11/08/2022 11:26 GMT+7

'Em chở mùa hè của tôi đi đâu?' - Kỳ 1: Mùa hè 'thả cửa' coi phim

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Mùa hè tuổi học trò thời nay có điều kiện và nhiều thứ vui chơi nhưng lại bù đầu học thêm. Còn lứa hoa niên năm tháng nghèo khó lại có lắm thứ để "chơi thả cửa".

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 1: Mùa hè thả cửa coi phim - Ảnh 1.

Trẻ em ngày trước có thời gian vui chơi thoải mái vào mùa hè - Ảnh tư liệu

Từ thú vui thành phố như bòn mót tiền ăn sáng để đi xem phim đến các thú vui đường phố, ruộng đồng mà giờ kể lại vẫn bồi hồi khó quên. Nhớ lại mùa hè thuở xưa mới thấy nhớ da diết và lòng tự hỏi như câu hát trong bài "Phượng hồng": "Em chở mùa hè của tôi đi đâu?'.

------

Mỗi năm, khi mây đen kéo về chân trời phía đông và những trận mưa đầu mùa cuối tháng 5 giăng mờ đồng ruộng biên giới Long An là tôi lại thấp thỏm về lại Sài Gòn. Ngày ấy, thằng bé theo gia đình đi kinh tế mới và học hành trường quê như tôi luôn nôn nao mùa hoa phượng. 

Đó là 3 tháng hè, tôi được về lại thành phố với mẹ trong căn nhà nhỏ ở đường Hiệp Nhất (phường 4, quận Tân Bình) và được tận hưởng những thú vui đô thị, nhất là được ăn cà lem, xem phim rạp cho đã con mắt...

Mơ về thành phố

Tuổi thơ thời nay được xem phim đến phát ngán trên đủ loại thiết bị điện tử cầm tay, tivi cáp, thậm chí chán cả đến rạp, nhưng thời chúng tôi mới lớn ở thập niên 1980 thì rạp chiếu phim là cả thiên đường mơ ước.

Tôi nhớ cứ khoảng giữa tháng 5, chuyện thi cử tại trường cấp II ở quê đã xong. Chờ điểm thi và ngày tổng kết được nhận giấy khen, tôi cùng bạn quê tranh thủ đi bắt ếch, chụp cá đầu mùa mưa. Nói thật là thuở ấy cũng nhờ thú vui ruộng đồng này mà tôi giảm được chút nôn nao trở lại Sài Gòn.

Sau mùa khô nắng cháy da người, mây đen kéo lên bầu trời cùng sấm chớp đì đùng, rồi những trận mưa đầu mùa trút xuống dâng nổi nước ruộng đồng. Thế là ếch nhái trong hang hốc mò ra và cả những chú cá như bản năng bơi ngược dòng nước. Bầy nhỏ chúng tôi đeo cái đèn pha bằng bình ắc quy lên đầu và đi chụp cá, bắt ếch. Kể đúng nghĩa đen là chỉ bắt đơn giản bằng tay không.

Những chú ếch no nước, "ăn đèn" như nằm im. Còn đám cá rô thì rạch ngược dòng nước từ kênh rạch lên ruộng đồng rồi bị vướng vây vào đám cỏ chỉ. Tụi tôi chỉ canh những chỗ có khe nước chảy và theo dõi bãi cỏ chỉ trên đầu nguồn rồi chờ cá bị kẹt vào đó mà bắt. 

Với đám nít quê ốm nhom nhưng khéo léo và dày dạn ruộng đồng thuở đó, ba cái chuyện vừa vui chơi vừa kiếm miếng ăn này dễ ợt như... bỏ kẹo vào túi.

Tuy nhiên, điều tôi mong đợi nhất khi tiếng trống trường dừng vang lên trong ba tháng hè, là lúc chiếc xe lam cũ kỹ nổ máy phành phành thả thằng nhóc xuống ngã tư Bảy Hiền ở Sài Gòn. Hơn 30 năm rồi, tôi vẫn nhớ ngày vui nghỉ hè đầu tiên trở lại thành phố. 

Từ đêm trước tôi đã nao nức không thể ngủ, mắt cứ mở chong chong chờ được ông bà nội đánh thức dẫn ra bến ngồi đợi đò sáng. 

Khi mặt trời lên cao quá ngọn tre, tôi lại rời đò để lên xe lam ở doi sông Trà Cú (Long An) để đi Hậu Nghĩa, rồi một chuyến xe lam nữa đi Củ Chi và tiếp tục lên chuyến xe thứ ba cuối cùng về ngã tư Bảy Hiền, cửa ngõ đông vui Sài Gòn trong nỗi khát khao của thằng nhỏ sinh ở thành phố phải về bưng biền theo dòng người đi kinh tế mới thời hậu chiến...

Em chở mùa hè của tôi đi đâu? - Kỳ 1: Mùa hè thả cửa coi phim - Ảnh 2.

Hồi học sinh, thú vui nhất của tôi ở thành phố là được đi xem phim - Ảnh tư liệu

Nhịn ăn sáng để được coi phim

Nhiều năm đã trôi qua rồi với bao sự đổi thay, kể cả đổi thay trong chính con người mình, nhưng tôi vẫn nhớ mãi những mùa hè khó quên. Ngay khi vừa vào đến con hẻm ở đường Hiệp Nhất, tôi đã "bắt đài" đám bạn hàng xóm nhanh như mưa rào miệt quê. 

Những thằng Quốc còi, Mạnh đen, Cường cao, Dũng lùn... cũng háo hức đợi tôi trở lại thành phố để nhập bầy đi "phá làng phá xóm". Những câu nói đầu tiên của tôi với bạn thường là:

- Ê rạp Đại Lợi, Thanh Vân đang chiếu phim gì tụi bây?

- Thì kéo nhau ra đó chơi là biết luôn, chớ còn hỏi làm cái giống gì nữa? - tụi nó trả lời và bày chuyện đi chơi ngay lập tức.

- Đi thì đi, sợ thằng Tây con cá rô cây nào - tôi cười đáp lời.

Thời buổi quá khó khăn ấy, các cha mẹ phải bươn chải kiếm miếng ăn cho gia đình còn không đủ, nên tuổi thơ có ba tháng hè đúng nghĩa "thả cửa". Mẹ tôi đi bán ở chợ, tôi ở nhà với chị em gái nên mặc sức vui đùa "cá mè một lứa". 

Nhà tôi gần Trường Nguyễn Thượng Hiền. Để lang thang ra rạp Thanh Vân gần khu Hòa Hưng, tụi tôi cứ đi bộ trên hè đường Cách Mạng Tháng Tám một mạch. Còn sang rạp Đại Lợi, đám nhỏ có nhiều đường tắt lội qua kênh Nhiêu Lộc thời còn lộ thiên để vào các hẻm nhỏ ra khu Ông Tạ...

Đến khi nhìn thấy rạp Đại Lợi ở vị trí đối diện chợ Phạm Văn Hai giờ thì thôi khỏi nói tụi tôi vui cỡ nào. Chỉ cần thấy những bảng quảng cáo phim vẽ người tay cầm súng hay tung đòn đấm đá là đám nhỏ đã tròn xoe con mắt. 

Tôi ấn tượng nhất thời kỳ Nhà nước cho chiếu lại "phim tư liệu" mà bầy nhỏ tụi tôi mê tít thò lò và cứ quen miệng gọi chung là "phim chưởng". Phim nào có các sao võ thuật Lý Tiểu Long hay Khương Đại Vệ, Địch Long... đấm đá ình ình là tụi tôi tìm mọi cách để đi coi bằng được.

Cha mẹ năm tháng lận đận ấy, đâu sẵn tiền cho con đi xem phim nhiều. Ba tháng hè, được cha mẹ dẫn đi hay cho tiền để cùng bạn bè (thường là ai nấy tự mua vé) đi coi phim vài lần là "quách xì lách" lắm rồi. Còn lại tôi hay nhịn tiền ăn sáng để dành coi phim ở hai rạp gần là Thanh Vân và Đại Lợi. 

Hồi đó cỡ như mẹ tôi biết ngồi chợ, được tiền ra tiền vào "đỡ đỡ" trong xóm, cũng chỉ có tiền cho con ăn sáng gói xôi, ổ bánh mì chan nước xốt, còn bánh mì thịt thì phải mua nửa ổ. Và tôi dành những đồng tiền cắc này lại để mua vé xem phim.

Ôi thôi, những phim tôi mê thì lắm người khác cũng khoái, và thế là cảnh xếp hàng dài dọc chờ mua vé là chuyện thường ngày. Mấy thằng nhóc ốm nhom, đen thui lui vì suốt ngày giang nắng, miệng cười nói líu lo, tay cầm chặt tiền chờ mua vé trước cổng rạp. 

Thi thoảng, tụi tôi còn nhìn ra đường, thấy mấy đứa nhỏ đi ngang không dừng lại mà tụi tôi bơ bơ mặt hãnh diện, ý là "các anh mày có tiền coi phim nè, nhứt xứ Ba Tư chưa".

Vào rạp xem phim thuở đó, tụi tôi không mê món bắp nổ như giờ mà khoái nhất là kem. Những cây kem có que tre cầm tay chỉ toàn đá và đường với nước màu cũng đủ làm bọn trẻ chảy nước miếng. Thi thoảng đi với mẹ, tôi còn được ăn thêm cóc ổi. Những trái cóc gọt vỏ, dằm đường chua ngọt cũng cắm trên que tre sao ngon ơi là ngon...

Ba tháng hè của tôi năm tháng đó phần nhiều là rong chơi ở quận Tân Bình, nhưng thi thoảng tôi cũng qua nhà bà ngoại bên quận 10 gần chợ Bà Bầu (nay là chợ Nhật Tảo), đường Nguyễn Duy Dương để tha hồ đi coi phim với các ông cậu. 

Lúc thì người này rảnh dẫn đi, khi người khác dẫn và cứ chiếc xe đạp mà háo hức đến hết rạp này tới rạp khác tìm phim mình khoái. Gần thì có rạp Hòa Bình mới xây rất đẹp, xa hơn thì có các rạp Đống Đa, Đại Đồng, Đại Quang, Lệ Thanh, Toàn Thắng...

Cứ khi nào đủ tiền mua vé, tụi tôi lại nghĩ đến đi coi phim. Cái thuở ba tháng hè không gì vui sướng bằng được nghe tiếng ghế sập lách cách, máy phát phim sè sè và tất nhiên hấp dẫn nhất vẫn là tiếng "chưởng" ì ầm trên màn ảnh.

Lối thập niên 1980, quốc lộ 22 còn thưa vắng. Nhưng thằng nhóc như tôi cứ ngửi mùi khói xăng dầu theo bánh xe quay tròn về Sài Gòn và nhà dân dần đông đúc hai bên đường để mong đợi ba tháng hè vui sắp tới.

Xe qua Trung Chánh, xe đến An Sương, rồi thắng lại ở ngã tư Bảy Hiền. Ôi trời ơi, mùa hè thật sự đã đến rồi, thằng bé không thể kìm được cảm xúc...

--------------

Mùa hè, ngoài coi phim, đám nhóc tụi tôi hồi đó còn "lêu lổng" đi bắt cá bảy màu dưới kênh Nhiêu Lộc, săn dế bên khu đất Lộc Hưng, và cả biết vào thương xá TAX mua xà bông "phiếu" về để bán lại kiếm lời.

Kỳ tới: Vừa chơi vừa đi “buôn lậu”

Trẻ muốn gì khi nghỉ hè? Trẻ muốn gì khi nghỉ hè?

TTO - Hôm nay (19-7), TP.HCM chính thức khởi động hoạt động hè 2020 trên toàn TP với mục tiêu xác lập rõ: hè vui, khỏe, bổ ích, an toàn.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên