10/08/2013 15:50 GMT+7

Đường vòng đến giảng đường, bạn có chịu đi?

HÙNG
HÙNG

TTO - Sau bài viết Dù rớt đại học, nhưng với kỳ thi này tôi đã thành công, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều chia sẻ của nhiều bạn đọc, những người vừa rớt đại học hoặc từng trải qua điều này cách đây vài năm.

Bạn Trần Văn Dương - sinh viên vừa tốt nghiệp, hiện ở Đà Lạt. Dương cho biết, bạn từng rớt đại học, đi làm công nhân để mưu sinh và san sẻ gánh nặng gia đình rồi tiếp tục "lai kinh ứng thí" bởi luôn khắc khoải mong muốn đến giảng đường.

Bên cạnh câu chuyện này, Tuổi Trẻ Online cũng xin gửi đến bạn đọc ý kiến của bạn Bùi Thị Minh Châu - sinh viên cao học ngành Quản lý phát triển, Ruhr-University Bochum, CHLB Đức.

Hy vọng những nội dung này sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các thí sinh và phụ huynh tự tin, mạnh mẽ hơn khi đối diện với sự thật rớt đại học.

2Rh7DVkA.jpgPhóng to
Các phụ huynh đợi con làm bài thi trong mùa thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 - Ảnh: Minh Đức
Clip "Trượt đại học - đời còn nhiều đường" thuộc dự án "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" do thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phụ trách - đang thu hút cư dân mạng - Nguồn: YouTuibe
Clip '"Tôi... rớt đại học" đang thu hút nhiều chú ý trên cộng đồng mạng. Clip như lời động viên những ai rớt đại học rằng hãy đứng lên vượt qua cú sốc này vì sẽ có nhiều cánh cửa đang chờ bạn - Nguồn: YouTube

Nuôi giấc mơ đại học từ màu áo công nhân

Tôi sinh ra ở vùng quê Hà Tĩnh, quanh năm chỉ biết trồng cây lúa, củ khoai, củ sắn. Tôi học ở một trường dân lập, tốt nghiệp lớp 12 vào hè năm 2008 và đi thi đại học tại Huế.

Trước kỳ thi này, tôi đã chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ xin việc, phòng khi không đậu đại học thì đi làm công nhân với dự định trước mắt là kiếm tiền nuôi sống bản thân, sau đó là tích lũy tiền gửi về cho mẹ chữa bệnh và mua sách vở cho hai đứa em trai.

Với số tiền 1.5 triệu đồng bố cho, tôi vào Huế thi đại học, sau bốn ngày, tiền vơi đi một nửa. Dùng số tiền còn lại tôi đi vào Bình Dương, thuê chỗ trọ rồi xin đi làm công nhân.

Tôi nộp hồ sơ vào một công ty gỗ ở khu công nghiệp Sóng Thần nhưng họ không nhận vì tôi còn thiếu 2 tháng nữa mới đủ tuổi đi làm. Tôi rất buồn và lo lắng, nếu mình không đi làm được thì lấy cái gì mà sống giữa thành thị?

Cuối cùng, tôi tìm được việc phục vụ tại một quán nhậu, lương chẳng bao nhiêu, chỉ đủ trả tiền phòng trọ, còn ăn uống thì tôi được người ta cho ăn ba bữa tại quán. Tôi phải làm 2 tháng ở đây để chờ đủ tuổi đi làm công nhân. Trong 2 tháng ấy tôi học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống, từ cách giao tiếp, phục vụ bưng bê thức ăn, châm cồn, khui bia... Tôi chứng kiến nhiều “cuộc nhậu không có hậu” khi tàn tiệc, khách lao vào đánh nhau dữ dội

Công việc bận bịu tối ngày, hết việc này là có việc khác ngay. Sáng 7g đã phải có mặt ở quán, làm đến 21g mới được về, có khi khách đông, 22g tôi mới được về. Về đến phòng thì tôi lò mò tắm rửa xong rồi mới ngủ. Đó cũng là khoảng thời gian tôi biết mình rớt đại học!

Hai tháng trôi qua, tôi xin nghỉ làm ở quán để nộp hồ sơ vào công ty gỗ ngày trước. Lần này, tôi được nhận ngay. Thử việc được 2 ngày thì tôi được đứng máy chà nhám, máy không quá phức tạp nên tôi sử dụng rất thành thục, kịp thời có hàng cho các công đoạn sau.

Nhờ chăm chỉ làm việc, tôi đã dành dụm được một khoản tiền nho nhỏ. Lương cơ bản 1,2 triệu đồng, tăng ca đến 21g cũng được 2,6 triệu đồng. Đến tết năm 2009, tôi gửi về cho gia đình những tháng lương dành dụm được. Bố mẹ rất mừng và luôn động viên tôi mỗi khi tôi gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe cả gia đình.

Đời còn dài lắm!

Rớt đại học là chuyện bình thường vì mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau.

Không đi được con đường này thì ta đi đường khác. Quan trọng là suy nghĩ của mình thôi. Đời còn dài lắm, hãy cố gắng các bạn nhé!

Năm đó, tôi không về quê ăn tết vì tiền vé xe đắt đỏ, hai lượt cũng hết 2 triệu, nên tôi để số tiền đó gửi về cho bố mẹ. Tôi buồn và nhớ nhà biết nhường nào khi ngày tết ai cũng đoàn tụ gia đình còn mình bơ vơ nơi đất khách.

Thấm thoát tết cũng qua đi, trong đầu tôi nảy sinh ra điều gì đó đã bỏ quên lâu nay mà chưa thực hiện được. Mỗi sáng đi làm, nhìn thấy các học sinh cấp 3 mặc những chiếc áo dài đi học, tôi lại muốn đi học tiếp! Tôi gọi điện thoại về nhà báo với bố mẹ rằng sẽ dành tiền đi học, thi đại học một lần nữa. Bố mẹ khuyên tôi: “Không đi học nữa, đi làm kiếm tiền rồi giờ học lại không có thời gian học đâu. Rồi lại không đậu thì mất cả tiền cả thời gian”. Nhưng rồi nhiều lần bố gọi điện vào bảo: “Con lớn rồi, phải tự quyết định mọi việc của con”.

Tôi biết mình muốn đi học lắm, tôi sẽ làm lại lần nữa! Thi không đậu vẫn quay lại làm công nhân được mà! Tôi làm hồ sơ dự thi Trường ĐH Đà Lạt.

Giờ thì đã đến lúc tôi cần thời gian để ôn luyện mà công việc hiện tại lại mất quá nhiều thời gian. Tôi đành nghỉ công ty gỗ và xin vào một công ty giày da, thời gian tăng ca chỉ đến 7g30, dù lương thấp hơn nhưng có thời gian để học.

Tôi học khối C, cũng muốn đi lò luyện thi nhưng ở những khu công nghiệp kiếm được lò luyện thi khối C là rất khó. Tôi tranh thủ mấy ngày chủ nhật để tìm lò luyện thi nhưng chỉ có duy nhất một nơi luyện thi mà không có khối C. Tôi đành mua sách ôn luyện tại phòng trọ của mình. Năm tôi học là chương trình cũ, năm tôi thi lại chương trình mới nên hơi vất vả vì khối C thay đổi nội dung rất nhiều.

Tôi đã quyết là làm không do dự. Hễ đi làm về, tắm giặt xong, tôi vào phòng học ngay. Cứ thế kiến thức tích lũy ngày càng nhiều, lại học được những điều mới trong cuộc sống rất bổ ích cho phần thi nghị luận xã hội...

Kỳ thi cận kề nhưng tôi phải đi làm ở công ty. Làm sao xin nghỉ để đi thi? Nếu nói thẳng ra là xin nghỉ để đi thi đại học là có khi được nghỉ việc luôn. Tôi đành viết đơn nghỉ phép 1 tuần với lý do bố ốm nặng phải về quê gấp. Tôi thấy mình thật bất hiếu khi bố đang khỏe mạnh mà lại nói là ốm nặng... Tôi bắt xe lên Đà Lạt đi thi trong 4 ngày, sau đó quay lại Bình Dương nghỉ ngơi 1 ngày rồi tiếp tục đi làm và chờ kết quả đại học. Kỳ thi này tôi đã đậu đại học! Trúng tuyển vào ngành Ngữ văn mà tôi mơ ước! Và hiện nay, tôi là tân cử nhân.

Sau chặng đường dài, tôi thấu hểu cuộc sống không như mình tưởng có vấp ngã mới trưởng thành, có thất bại mới rút ra được kinh nghiệm để thành công.

Luôn có nhiều hơn một con đường

Câu chuyện Rớt đại học: không đứng dậy sẽ chẳng biết phía trước có gì của bạn Huỳnh Lưu Đức Toàn thật cảm động và ý nghĩa.

Năm nào chủ đề hậu thi đại học cũng “nóng sốt” dù năm nào báo chí cũng đề cập đến rất nhiều. Có lẽ nên làm giống như ở Đức? Ở Đức, họ học và làm việc rất thực tế. Cách đây hai ngày, tôi nói chuyện với một bạn gái người Đức, mới 19 tuổi, vừa học xong phổ thông. Bạn ấy mới được nhận vào làm việc ở một trong những ngân hàng lớn nhất nước Đức trong hai năm rưỡi.

Tôi hỏi bạn có định học tiếp lên đại học không, bạn ấy bảo để đi làm xem mình có phù hợp với nghề ngân hàng không. Nếu công việc đòi hỏi thêm kiến thức thì sẽ học tiếp. Nói chung, người trẻ ở Đức có rất nhiều con đường sau khi học xong phổ thông, không nhất thiết là đại học.

Tốt nghiệp phổ thông, thi và học đại học, dường như không còn con đường nào khác. Đó là lối mòn của xã hội. Chừng nào cách nhìn của xã hội chúng ta khác đi và quan trọng nhất là các thể chế trong xã hội thay đổi và mở thêm nhiều con đường cho các bạn trẻ thì sẽ không còn những chuyện đau buồn, áp lực, mệt mỏi vì thi rớt đại học diễn ra hàng năm như thế này nữa.

Thật ra, đã đi thi thì đậu rớt là chuyện bình thường vì có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn thi đỗ hoặc thi rớt trong một kỳ thi. Không nhất thiết thi rớt là dở, thi đậu là giỏi. “Đường dài mới biết ngựa hay”. Hồi xưa tôi cũng từng thi rớt và nhờ đó tôi được... tuyển thẳng đại học.

Chuyện là năm học lớp 11, tôi tham gia kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia môn văn. Gia đình, thầy cô, bạn bè kỳ vọng vào tôi rất nhiều. Cả tôi cũng tin mình có thể “làm nên chuyện”. Và năm đó tôi… rớt trong sự ngỡ ngàng của mọi người và cả chính tôi.

Tôi buồn và thất vọng kinh khủng, đã quyết định sẽ từ bỏ môn văn. Rồi tôi đọc được trong một cuốn sách: “Người mạnh nhất không phải là người luôn chiến thắng. Người mạnh nhất là người luôn biết đứng dậy sau mỗi lần thất bại”. Cộng với sự động viên và giúp đỡ của gia đình, thầy cô, và những người bạn, dần dần tôi quên đi nỗi đau thất bại và tìm lại tình yêu với văn chương. Một năm sau đó, tôi thi văn một lần nữa. Năm ấy tôi đạt giải nhì môn văn quốc gia.

Nhưng quan trọng hơn, tôi nhận ra rằng thất bại thường dạy chúng ta nhiều hơn thành công. Chỉ có điều khi ở trong thất bại, một số người thường quá thất vọng, đau buồn và áp lực nên chưa kịp nhận ra giá trị của nó...

Bạn có từng rớt đại học? Bạn và gia đình đã đối diện với sự thật ấy như thế nào? Bạn đã chọn lối đi nào cho mình trong hành trình học vấn sau lần thi cử chưa thành công ấy?

Mời bạn đọc chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm của riêng bạn với chủ đề này. Bài viết gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả).

------------------------------------

* Đọc thêm

Thành công không đến từ giảng đườngRớt đại học: cuộc sống còn mãi ngoài kiaKhi giảng đường trở nên xa vờiLọt sàn, xuống... nghề - Kỳ 1: Rộng cửa trường nghềRớt đại học: không đứng dậy sẽ chẳng biết phía trước có gìHọc nghề nào dễ kiếm việc làm?"Con cô còn rớt đại học, làm sao cô dạy em thi đậu?"Nghề không phụ ngườiDù rớt đại học, nhưng với kỳ thi này tôi đã thành công

HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    D\u00f9 r\u1edbt \u0111\u1ea1i h\u1ecdc, nh\u01b0ng v\u1edbi k\u1ef3 thi n\u00e0y t\u00f4i \u0111\u00e3 th\u00e0nh c\u00f4ng, Tu\u1ed5i Tr\u1ebb Online nh\u1eadn \u0111\u01b0\u1ee3c nhi\u1ec1u chia s\u1ebb c\u1ee7a nhi\u1ec1u b\u1ea1n \u0111\u1ecdc, nh\u1eefng ng\u01b0\u1eddi v\u1eeba r\u1edbt \u0111\u1ea1i h\u1ecdc ho\u1eb7c t\u1eebng tr\u1ea3i qua \u0111i\u1ec1u n\u00e0y c\u00e1ch \u0111\u00e2y v\u00e0i n\u0103m." />