Thảo Nguyên thắp nhang cho mẹ. Chỉ trong vòng 5 tháng, căn nhà phải lập thêm 3 bàn thờ - Ảnh: MẠNH KHANG
Gia đình Thảo Nguyên trước đây gồm 6 thành viên: ông bà nội, cha mẹ, anh trai và Thảo Nguyên. Ông bà vì bệnh già nằm liệt giường nên mẹ Thảo Nguyên phải ngày đêm chăm sóc. Nhưng đó là câu chuyện trước khi bi kịch ập đến.
Tang thương bao trùm
Cuối năm 2016, sau một trận bệnh nặng, ông nội của Nguyên qua đời. Nhà lo đám tang chưa hết các tuần cúng thất cho ông thì mẹ Nguyên lên cơn đột quỵ. Dù đã được đưa đến cơ sở y tế nhưng bà không qua khỏi. Mẹ Nguyên mất chỉ cách đám tang ông nội Nguyên hơn 30 ngày.
"Hồi có mẹ có anh thì mẹ và anh còn lo lắng cho em như nấu cơm, giặt đồ hay hỏi han. Giờ không có ai, chỉ có em và cha. Em phải tự lo cho mình. Em sẽ ráng học vì chính em và vì cha".
Đặng Thị Thảo Nguyên
Gia đình chưa hết đau buồn thì 4 tháng sau ngày mất của mẹ, thông tin anh trai Thảo Nguyên bị tai nạn giao thông tử vong tại chỗ khiến hai cha con Thảo Nguyên như chết lặng. Không khí tang thương bao trùm lên ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo nằm bên tỉnh lộ ĐT848.
Nhiều người bạn của ông Khanh ngán ngẩm cho biết: "Không thể tưởng tượng những mất mát lại dồn dập như vậy".
Vay mượn khắp nơi
Sau đám tang anh trai, Thảo Nguyên chuyển sang ở nhờ nhà cô cho an toàn. Những ngày cha không đi làm thì Nguyên về lại nhà mình - Ảnh: MẠNH KHANG
Gia đình vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khi chi phí điều trị cho mẹ Thảo Nguyên và chi phí lo thủ tục, phí học hành để chuẩn bị xuất khẩu lao động của anh trai Thảo Nguyên là hơn 100 triệu đồng. Phần lớn trong số đó là gia đình vay mượn từ họ hàng và người quen, bạn bè.
Cha Thảo Nguyên cho biết: "Mình thiếu người ta cũng nhiều nhưng giờ thấy hoàn cảnh vậy họ không đòi. Không đòi nhưng tự thân mình cũng thấy bứt rứt vì mang nợ họ. Phải ráng chứ làm sao giờ. Hồi đó mình thật sự suy sụp, nấu cơm cứ quên bấm nút nồi cơm điện. Làm gì cũng lớ ngớ, quên trước quên sau. Nhưng nhìn con gái mình lại có niềm tin sống".
Nhà cách khá xa trường nên mỗi ngày Thảo Nguyên phải đi học bằng xe buýt. Tiền xe buýt hết 10.000 đồng. Đến trường, Nguyên không dám mua đồ ăn thức uống gì nhiều vì sợ không đủ.
"Có ngày hết tiền, nhờ các bạn chở em mới về được nhà. Các bạn biết hoàn cảnh của em nên cũng rất chia sẻ", Nguyên kể.
Cô học trò có thân hình mỏng manh và đôi mắt đượm buồn - Ảnh: MẠNH KHANG
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 11CB6) cho biết có thời điểm Thảo Nguyên gần như suy sụp, học lực của em tuột dốc. Rất may là hiện giờ em đã lấy lại phong độ. Thảo Nguyên là một trong những học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, có những ngày em phải nghỉ học để ở nhà chăm sóc cho bà khi bệnh của bà trở nặng.
Hiện tại, do cha đi làm kiếm tiền, có khi đi làm xa nên Thảo Nguyên phải qua ở nhờ nhà cô ruột và cùng phụ cô chăm sóc bà nội. Nguyên chia sẻ em dự định sẽ học nghề may để sớm có việc làm phụ giúp cha.
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận