Trường học không phải là nơi mua, bánMượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trường Chấm dứt lạm thu được không?
Một số bạn đọc không đồng ý với cách giải thích của hiệu trưởng trong sự việc Ép học sinh mua lịch, tăm, thước kẻ. Nhiều bạn đọc cho biết con cái của họ cũng hay bị ép mua các sản phẩm như thế với mục đích tuyên truyền từ nhà trường là làm từ thiện. Song có thỏa đáng không khi việc làm từ thiện lại được "cào bằng", "đổ đồng" ở mỗi học sinh, mỗi lớp?
Câu chuyện ngỡ nhỏ nhưng không thể bỏ lơ bởi liên quan đến sự minh bạch và cả suy nghĩ của con trẻ về hai chữ "từ thiện".
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Lịch và tăm bán cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Hải số 1, tỉnh Khánh Hòa cùng đơn kiến nghị đầy bức xúc của phụ huynh - Ảnh: Duy Thanh |
Chưa thấy trắc ẩn, đã thấy hoang phí
Cách đây hai tuần, con trai tôi cũng xin mẹ 5.000 đồng. Hỏi để làm gì thì con nói đem lên nộp cô để trả tiền mua thước kẻ. Tôi ngạc nhiên vì ở nhà tôi đã mua thước kẻ cho cháu, uống sữa thì có thêm thước kẻ của nhà sản xuất tặng kèm mỗi lốc. Nói chung là đã có trên dưới 20 cây thước kẻ dành cho cháu.
Hỏi rõ thì cháu nói: "Cô bảo ủng hộ cho người khuyết tật". Dạy cho trẻ lòng thương người là việc tốt, nhưng đây không phải là cách làm hay. Bởi lẽ cây thước quá dài, tận 30cm, trong khi cháu chỉ mới học lớp 2, mọi đồ dùng học tập tôi đều dặn con cho vào một cái ví nhỏ cho tiện. Cây thước kẻ bình thường dùng cũng chỉ 20cm mới vừa bỏ vào (và vở học trò, khi kẻ cũng nằm ở khoảng 12-13cm, không hơn được nữa vì đã hết lề).
Thế nên mua thước kẻ xong về lại vứt đi. Như vậy dạy lòng trắc ẩn đâu không thấy, chỉ vô tình tạo cho trẻ thói hoang phí, bừa bãi. Tôi thật sự rất bất bình.
Nhân đạo hay huê hồng?
Không phải chỉ có ở thành phố Nha Trang đâu, việc ép học sinh mua đồ này xảy ra lâu lắm rồi. Đủ thứ hội, nhóm, đơn vị đến tận trường học bán cho học sinh đủ thứ món đồ với giá cao hơn thị trường từ tăm tre, báo, thước, bút chì màu, lịch, sổ tay giáo viên, cẩm nang giảng dạy, sổ dự giờ, sổ bài soạn... Đâu có việc gì đơn giản là phục vụ giáo viên và học sinh. Trong vấn đề này cần làm rõ nhân đạo hay huê hồng?
Không mua thì... kỳ quá!
Trường học mà con tôi theo học thì cũng có việc ép học sinh mua các món đồ như thế, hình thức có nhẹ nhàng hơn.
Con tôi học lớp lá, năm vừa rồi tôi đổi trường nhưng nói chung các khoản thu cũng thế cả, Cô bán lịch bảo là không bắt buộc thật, nhưng chẳng lẽ 15.000 đồng mà cô đưa đến tay mà từ chối thì kỳ quá. Hay tiền đóng góp cho hội cha mẹ học sinh xây dựng các công trình, nơi thì đóng 30.000 đồng/tháng (năm 2012), năm 2013 thì 80.000 đồng, mà cô hiệu trưởng có hỏi phụ huynh là nếu đóng truy thu từ tháng 9 thì 65.000 đồng, nếu đóng tính từ tháng 10 thì 78.000 đồng hoặc 80.000 đồng xem phụ huynh muốn chọn phương án nào?
Thế mà có phụ huynh phát biểu là đóng 80.000 đồng mà chẳng cần biết lý do tại sao lại có các mức ấy. Chắc rằng phụ huynh cũng ngại nói thật chăng?
Hiệu trưởng lại đổ lỗi cho người khác
Trong sự việc Ép học sinh mua lịch, tăm, thước kẻ, hiệu trưởng lại đổ lỗi cho người khác. Những sự việc như thế này quá quen thuộc rồi, cứ cho thu tiền, cho xúc tiến công việc, đến khi bị phát hiện thì đổ lỗi cho cấp dưới. Trách nhiệm người lãnh đạo một ngôi trường ở đâu?
Không lẽ ban đại diện phụ huynh lạm quyền?
Là người đứng đầu một trường học mà khi việc ép học sinh mua lịch, tăm, thước kẻ bị phụ huynh phản ứng, hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hải số 1 (Khánh Hòa) lại đổ thừa cho người khác. Càng đáng lưu ý hơn khi đây là môi trường giáo dục.
Cũng xin nói thêm, bất cứ việc vận động thu quỹ (tiền) từ phụ huynh thì ban đại diện cha mẹ học sinh trường đều phải có biên bản họp làm việc với nhà trường, nếu không có là chuyện không tưởng. Không lẽ ban đại diện cha mẹ học sinh lạm quyền được như vậy sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận