quản lý, bảo quản tiền mặt. Một nguyên nhân khác: làn sóng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho người dùng nhiều lựa chọn.

Lý do cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng: người dân tin tưởng vào độ an toàn, bảo mật của các dịch vụ thanh toán và không có lý do gì để từ chối chúng. Đây là yếu tố quan trọng để các chính phủ thay đổi tư duy của người tiêu dùng: bỏ tiền trong thẻ, thậm chí trong ngân hàng, ngủ một đêm dậy còn mất, làm sao yên tâm giao tiền cho app?

Chỉ có cách chứng minh hạ tầng công nghệ đảm bảo mới thuyết phục được người dùng vì đồng tiền, dù hữu hình hay ở dạng dữ liệu điện tử, lúc nào cũng “liền khúc ruột”.■

Báo The Economic Times của Ấn Độ cho biết từ năm 2017, chính phủ nước này đã có các chính sách khuyến khích thanh toán phi tiền mặt như miễn thuế dịch vụ cho giao dịch thanh toán qua thẻ, khuyến mãi giảm giá khi mua xăng dầu, vé xe lửa... bằng thanh toán điện tử.

Một chính sách khá quen thuộc ở Việt Nam: các ngân hàng khuyến khích thanh toán qua thẻ để được giảm giá hay nhận hoàn tiền trên thanh toán, các ứng dụng thanh toán di động tặng tiền cho người dùng để tăng lượng khách hàng, liên kết với nhà cung cấp dịch vụ để giảm giá nếu thanh toán qua app...

TỊNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên