Song, có lẽ chính sự san sẻ, đồng hành của đấng sinh thành mới giúp sĩ tử đứng dậy và tìm cơ hội học tập khác.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu tâm sự của một người mẹ vốn là cựu giáo viên dạy văn có con gái từng rớt đại học. Mời các bạn đọc - đặc biệt là các thí sinh, phụ huynh - cùng theo dõi và chia sẻ câu chuyện, theo góc nhìn của riêng bạn.
Phóng to |
Các phụ huynh đợi con làm bài thi trong mùa thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Sự động viên, đồng hành của cha mẹ khi con thi rớt đại học sẽ giúp bạn trẻ đứng dậy tiếp tục con đường học vấn - Ảnh: Minh Đức |
Clip "Trượt đại học - đời còn nhiều đường" thuộc dự án "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" do thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phụ trách - đang thu hút cư dân mạng - Nguồn: YouTube |
Clip '"Tôi... rớt đại học" thu hút nhiều chú ý trên cộng đồng mạng. Clip như lời động viên những ai rớt đại học rằng hãy đứng lên vượt qua cú sốc này vì sẽ có nhiều cánh cửa đang chờ bạn - Nguồn: YouTube |
Tôi đã rơi vào tâm trạng khủng hoảng của một phụ huynh có con thi rớt đại học bởi không chỉ vì áp lực từ gia đình mà còn từ các đồng nghiệp, bởi tôi từng là giáo viên dạy văn tại một trường trung học phổ thông ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cách đây ba năm, con gái tôi dự thi kỳ thi đại học với kỳ vọng từ cả họ gia đình rằng cháu sẽ vào Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM. Sức học của cháu tương đối bình thường. Suốt một tháng con ôn bài, tôi xin nghỉ để lo cho cháu từ thức ăn, giấc ngủ. Những đêm khuya con ngồi học bài, mẹ phải nằm cạnh đọc sách cho con đỡ cảm giác buồn tủi.
Ngày con tôi dự thi, mẹ con tôi tay xách nách mang nồi cơm điện lên thành phố nấu cơm cho đảm bảo. Hai mẹ con thuê khách sạn ở quận Thủ Đức, TP.HCM để ở tạm. Trong lúc con học, tôi nấu cơm tại phòng khách sạn để con được ăn đúng vị gia đình mình nấu. Tôi phải bắc ghế leo lên dùng khăn che lấy thiết bị báo cháy trong phòng mà nấu ăn.
Nhưng kết quả thi của con đã không như kỳ vọng. Điểm sàn đại học năm ấy là 13 điểm. Con chỉ được 8 điểm. Tôi như chết sững trong bếp khi nghe một đồng nghiệp có con dự thi cùng năm ấy gọi điện thoại báo thông tin này. Cảm xúc đầu tiên của tôi khi nghe là tức giận con mình tột độ và xấu hổ với cô giáo cùng tổ bộ môn.
Nỗi đau khủng khiếp vì con rớt đại học cứ âm ỉ kéo dài đến lúc tôi nhớ khi đang đứng dạy hè lớp 12 một học sinh vô lễ: “Cô dạy con cô còn rớt đại học thì sao cô dạy em thi đậu được?”. Tôi bỏ vào phòng hội đồng ngồi khóc, trong túi xách đã sẵn sàng lá đơn xin nghỉ việc. |
Tôi lao đến con mắng xa xả với những lời mà mình chưa bao giờ nghĩ sẽ nói: “Sao mẹ nuôi con ăn học đàng hoàng, có thiếu thốn điều gì đâu mà con học hành như vậy để giờ mẹ chẳng dám bước ra đường nhìn mặt ai!”. Vậy rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.
Những chuỗi ngày sau khi công bố điểm thật sự kinh hoàng khi đồng nghiệp tôi đến nhà thăm cháu nhưng tôi chẳng muốn tiếp ai. Tôi ước mình có thể biến mất đi để khỏi phải nghe những cuộc điện thoại chẳng biết giả vờ hỏi thăm hay những lời nói xì xầm về một giáo viên lại có con thi đại học dưới điểm sàn.
Tôi suy sụp hoàn toàn sau khi thi cú thi rớt của con. Tôi không kỳ vọng nhiều vào cháu, chỉ muốn cháu được đủ điểm sàn để xét tuyển nhưng điều đó không thể. Tôi không dám bước chân về nhà bố mẹ chồng vì mặc cảm là đứa con dâu dạy con thi rớt. Có lẽ lúc đó tôi chỉ trút hết cơn bực tức lên đứa con gái đầu đời.
Nhưng cứ ám ảnh mãi về sự cố đầu đời của cháu mãi sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi chọn cách nghỉ việc để dọn nhà lên TP.HCM. Tôi - một nhà giáo góa chồng nuôi con bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi - đã thuê một căn phòng hai mẹ con sống giữa TP.HCM. Tôi mở một quầy tạp hóa nhỏ. Hằng ngày con tôi đi ôn luyện đại học ở một trung tâm tại thành phố. Sau đó một năm con gái tôi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngành toán và hiện cháu là sinh viên năm 2.
Khi con rớt đại học, con đau 9 thì phụ huynh đau 10. Cả xã hội chỉ hướng dẫn các cháu cách đối diện với khủng hoảng nhưng chính những phụ huynh như tôi cũng cần học cách giúp con vượt qua khủng hoảng và giúp cả chính mình.
Với những ông bố bà mẹ có con đang thi trượt, điều khủng khiếp chính là sự đối mặt với xung quanh và với bạn bè, đồng nghiệp. Con gái tôi từng chia sẻ: “Vào đại học như một chuyến xe buýt, nếu sơ suất đánh lỡ một chuyến thì cũng sẽ có chuyến khác đến thôi. Quan trọng là ta phải kiên nhẫn chờ đúng chuyến để đến đúng nơi cần đến!”.
Bạn đã từng thi rớt đại học? Bạn và gia đình đã đối diện với sự thật ấy như thế nào? Bạn đã chọn lối đi nào cho mình trong hành trình học vấn sau lần thi cử chưa thành công ấy? Mời bạn đọc chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm của riêng bạn với chủ đề này. Bài viết gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả). |
------------------------------------
* Đọc thêm:
Thành công không đến từ giảng đườngRớt đại học: cuộc sống còn mãi ngoài kiaKhi giảng đường trở nên xa vờiLọt sàn, xuống... nghề - Kỳ 1: Rộng cửa trường nghềRớt đại học: không đứng dậy sẽ chẳng biết phía trước có gì
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận