08/06/2020 20:34 GMT+7

EVFTA có hiệu lực ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì?

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Các chuyên gia kỳ vọng EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm, dao động từ 0-0,3%, chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. Ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì?

EVFTA có hiệu lực ngay trong dịch COVID-19, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 1.

Đại diện EuroCham trong một buổi đối thoại với Cục Hải quan TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

Ngày 8-6, ngay khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA), các chuyên gia ngân hàng HSBC Việt Nam đưa những nhận định tích cực cũng như những việc Việt Nam cần làm để không bỏ lỡ cơ hội từ EVFTA. 

Theo tổ chức này, ngoài dỡ bỏ thuế, là một hiệp định thế hệ mới, EVFTA còn bao gồm những điều khoản quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững. 

Điều đáng nói là những thay đổi này bắt đầu có hiệu lực trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép chưa từng có từ việc gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương và tác động của dịch COVID-19.

Theo ông Tim EVans - Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam - hiệp định tự do thương mại mới bảo vệ các nhà xuất khẩu Việt Nam, tạo ra những cơ hội mới, nhưng Việt Nam cũng cần cải tổ và thiết kế lại chuỗi cung ứng nếu muốn tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này. 

Điều này cần có thời gian và yêu cầu sự hợp tác của cả giới doanh nghiệp và chính phủ để đi qua thời kỳ quá độ càng nhanh càng tốt.

Lợi ích mà EVFTA mang lại đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn. Ông Tim EVans cũng kỳ vọng hiệp định có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực GDP mỗi năm của Việt Nam, dao động từ 0-0,3%, chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực. 

Trong đó, dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỉ USD hàng dệt may và da giày sang EU, với thuế suất bình quân gia quyền là 9%.

CEO HSBC Việt Nam cho rằng nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa đạt đủ tỉ lệ nguyên liệu đầu vào trong nước để có thể đáp ứng quy định nghiêm khắc của EU về xuất xứ hàng hóa. 

"Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần chung tay hợp tác để mở rộng ngành dệt may nội địa, bao gồm việc sản xuất các nguyên liệu đầu vào thay vì nhập khẩu từ những nước khác, nếu chúng ta muốn tận dụng hết lợi thế từ hiệp định", ông Tim EVans lưu ý. 

Ngoài ra, sự chuyển đổi thương mại cần diễn ra song song với những thay đổi về quản trị. Các tập đoàn quốc tế đang chịu sức ép gia tăng, buộc họ phải xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của mình, đảm bảo rằng mỗi bước đều thỏa những tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị. 

Để các công ty Việt có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu, chỉ dẫn cho các doanh nghiệp về khung pháp lý mới và những cam kết. 

Ông Nicolas Audier, chủ tịch EuroCham, cũng cho rằng trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại và đại dịch toàn cầu phá vỡ các hoạt động kinh doanh thông thường ở quy mô chưa từng có, việc thực thi EVFTA trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

"Thương mại tự do, công bằng và dựa trên nguyên tắc là lộ trình tốt nhất dành cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ có quyền truy cập vào thị trường tiêu dùng khoảng 500 triệu dân của EU, những người muốn kinh doanh và đầu tư vào một quốc gia an toàn và thịnh vượng ở trung tâm của châu Á", chủ tịch EuroCham khẳng định. 

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD

TTO - Sáng nay 8-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên