Lãnh đạo TP.HCM trao đổi với phía Frankfurt về hợp tác xây dựng trung tâm tài chính - Ảnh: VIỄN SỰ
Cuộc gặp diễn ra vào sáng 24-5 (giờ Đức), do ông Jan Schneider - Ủy viên Hội đồng TP Frankfurt, phụ trách xây dựng, bất động sản, đổi mới... chủ trì.
Ông Jan Schneider đưa ra bốn lời khuyên cho TP.HCM nếu muốn trở thành một trung tâm tài chính lớn, gồm:
- Đào tạo nhân lực trẻ, sáng tạo từ đội ngũ sinh viên để trở thành các chuyên gia tài chính.
- Đầu tư hạ tầng phải bắt đầu từ việc xây dựng trung tâm tài chính đầy đủ chức năng, tiện ích, bao gồm cả hệ thống giao thông, trường học, cơ sở ý tế, giải trí...
- Có chính sách bổ sung ưu đãi cho các nhà đầu tư, tạo ra sự khác biệt với chính sách khu vực khác.
- Tăng cường hợp tác để mở rộng sự hỗ trợ từ các trung tâm tài chính khác.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM có nhiều lợi thế phát triển, nhưng chưa phải là trung tâm tài chính. Trong đó có lý do là ngân hàng và tổ chức tài chính nằm rời rạc, chưa hợp nhất.
TP có nguồn lực, tài năng trẻ nhưng chưa được đào tạo để phù hợp với các tổ chức tài chính quốc tế. Hiện TP có 600.000 sinh viên, Bí thư Nhân cho rằng chỉ cần 1% trong số đó được đào tạo thành những chuyên gia xuất sắc thì sẽ có nguồn nhân lực dồi dào cho các lĩnh vực khác nhau.
Ông đề xuất Frankfurt hỗ trợ TP.HCM đào tạo nhân lực từ nguồn sinh viên này.
Bí thư Thành ủy cho biết đầu năm 2019, cùng với ĐH Fulbright, TP đã bàn về xây trung tâm tài chính (tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - PV). "Trong quá trình làm, chúng tôi muốn được sự hỗ trợ của các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Frankfurt, nhằm tránh sai lầm ban đầu" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ông đề nghị TP.HCM cử một nhóm chuyên gia sang Frankfurt để học tập kinh nghiệm về trung tâm tài chính, có nguồn bổ sung nhân lực cho tương lai. Đồng thời muốn nghe ý kiến phản biện từ phía Frankfurt về dự thảo đề án trung tâm tài chính.
"Tôi nghĩ khi thực hiện hai bước này sẽ có cơ hội thực hiện các hợp tác tiếp theo" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đáp lại đề nghị này, ông Jan Schneider và các chuyên gia, nhà quản lý tài chính, ngân hàng của Frankfurt cho biết sẵn sàng hỗ trợ TP đào tạo nhân lực, phản biện để TP hình thành trung tâm tài chính như mong đợi.
Ông Jan Schneider còn khẳng định với nền tảng hợp tác với trường ĐH Kỹ thuật Darmstadt cũng như có trường ĐH Việt - Đức đang hoạt động tại Việt Nam thì việc hỗ trợ đào tạo nhân lực sẽ rất thuận lợi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết UBND TP sẽ xúc tiến nhanh những nội dung hợp tác với phía Frankfurt sau cuộc gặp. Vào tháng 9-2019, TP sẽ mời các chuyên gia Frankfurt sang dự hội thảo về trung tâm tài chính để tiếp tục kết nối.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và ông Jan Schneider - Ủy viên Hội đồng TP Frankfurt - trao đổi sau cuộc làm việc - Ảnh: VIỄN SỰ
"Thành phố chúng tôi rất cởi mở"
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ TP.HCM có lịch sử trẻ, chỉ hơn 300 năm. Một trong những lợi thế của TP là sự cởi mở.
Ông nhắc lại những nhà truyền giáo phương Tây từ thuở ban đầu đến vùng đất này cũng gặp thuận lợi trong công việc. Những người Trung Hoa đến lập nghiệp cũng được chào đón và gắn bó lâu bền, trở thành một cộng đồng lớn. Những người dân TP đều có tinh thần tự chủ, tự lực rất cao.
"TP chúng tôi vì vậy đa văn hóa và cởi mở so với nhiều nơi khác. Đó là một thuận lợi cho quý vị" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giới thiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận