Dương Tường hiện diện đời năm Nhâm Thân (4-8-1932) và giã biệt đời năm Quý Mão (24-2-2023). Có ngẫu nhiên chăng mà người gẩy tình khúc 24 phím cầm chiều đã ra đi đúng vào ngày 24 của tháng có lễ tình nhân cho mọi đôi lứa yêu nhau.
Gửi lại em / 24 phố dài thơm / 24 serenat
24 vilbrato / 24 khung trời tím / 24 lối công viên / 24 vầng trăng góa
Chắc sự trùng hợp này đã làm ông thỏa lòng. Ông Xanh trên cao như đã hiểu và chiều lòng Dương Tường ở phút cuối cùng sự sống để cho ông khởi hành chuyến đi vào cõi vô cùng mang theo mãi mãi tình yêu.
Bởi ông đã sống trọn một kiếp người gần trăm năm của mình là một Người Tình.
Dương Tường là người tình phải lòng những trang văn hay đẹp của văn chương thế giới đến độ đã hiến cả đời mình đắm say cần mẫn làm công việc của một con ngựa thồ văn hóa qua biên giới ngôn ngữ, làm sứ mệnh của người cấp giấy thông hành qua bản dịch cho các tác phẩm nước ngoài nhập tịch tiếng Việt, văn chương Việt.
Hơn 50 tác phẩm lớn, xuất sắc của nhiều nền văn học lớn, nhiều nhà văn lớn trên thế giới đã đến Việt Nam tốt đẹp qua tài tiếng Việt của ông.
Dương Tường không phải dịch giả theo nghĩa thông thường là người chuyển ngữ. Ông đích thực là người đồng sáng tạo của tác giả như tiêu chí và đòi hỏi ông đặt ra cho mình.
Mỗi bản dịch của ông là một tác phẩm sống, ở đó tên người dịch sóng đôi tên nhà văn là một bản vị của giá trị văn chương. Tác phẩm gốc càng khó ông càng thích thú vì thấy năng lực của mình càng được thách thức, càng có cơ hội bộc lộ và thể hiện qua con chữ tiếng Việt.
Dương Tường đã bỏ lại sau đời một thời khốn khó, khắc nghiệt nhưng cũng đầy nhiệt huyết, say mê. Ông đã bỏ lại sau đời những cuộc chơi cuộc vui lặng lẽ, vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp, đàn em.
Từ nay phố Hà Nội vắng bóng dáng Dương Tường nhỏ bé, gầy gò đi những bước lững thững tuổi già mắt mờ tai nặng nhưng trong tâm tưởng vẫn vang động tiếng đời, tiếng văn.
Năm 2017 mừng Dương Tường tuổi 85 tôi đã viết bài thơ Một nhành sương phác họa cuộc đời ông bằng những câu thơ, ý thơ ông viết.
Hôm nay tưởng nhớ ông, tôi đưa lại bài thơ đó với khổ cuối viết thêm như một lời tiễn đưa ông.
MỘT NHÀNH SƯƠNG
zương tường tên anh tưởng người to
người to không phải, lại gầy gò
gầy gò nhưng đã từng bán máu
bán máu một thời sống gay go.
gay go vẫn sống đầy mộng mơ
mộng mơ cái đẹp cõi văn thơ
văn thơ viết nên bằng máu đỏ
máu đỏ của người của tự do.
tự do zươngtường trang sách dịch
sách dịch cho ta được gặp người
người đời khác màu da tiếng nói
tiếng nói chung là tiếng Con Người.
con người zươngtường phe nước mắt
nước mắt buông những tiếng thở dài
thở dài trả lãi bằng án sống
sống để yêu người giữa trần ai.
trần ai hiểu tâm sự hoài hương
hoài hương cái zây phơi quần áo
quần áo câm rỉ vết mộng thương
mộng thương đời mình rong vọng ảo
vọng ảo zươngtường vương dương cầm
dương cầm lã chã một lặng trầm
lặng trầm những ngón tay mưa gọi
gọi một người ba mươi hai năm.
ba mươi hai năm nay tám lăm
tám lăm zươngtường vẫn lăm răm
lăm răm tình khúc hai tư nhịp
nhịp đời dâng bạch lạp ngực rằm.
ngực rằm đời nuôi nấng zươngtường
zươngtường trên mái vẫy yêu thương
yêu thương thành món quà sinh nhật
sinh nhật tươi nguyên một nhành sương.
nhành sương hôm nay vẫy người đi
người đi khuất bóng cõi biệt ly
biệt ly tình khúc 24 nhịp
nhịp đời vẫn nhớ zươngtường si.
Hà Nội, 25-2-2023
Không bao giờ rời bỏ niềm tin về giá trị con người
Dương Tường là người sinh ra để làm chữ nghĩa, một công việc nặng nhọc, vất vả (về tinh thần) nhưng ông làm toàn tâm, toàn ý suốt cuộc đời.
Ông chỉ mê nhất chữ nghĩa, văn chương. Đến mức nếu không có chữ ông không sống được. Cho nên tới lúc cuối đời, mắt hầu như đã không nhìn thấy gì ông vẫn tìm mọi cách khắc phục để dịch cuốn Kiều sang tiếng Anh.
Riêng về những đóng góp với vai trò dịch thuật, tôi đánh giá rất cao khả năng dịch thuật của Dương Tường. Ông có khả năng dịch cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Ông chọn dịch các tác phẩm có tiếng, có giá trị của thế giới. Đây là sự tận hiến của ông để mang về cho độc giả Việt Nam những tác phẩm lớn của thế giới.
Hơn hết, ông là một con người rất tình cảm. Một đời ông sống với mọi người bằng tình cảm rất chân thành của mình. Ông không bao giờ rời bỏ niềm tin về giá trị con người, giá trị văn chương.
Dịch giả, họa sĩ TRỊNH LỮ - T.ĐIỂU ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận