04/09/2011 07:11 GMT+7

Đường Thiên Lý giữa Sài Gòn - Kỳ cuối: Đan xen xưa và nay

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Ô, con đường khác hẳn ngày xưa”, “Đâu có, nó vẫn như thế”, “Khác thì có khác, cũ thì vẫn cũ”, chúng tôi thu được rất nhiều ý kiến khi hỏi những người Sài Gòn về con đường Nguyễn Thị Minh Khai và bất kỳ con đường nào khác cũng vậy. Cũ và mới, biến và bất biến cứ đan xen nhau trên đường và thấm đẫm tình yêu của những người Sài Gòn cũ và mới.

kPuweGTU.jpgPhóng to
Con đường Chasseloup Laubat thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu

Trên một tà áo

“Ngày thống nhất, tôi được phân công vào ban quân quản khu vực Thị Nghè này và từ đó trở thành dân Thị Nghè luôn” - ông Dương Ngọc Xinh, nguyên chủ tịch phường 18, 20, quận Bình Thạnh, kể. Ngày 30-4-1975, những ống kính máy ảnh đã ghi lại được gương mặt hân hoan của hàng ngàn người dân Hàng Xanh - Thị Nghè đổ ra hai bên đường phất cờ, vẫy hoa chào mừng quân giải phóng. Nhưng bên trong những cánh cửa nhà, sâu phía trong những con hẻm nhỏ, cũng có hàng ngàn người hoang mang, lo lắng, tìm lối bỏ đi.

“Ban tiếp quản chúng tôi ngay lập tức đã tổ chức họp dân ở sân nhà thờ Thị Nghè để giải thích đường lối của chính quyền mới, trấn an những người có làm việc cho chế độ cũ. Bà con ở Thị Nghè phần lớn là người lao động sẵn có tình cảm với cách mạng nên mọi việc cũng khá dễ dàng”. Người dân đã chỉ cho chính quyền cách mạng biết khu nhà bí mật của ty chiêu hồi phía sau chợ Thị Nghè. Lính đã chạy hết và cuộc kiểm tra đã cứu được 18 người vẫn còn bị nhốt, bỏ đói khát tận dưới hầm, không biết ngày thống nhất đã đến. “Khó khăn hơn là những cuộc vận động sau đó, như là vận động dân đi xây dựng kinh tế mới, vận động bỏ nhà ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...”, ông Xinh trầm ngâm nhắc.

Thời gian như được kéo về hàng chục năm, những ngày chợ Thị Nghè lèo tèo người bán kẻ mua, tiệm may áo dài của bà Nguyễn Thị Tư dưới chân cầu tưởng như phải đóng cửa vì cả năm không có người đặt hàng, hai bên bờ kênh nhà ổ chuột mọc mỗi ngày mỗi nhiều... Con rạch Thị Nghè những ngày xưa là chứng nhân lịch sử khi thành Gia Định bị phóng hỏa, khi những người yêu nước giành được độc lập rồi lại phải cắn răng nhìn con phố, dòng kênh bị trao vào tay kẻ khác. Rồi rạch Thị Nghè lại là minh chứng cho những giai đoạn phát triển thành phố: xấu xí, nhếch nhác trong những năm tháng khó khăn nhất và lại bắt đầu hồi sinh khi thành phố chuyển mình.

“Cuối cùng rồi cũng qua”, ông Xinh thở phào, bà Tư thở phào nhìn ra rạch Thị Nghè đã trở lại thoáng đãng, những khu chung cư cao vút đã thay cho khu nhà ổ chuột, đường Hoàng Sa - Trường Sa hai bên bờ kênh cây đã lên xanh. “Chúng tôi chỉ còn sốt ruột chờ xem kết quả của công trình lắp đặt cống thoát nước, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Không biết bao giờ nước sẽ lại trong đầy như ngày xưa”, bà Tư buông tấm vải lụa, nhìn mông lung ra con kênh trước nhà.

Sinh ra ở Cần Thơ, bà thành cư dân Sài Gòn từ năm 17 tuổi, đến nay đã ngót nghét 60 năm. Hôm nay, tiệm may áo dài nhỏ của bà đã lại tấp nập, hai mẹ con luôn tay mà vẫn có khi phải hẹn khách tới hơn một tháng để giao áo. “Sài Gòn nay nóng hơn xưa, vải vóc nay đa dạng, đẹp hơn rất nhiều nhưng khách vẫn than mặc áo dài giờ khó khăn vì trời nóng quá”, bà Tư thở ra.

Bà mỉm cười kể khi xưa, ra đường, trong những tà áo phất phới thướt tha bay dọc phố, thỉnh thoảng bà được thấy một tà áo do tay mình chăm chút may cắt. “Giờ thì không bao giờ thấy nữa. Một là vì đường phố đông quá, không dám ra ngoài nhiều. Hai là nay các cô chỉ còn mặc áo dài trong phòng máy lạnh”. Khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn của bà thoáng chốc bâng khuâng. Chợt như nghe câu hát “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát” văng vẳng đâu đây.

AfIKWWyQ.jpgPhóng to
Và con đường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ - Ảnh: Tự trung

Cuồn cuộn và an nhiên

Còn có thể gặp nhiều những khuôn mặt bâng khuâng như thế khi dạo đến đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai. Dọc phố, những tòa cao ốc mới đang nối nhau mọc lên, một số đoạn lề đường ngổn ngang vật liệu xây dựng. Thỉnh thoảng lại có một người ngơ ngác, bâng khuâng dạo tới tìm lui dọc lề đường, tiếc nuối như đi tìm một kỷ niệm. Nơi đây vốn là phố sách cũ nổi tiếng một thời. Đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai này thường được nhắc đến với những tiệm sách cũ chật chội có những chồng sách cao ngất ố màu thời gian, những người bán hàng thuộc nằm lòng tên sách, tác giả, nhà xuất bản và luôn tìm được đúng cuốn sách khách cần giữa ngồn ngộn hàng ngàn cuốn khác.

Bao nhiêu người đã sưu tầm được sách quý, thủ bút hiếm hoi của tác giả ở đây. Những tiệm sách ấy đã dọn đi hầu hết sang những con phố khác, nhường chỗ lại cho các cao ốc văn phòng, các showroom sáng bừng lộng lẫy. Trong tiệm sách cũ duy nhất còn lại, sách thật sự cũ cũng không còn được bao nhiêu. Phố sách cũ vang bóng một thời đã thật sự biến mất.

Nhưng đoạn đường này lại vẫn cứ là phố sách, bởi người Sài Gòn vẫn đi tìm sách giữa những cơn lốc thông tin trên mạng toàn cầu. Những tiệm sách sáng đẹp, ngăn nắp, bán hàng linh động ở đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai lại trở thành một điểm hẹn mới của những người thích đọc sách. Đến đây, giữa không khí nhộn nhịp của khách hàng đủ mọi lứa tuổi, hẳn các nhà giáo dục cũng sẽ vơi đi phần nào nỗi lo giới trẻ ngày nay không đọc sách.

Đi dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai như nhìn thấy cả Sài Gòn. Quán cà phê cóc đầu hẻm vẫn tấp nập khách sát cạnh cà phê máy lạnh sang trọng, những chị phụ nữ người Quảng cần mẫn quạt than nướng những món bánh ăn vặt ở công viên Tao Đàn, có khi gánh hàng lại yên vị ngay bên hông một tòa cao ốc lộng lẫy, những sinh hoạt ồn ã của thanh niên và góc tĩnh lặng của viện dưỡng lão... Sài Gòn rộng mở, bao dung, bình đẳng. Sài Gòn cuồn cuộn phát triển, đổi mới. Sài Gòn cũng yên ả, thầm lặng giữ những giá trị bất biến. Người yêu Sài Gòn là yêu nhịp cuồn cuộn mỗi ngày mỗi mới đó và càng yêu những an nhiên miên viễn đó.

Và ở một góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi gần trăm năm trước một bảo sanh viện được người Sài Gòn hiến tiền hiến đất mà lập ra, và nay là Bệnh viện phụ sản Từ Dũ nổi tiếng toàn quốc, hằng ngày hằng đêm vẫn đón những cư dân mới của Sài Gòn - TP.HCM, những cư dân sẽ viết tiếp những câu chuyện trên đường Thiên Lý.

Đường Thiên Lý sẽ tiếp tục ghi dấu những bàn chân đi qua.

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Xuyên thành Gia Định Kỳ 2: Thị Nghè kháng chiến Kỳ 3: Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm Kỳ 4: Cội nguồn nhân ái

Đón đọc số tới

Nhật ký Trường Sa

Đó là những dòng nhật ký can trường, chứa đầy tình thương yêu, san sẻ... từ sổ tay, thư từ, ký ức những người lính đảo, những cư dân đã chọn Trường Sa như một nơi để tôi luyện sự kiên cường, ý chí sinh tồn của con người trước mọi thách thức.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên