Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ - Ảnh: Việt Dũng |
Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc yêu cầu Formosa bồi thường mới chỉ là bước khởi đầu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm trong quản lý, cấp phép đại dự án này, đồng thời rà soát lại và minh bạch các đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án, khu công nghiệp khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành gần cả ngày 11-7 để nhìn nhận về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm, các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Formosa là cái tên xuất hiện trong phát biểu của hầu hết ý kiến tại cuộc họp.
Cấp phép nhanh, ưu đãi nhanh, gây hậu quả nhanh
“Từ vụ Formosa phải nhìn vào hạn chế, yếu kém của chúng ta” - ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề nghị.
Theo ông Chiến, Chính phủ cần chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định dự án này.
“Bởi vì theo thông tin, đây là dự án nước ngoài rất lớn nhưng được phê duyệt rất nhanh. Đánh giá tác động môi trường cũng phê duyệt rất nhanh. Rồi họ đòi hỏi ưu đãi nọ, ưu đãi kia cũng được phê duyệt rất nhanh. Và cuối cùng hậu quả tai hại cũng xảy ra rất nhanh” - ông Chiến bình luận.
Ông cho rằng việc Formosa phải bồi thường, khắc phục hậu quả là đương nhiên, vấn đề lấy lại niềm tin của nhân dân mới là quan trọng nhất.
Qua vụ việc này, cần xem xét lại cơ chế cấp phép, ví dụ cấp phép dự án lớn, thời gian dài 70 năm, trên địa bàn nhạy cảm như vậy cần phải cấp nào cấp phép, có coi đó là dự án quan trọng quốc gia hay không, riêng về dự án này tới đây có cần điều chỉnh quy mô không?
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng vụ việc Formosa mới chỉ giải quyết bước đầu.
“Câu hỏi đặt ra là môi trường khi nào được khắc phục, nghề cá của ngư dân đến khi nào khôi phục được? Nếu không trả lời được những câu hỏi, không có dự kiến, giải pháp đủ mạnh sẽ rất khó lường, không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác. Giải quyết không tốt cũng tạo cơ hội cho các thế lực thù địch kích động” - ông Tỵ phân tích.
Ông nói: “Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng - an ninh”.
Dẫn ra hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường trước Formosa như Vedan, Sonadezi, Hào Dương, Nicotex Thanh Thái..., Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ “rà soát, kiểm tra nguồn xả thải tại các lưu vực sông, biển. Đánh giá lại toàn bộ các khu công nghiệp, các nhà máy. Đồng thời kiểm tra lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy, đặc biệt là các dự án đang bị dư luận nghi vấn”.
Bà Nga cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường là barie đầu tiên của một dự án, nhưng thời gian qua đã bị xem nhẹ, vì vậy mới xảy ra tình trạng làm cho có, chỗ này cóp nhặt của chỗ kia, khi hậu quả xảy ra không rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Formosa tự ý thay đổi công nghệ luyện cốc
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết qua công tác kiểm tra, phát hiện hiện nay Formosa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, trong đó có 6 nhà thầu nước ngoài (hầu hết là của Trung Quốc) liên quan việc chuyển giao công nghệ, lắp đặt thiết bị, cho đến vận hành hệ thống nước thải.
Theo Bộ trưởng Hà, qua kiểm tra đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính. Trong đó liên quan đến cả những quá trình như thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, triển khai các hệ thống xử lý chưa đúng quy chuẩn, quy định của pháp luật, của cơ quan quản lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: V.D. |
Qua kiểm tra đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm hành chính. Trong đó đặc biệt có tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
“Trong 53 hành vi đó thì đặc biệt có một hành vi là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (có nghĩa là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải). Đây là việc họ tự ý điều chỉnh, tuy nhiên việc thay đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường vừa rồi” - ông Hà cho hay.
Ông Hà khẳng định: “Việc diễn ra ô nhiễm như vậy là do sự cố. Trên thực tế khi vận hành đầy đủ và đúng quy định, được kiểm tra chặt chẽ chúng ta cho rằng nó hoàn toàn có thể đảm bảo được kiểm soát và xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường”.
Trình bày về công tác quản lý lao động nước ngoài (chủ yếu là lao động Trung Quốc) tại khu công nghiệp của Formosa, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho biết bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra. “Hiện nay khoảng 70% lao động ở Formosa đã được cấp giấy phép. Việc cấp phép này chúng tôi phân cấp cho địa phương Hà Tĩnh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận