10/08/2013 17:09 GMT+7

Dù rớt đại học, nhưng với kỳ thi này tôi đã thành công

NGUYỄN VIẾT CÔNG HẬU 
NGUYỄN VIẾT CÔNG HẬU 

TTO - Tuổi Trẻ Online vừa nhận được tâm sự của bạn Nguyễn Viết Công Hậu - thí sinh vừa rớt ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vì thiếu 1 điểm.

Công Hậu chia sẻ góc nhìn lạc quan khi bạn cho rằng bạn đã "thành công" với kỳ tuyển sinh năm nay.

Mời các bạn đọc - đặc biệt là các thí sinh, phụ huynh - cùng theo dõi và chia sẻ câu chuyện, góc nhìn của riêng bạn.

C7glk9Og.jpgPhóng to
Phụ huynh chờ con em dự thi đại học trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 - Ảnh: Minh Đức
Clip "Trượt đại học - đời còn nhiều đường" thuộc dự án "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" do thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phụ trách - đang thu hút cư dân mạng - Nguồn: YouTuibe
Clip '"Tôi... rớt đại học" đang thu hút nhiều chú ý trên cộng đồng mạng. Clip như lời động viên những ai rớt đại học rằng hãy đứng lên vượt qua cú sốc này vì sẽ có nhiều cánh cửa đang chờ bạn - Nguồn: YouTube

Chỉ vài tiếng trước thôi, tôi biết tin mình "chính thức" rớt đại học. Một tin mà tôi chẳng lấy gì làm bất ngờ. Cũng may là trường tôi dự thi thông báo điểm chuẩn dự kiến sớm nên tôi phần nào chuẩn bị được tinh thần.

Ngày đi thi, tôi chẳng có gì hơn ai cả. Tôi chỉ có kiến thức được học tại một ngôi trường khá nhỏ, rất ít người biết đến. Nhưng tôi tự hào vì tôi đã học được kiến thức từ những thầy cô từ ngôi trường nhỏ bé ấy, Trường THPT Phú Hòa (huyện Củ Chi - TP.HCM). Đó là lý do tại sao tôi không học thêm, không đi luyện thi ở các trung tâm vì tôi có một niềm tin, những kiến thức mà các thầy cô sẽ giúp tôi "thành công".

Với tôi "thành công" ở đây không phải là đậu đại học. Thành công ở đây là những gì tôi sử dụng từ những kiến thức đó.

Trong quá trình tự ôn luyện, tôi hiểu rõ mình chẳng thông minh, chẳng tài giỏi. Tôi đã học chỉ để biết rằng este có mùi hương dùng trong thực phẩm. Tôi đã học để chỉ cản mẹ tôi không dùng lại dầu đã chiên vì nó đã chuyển hóa từ chất béo sang các chất độc hại...

Với tôi, những tháng ngày ôn thi đại học lại là những tháng ngày học tập lý thú. Tôi chỉ như người dạo quanh với những kiến thức khoa học, chẳng bận tâm đến công thức giải nhanh, những mánh làm bài. Rồi rốt cuộc, tôi đã ngộ ra nhiều điều. Thực chất giáo dục là gì? Giáo dục chỉ là để đi thi thôi à? Phải chăng mỗi năm, hàng triệu thí sinh lao đầu vào kỳ thi này chỉ để có một chỗ ở đại học? Vậy chương trình học 12 năm rốt cuộc chỉ để đi thi thế này thôi sao? Sao nó chẳng thể cho tôi những kỹ năng để đi vào cuộc sống? Sao nó chẳng thể cho tôi nhiều hứng khởi để học tập?

Sau loạt câu hỏi đặt ra trong đầu, tôi gấp sách lại. Tôi không buông xuôi. Tại sao phải lao đầu vào học như một cái máy? Tại sao phải học mấy trăm công thức, làm mấy trăm đề thi để rồi nếu ta đậu đại học, những gì sẽ còn lại trong đầu? Những cái ta cố công nhồi nhét vào bộ não rồi sẽ đi về đâu?

"Người ta chỉ thật sự thất bại khi từ bỏ mọi hi vọng và cố gắng. Tôi chỉ thực sự thất bại khi nghĩ rằng mình chẳng còn đường để đi. Tôi không biết giảng đường đại học sẽ dạy tôi điều gì nhưng tôi đã có những bài học hữu ích đầu tiên ở trường đời khi đối diện với việc rớt đại học".

Tôi thực sự run sơ, không hẳn vì sợ đề thi đại học. Tôi cảm thấy ớn lạnh khi một vài bạn trong phòng thi đại học của tôi thi môn trắc nghiệm mà tôi chỉ toàn nghe thấy tiếng bấm máy. Tiếng bấm máy "tách tách, cạch cạch" liên hồi dường như có nhịp điệu hoang hỉ. Âm thanh ấy làm tôi sợ hãi.

Trong giây phút hoang mang ấy tại phòng thi, tôi nhận ra: "Mình có rớt cũng phải thôi". Những gì mình chuẩn bị đi thi chỉ là mấy công thức cơ bản lèo tèo, mấy chương lý thuyết mà mình cảm thấy đáng dùng trong cuộc sống. Còn các bạn kia đã ôn kỹ càng suốt vài năm và nhiều hơn thế nữa. Tôi thua các bạn ấy cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng tôi không hối hận vì đã không đi luyện thi. Chí ít, tôi đã đi trên đôi chân của một học sinh trung bình để thách đấu cùng các bạn trên một trận đấu mà giữa thắng và thua chỉ cách nhau gang tấc.

Tôi đã rớt đại học với 17 điểm. Đó là 17 điểm tôi đã đi trên đôi chân của mình. 17 điểm của 1 năm lớp 12 tôi phải ôn lại kiến thức của 3 năm trời. Tôi đã rớt đại học vì thiếu 1 điểm!

Trong suốt mấy tuần qua, tôi đã học cách chấp nhận sự thật rằng mình đã rớt đại học. Rớt thì đã sao? Biết bao nhiều người chỉ thiếu 0,5 điểm đó thôi! Sự đau khổ của mình chẳng là gì với bao người chỉ còn cách đích đến 0.5 điểm, với bao người 9 điểm/môn vẫn rớt...

Rồi tôi đã chiêm nghiệm ra, đôi khi rớt đại học lại được nhiều hơn mất. Nó dạy ta bài học phải biết chấp nhận thực tại. Nó dạy cho ta bài học đứng dậy sau mỗi lần thất bại. Như tôi đã học được: ngã xuống thế nào không quan trọng, quan trọng là cách ta đứng lên.

Những dòng cuối cùng trong bài viết này, tôi muốn dành cho thầy Mai - thầy dạy toán của tôi, người đã truyền lại cảm hứng yêu thích môn toán tưởng chừng đã nguội lạnh trong tôi suốt 3 năm trời. Chính ngọn lửa yêu thích môn toán đã dẫn dắt tôi thi vào ngành toán học. Tôi muốn nói với thầy rằng: "Em đã không thực hiện được mơ ước ở thời điểm hiện tại này nhưng em tin rằng em vẫn yêu thích toán lắm. Dù thế nào em vẫn sẽ không từ bỏ mơ ước ấy".

Từ điểm bắt đầu đến thành công nào chỉ có một con đường thẳng? Tôi tin rằng có vô số cách chọn con đường đi đến đích đến thành công. Một ngày nào đó, tôi sẽ lại được sống với đam mê của mình.

Với tôi, kỳ thi này tôi đã "thành công".

Gửi chị N.T. - cựu giáo viên văn tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - trong tâm sự "Con cô còn rớt đại học, làm sao cô dạy em thi đậu?",

Tôi cũng từng thi rớt đại học. Lúc đó tôi hơi buồn nhưng tôi biết trước kết quả sẽ như vậy. Tôi vạch ra kế hoạch cho mình ngay: sẽ đi làm để lấy tiền thi tiếp vào năm sau. Và hiện nay, tôi là một cô giáo.

Tôi muốn chia sẻ tâm sự và kinh nghiệm của mình với phụ huynh xa gần. Tại sao chúng ta bắt con mình thi vào trường này trường kia, bắt con phải thi đỗ đại học?

Con người sinh ra không ai giống ai, có người giỏi, người dốt. Con chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải biết được sức học của con mình để đừng tạo gánh nặng cho con. Còn việc chọn trường? Đó là công việc cả đời con người, cũng đừng ép chúng.

Đành rằng bố mẹ là người hướng dẫn chỉ bảo cho con. Thay vì ép các con chúng ta hãy nói chuyện với con thường xuyên để hướng con theo hướng của mình. Chẳng hạn như con bạn thích làm một ca sĩ nhưng nó không có chất giọng và năng khiếu gì hết, bạn đừng bác bỏ ước mơ đó của con ngay mà hãy cũng con tìm hiểu về nghề đó, cho con thử, và khi chúng thực sự thấy mình không hợp chúng sẽ tự bỏ giấc mơ đó.

Tại sao mẹ lại trách con khi không thi đỗ đại học? Vì mẹ là giáo viên? Vì mẹ ngại với mọi người? Con bạn không “đáng” để nhận những lời chửi ấy. Đáng ra bạn phải là người biết trước hậu quả đó và chuẩn bị tâm lý cho con mình, đừng để cháu bị sốc hay buồn. Đừng tạo áp lực cho con. Đừng để con là là nạn nhân của danh dự, của nỗi xấu hổ của cha mẹ…

Khi giảng bài cho học sinh, tôi không bao giờ đòi hỏi các em phải học tốt môn của tôi. Vì mỗi học sinh có một khả năng khác nhau và hướng nghề nghiệp khác nhau.Tôi luôn cố gắng tạo cho tiết học của mình vui nhộn, nhẹ nhàng để những kiến thức tự nhiên đi vào đầu học sinh.

Tôi dạy các em cách đứng vững trong cuộc sống, cách tiến tới ước mơ của mình, cách sống để trở thành con người thành đạt. Con người thành đạt trong quan niệm của tôi là một con người biết quý trọng những gì mình có, biết hạnh phúc với những gì mình sở hữu và biết ước mơ để vươn lên. Tôi nói với các em rằng các em có thể là một công nhân quyét rác, một người thợ hàn, một giám đốc… điều đó chẳng khác gì nhau. Miễn là em thấy hạnh phúc với việc mình đang làm và làm tốt công việc đó. Hãy để con của bạn được tự do làm những điều chúng muốn, hãy để chúng vô tư trong sáng như tuổi của chúng.

Con bạn sống cuộc đời của con bạn, hãy chỉ cho chúng cách tự lập, cách vươn lên trong cuộc sống hơn là bắt con phải làm theo ý mình. Và quan trọng nhất, bạn hãy dạy con cách đánh giá năng lực để cố gắng vươn lên, biết lượng sức mình, để chọn trường thi hay làm bất cứ việc gì khác. Bởi vì dẫu biết bơi nhưng nếu không lượng sức cũng có thể chết đuối.

Bạn có từng thi rớt đại học? Bạn và gia đình đã đối diện với sự thật ấy như thế nào? Bạn đã chọn lối đi nào cho mình trong hành trình học vấn sau lần thi cử chưa thành công ấy?

Mời bạn đọc chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm của riêng bạn với chủ đề này. Bài viết gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả).

------------------------------------

* Đọc thêm

Thành công không đến từ giảng đườngRớt đại học: cuộc sống còn mãi ngoài kiaKhi giảng đường trở nên xa vờiLọt sàn, xuống... nghề - Kỳ 1: Rộng cửa trường nghềRớt đại học: không đứng dậy sẽ chẳng biết phía trước có gìHọc nghề nào dễ kiếm việc làm?"Con cô còn rớt đại học, làm sao cô dạy em thi đậu?"

NGUYỄN VIẾT CÔNG HẬU 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên