08/02/2025 08:12 GMT+7

Dứt điểm nạn 'chặt chém' du khách, dễ hay khó?

Hà Nội, mùng 1 Tết, khách vào quán ăn ba tô bún riêu có giá 120.000 đồng, chủ quán nói 1.200.000 đồng. Khách chuyển khoản, chủ quán nhận. Khi thông tin lan truyền, phường vào cuộc, buộc quán tạm ngừng kinh doanh. Chủ quán xin lỗi, trả lại tiền dư.

Dứt điểm nạn 'chặt chém' du khách, dễ hay khó? - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Nha Trang làm việc ở quán Aroma Beach bị tố “chặt chém” khách Trung Quốc (tối 6-2) - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Phú Yên, mùng 7, khách vào quán gọi hai phần cơm với trứng chiên, mực và rau muống xào, canh mùng tơi, quán tính giá 1.010.000 đồng. Khách không đồng ý, chủ quán giảm còn 700.000 đồng. Sau đó, quản lý thị trường kiểm tra, phạt chủ quán 7.500.000 đồng (không có giấy phép kinh doanh) và 750.000 đồng (không niêm yết giá) và ra thời hạn khắc phục trong 10 ngày.

Cùng mùng 7, một nhà hàng ở Nha Trang thu của 20 khách nước ngoài 15.724.000 đồng tiền ăn và "phụ thu ngày Tết" 4.717.200 đồng; tổng cộng 20.441.200 đồng. Khách không đồng ý, quán giảm còn 12.000.000 đồng. Khi đoàn liên ngành đi kiểm tra, quán đóng cửa, bảng hiệu đã tự tháo gỡ.

Chủ quán thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; giấy xác nhận sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên; sai biển hiệu, bảng quảng cáo, niêm yết giá không rõ ràng...

Ba vụ việc tiêu biểu có chung hiện tượng nhưng khác nhau từ cách tiếp cận, đơn vị xử lý đến xử phạt.

Vụ quán bún riêu đã giải quyết êm thấm nhanh gọn, chủ quán trả lại tiền thừa, khách dùng số tiền này ủng hộ quỹ vì người nghèo địa phương.

Vụ quán cơm Phú Yên, mức phạt nhẹ hều. Nhà hàng ở Nha Trang không có giấy phép, sai phạm đủ thứ, đang bị kiện vì nợ tiền thuê mặt bằng... vẫn kinh doanh hoành tráng lâu nay.

Chuyện "chặt chém" chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến vài người hoặc nhóm người; rất nhỏ so với hàng chục triệu du khách, nhưng tác hại cực lớn. Sự việc lên mạng chốc lát sau, có thể cả triệu người hoặc hơn biết vụ việc. Để chấm dứt triệt để nạn này, tôi đề nghị mấy ý kiến sau:

Thứ nhất, quy định tất cả nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu phải niêm yết giá kèm định lượng cụ thể. Có cân để đối chứng trọng lượng khi khách cần. Khuyến khích và tiến tới dùng hóa đơn điện tử.

Số điện thoại nóng của cơ quan quản lý cần công khai nhiều nơi, mọi thông tin về nạn "chặt chém" cần được cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng và rốt ráo.

Thứ hai, xử phạt thật nặng các vi phạm. Mức phạt có thể gấp 50 lần số tiền "ăn gian", thu hồi giấy phép 3 - 6 tháng ngay từ lần đầu tiên vi phạm. Tái phạm nhiều lần cần cấm vĩnh viễn.

Thứ ba, khách hàng thông tin sai sự thật, cũng phải xử nặng. Việc đưa tin không đúng bản chất sự việc lên mạng gây ảnh hưởng và thiệt hại đến du lịch cần xử lý đúng mức, kể cả hình sự.

Cuối cùng, cần quy trách nhiệm cụ thể của ngành và chính quyền tại chỗ khi xảy ra sự cố. Mọi chiêu trò nâng giá đều được báo cáo và xử lý nhanh chóng.

Cần phải phạt thật nặng hành vi gian dối của cả người bán lẫn người mua. Kinh nghiệm lập lại trật tự giao thông của nghị định 168, cần được vận dụng vào việc dứt điểm nạn "chặt chém" du khách.

Đừng để mấy vệt đen xám "chặt chém" khách du xuân làm ảnh hưởng bức tranh sáng hồng của du lịch Việt năm 2024 và những ngày Tết 2025.

Dứt điểm nạn 'chặt chém' du khách, dễ hay khó? - Ảnh 2.Quán bị tố 'chặt chém' khách Trung Quốc có 5 vi phạm

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Nha Trang xác định quán ăn Aroma Beach bị tố 'chặt chém' du khách Trung Quốc có hàng loạt vi phạm trong kinh doanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên