Hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái (11-10) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), sự kiện Girls Takeover - Trao quyền cho trẻ em gái, để các nữ sinh cấp Trung học và Đại học trải nghiệm các vị trí lãnh đạo công ty vừa diễn ra tại văn phòng AstraZeneca tại Hà Nội, thuộc dự án Chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu niên - Young Health Programme của AstraZeneca và Plan International.
Khi "nữ nhi" lên tiếng
Trong công việc, phụ nữ vẫn gặp khó khăn khi ứng tuyển các công việc như kỹ thuật, xây dựng, công nghệ thông tin bên cạnh vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Còn với 15 cô gái có mặt tại văn phòng AstraZeneca Hà Nội, buổi trải nghiệm vai trò lãnh đạo đã bắt đầu đầy hứng khởi.
Tuy vậy, khi được hỏi về những khó khăn mà mình đang đối mặt, các em chia sẻ về sự e ngại khi muốn thể hiện cá tính và vượt qua các "chuẩn mực" vô hình về giới.
Sự kiện “Girls Takeover - Trao quyền cho trẻ em gái” diễn ra tại văn phòng AstraZeneca Hà Nội
Yến Nhi là điển hình của những bạn gái trẻ lên Hà Nội học đại học, và mong muốn xây dựng tương lai của mình tại đây. Theo học đúng ngành yêu thích, cô bạn sẵn sàng để bước ra thế giới rộng lớn, nhưng mặt khác trăn trở về mong muốn làm yên lòng gia đình bằng một công việc ổn định, truyền thống hơn.
Còn Thu An, một nữ sinh khác, lại đang thuyết phục cha mẹ cho em theo đuổi ngành kiểm toán, lĩnh vực được cho là rất vất vả cho con gái. Thế nhưng, cả Yến Nhi, Thu An, và nhiều em gái khác tham gia sự kiện đều bộc lộ sự quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Đặc biệt tại hội thảo, các cô gái hào hứng tham gia "tập làm lãnh đạo" - đảm nhiệm vị trí giám đốc nhân sự, giám đốc ngành hàng dược phẩm và giám đốc khối khách hàng trọng điểm của AstraZeneca Việt Nam.
Các em được hướng dẫn cách tư duy và tiếp cận vấn đề logic để mang các phát minh dược phẩm tiên tiến đến với nhiều bệnh nhân Việt Nam hơn, đồng thời xây dựng đội ngũ tài năng nữ kế thừa cho doanh nghiệp.
Dù đã trực tiếp "cố vấn" cho các bạn, các nữ giám đốc đầy kinh nghiệm của AstraZeneca vẫn không khỏi bất ngờ vì tố chất lãnh đạo nổi trội nơi các em gái chỉ 16 - 17 tuổi.
Nam giới cũng cần thay đổi quan điểm
Cùng tham gia thảo luận và chứng kiến các cô gái thể hiện năng lực xuất sắc, Tuấn Sơn, sinh viên Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, nhận xét: "Sau sự kiện ngày hôm nay, nam giới chúng em cần có cái nhìn khác về phái nữ".
Các nữ sinh hào hứng thử sức làm lãnh đạo
Đó là góc nhìn tích cực để tạo tiền đề cho sự tôn trọng và trao quyền cho phụ nữ diễn ra mạnh mẽ hơn. Đọng lại sau sự kiện là ý thức giới mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong nội tại của mỗi cô gái trẻ, khi các em tự tin nhận định: "Phái nữ bây giờ có thể làm được tất cả mọi thứ và có thể gánh vác được trọng trách mà mọi người vẫn cho là của đấng nam nhi"; "Em tin rằng mình có thể cố gắng để trở thành một lãnh đạo nữ trong tương lai"; hay "Em cảm thấy như mình đã phá bỏ được giới hạn của bản thân".
Phát biểu tại chương trình, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, không giấu được niềm vui: "Trước những đóng góp giá trị mà các lãnh đạo và các thành viên nữ của AstraZeneca Việt Nam mang lại cho công ty, tôi tin rằng không nghề nghiệp nào chỉ dành riêng cho nam giới hoặc nữ giới. Với công tác giáo dục đúng đắn và tư duy đúng đắn, chúng ta đều có khả năng đạt được bất cứ điều gì mà mình quyết tâm hướng đến, và từ đó tạo ra những đóng góp có giá trị cho cuộc sống tốt đẹp hơn".
Sự kiện ý nghĩa này là một sáng kiến của dự án Sức khoẻ Thanh thiếu niên Toàn cầu do AstraZeneca và Plan International phối hợp tổ chức. Chương trình đang được triển khai tích cực tại Việt Nam đầu năm 2019 với mục tiêu giảm thiểu các hành vi nguy cơ dẫn đến Bệnh không lây nhiễm (NCDs) trong giới trẻ, xây dựng lối sống lành mạnh.
Trong 3 năm, chương trình sẽ tiếp cận trực tiếp hơn 40.000 người và gián tiếp nâng cao nhận thức cho 100.000 thành viên trong cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận