03/09/2011 03:47 GMT+7

Đường Thiên Lý giữa Sài Gòn - Kỳ 4: Cội nguồn nhân ái

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Con đường hình như không có thay đổi gì, vẫn như bây giờ, chỉ có người và xe cộ đi lại là thay đổi thôi. Hồi ấy đường vắng, nhà cửa thưa thớt, trên đường phần nhiều là người đi bộ, đi xe đạp, thỉnh thoảng có xe kéo tay, ôtô. Trường điều dưỡng của Hội Hồng thập tự mà tôi học nằm cạnh vườn Tao Đàn, chỗ bây giờ là Sở Y tế TP.HCM...” - bà Ngô Thị Hai, người nữ điều dưỡng đã bền bỉ và tận tâm với việc chăm sóc bệnh nhân và đào tạo điều dưỡng hơn 60 năm ở các bệnh viện Sài Gòn, cười hiền lành, kể.

teLuyVs8.jpgPhóng to
rwUT0EId.jpg
Nhà thương Thị Nghè xưa (ảnh tư liệu) và Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè hôm nay - Ảnh: Tự Trung

Kỳ 1: Xuyên thành Gia ĐịnhKỳ 2: Thị Nghè kháng chiếnKỳ 3: Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm

Bình an ở lại

“Lớp điều dưỡng tôi học vào những năm giữa thập niên 1930 chỉ có vài người Việt theo học để đi làm, còn lại phần lớn là người Pháp, các bà xơ. Họ học, thực tập để làm từ thiện ở các nhà thương, viện dưỡng lão... Tôi học được ở đó không chỉ là kỹ thuật y tế mà lớn hơn là sự hết mình chăm sóc người bệnh, là cái tâm luôn phải thường trực trong mình, có lúc còn nên quên mình đi. Từ đó, tôi lấy đó làm tâm nguyện để sống, làm nghề và truyền cho các học trò mình”.

Bà Ngô Thị Hai đã có những ca trực một mình đạp xe băng qua những con đường giới nghiêm giữa đạn lửa của cuộc tổng tấn công Mậu Thân để vào bệnh viện. Và ở đây, bà lại một lần nữa một mình lặng lẽ vào phòng bệnh thay băng, chăm sóc những thương bệnh binh Việt cộng trước mũi súng canh gác của lính Cộng hòa. Tinh thần mà bà học được là để dùng trong những phút sinh tử như vậy.

Cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai, qua cầu Thị Nghè, đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh, tách khỏi đoạn đường luôn nhộn nhịp từ mờ sáng hôm nay đến mờ sáng hôm sau, tách khỏi lề đường phủ kín hàng quán, kiôt, cửa hàng, qua cánh cổng Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè là một khu vườn xanh mát với những con đường gạch đỏ. Không gian yên ả, thỉnh thoảng lại rộn rã với những buổi thăm viếng của các bạn thanh niên, tình nguyện viên trẻ tuổi đến ca hát, khám bệnh, nấu ăn, làm vườn và nghe các ông bà kể chuyện ngày xưa.

Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, tiền thân là Viện dưỡng lão Thị Nghè, trước nữa được gọi là “sở nhà thương”, đã được giám mục Lefèbvre lập ra từ năm 1874 dành cho các bệnh nhân nghèo, phát thuốc men, phục vụ ăn uống miễn phí. Những cô gái Pháp, các bà xơ đồng học với bà Ngô Thị Hai đã phục vụ tại đây, ảnh của họ vẫn còn được treo trang trọng trong Nhà truyền thống quận Bình Thạnh.

Trung tâm dưỡng lão nay thuộc sự quản lý của Sở Lao động - thương binh và xã hội, được dành riêng để phụng dưỡng các ba, các má đã gắn bó với phong trào cách mạng của thành phố, đã hi sinh tài sản, người thân và cả sinh mệnh cho ngày hòa bình.

Đời người qua, chiến tranh rồi cũng qua, sự sẻ chia hòa bình vẫn được duy trì và bồi đắp từng ngày, lòng nhân ái cứ được nhân lên, lan tỏa... để luôn giữ sự bình an ở giữa chốn nhân gian này.

Giọt máu cho đi

Ở đầu kia của con đường lại có một địa điểm quy tụ và nhân rộng những tấm lòng nhân ái khác: Hội Chữ thập đỏ TP.HCM.

Ai hay đi ngang đoạn đường này, ngoài sự thân quen với những cây dầu cao vút, rợp bóng sẽ còn thấy quen thuộc với thùng quyên góp của Hội Chữ thập đỏ thường được đặt dưới gốc cây với những thông điệp “thay đổi theo mùa”: giúp đồng bào bị lũ lụt, hạn hán, giúp bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ung thư, nạn nhân chất độc da cam...

Những ngày xưa, thùng quyên góp trợ giúp nạn nhân chiến tranh cũng được Hội Hồng thập tự đặt chính nơi này, góp phần tạo ra thói quen chia sẻ, tương trợ của người Sài Gòn. Người Sài Gòn đã mang đến những điểm quyên góp không chỉ tiền mà còn là thuốc, quần áo, gạo muối, đường sữa... tất cả những gì thiết yếu cho một cuộc sống.

Và niềm tự hào nhất của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM là đã khuyến khích được người người đem đến và cho đi một thứ quý nhất: máu.

Hôm nay phong trào hiến máu nhân đạo đã được hưởng ứng nhiệt tình trên toàn quốc với hơn 600.000 đơn vị máu đạt chuẩn thu được mỗi năm, đáp ứng 40% nhu cầu máu ở các bệnh viện.

Không còn mấy ai nhớ đến ngày đầu tiên phòng hiến máu được thành lập đơn sơ, nhỏ hẹp ở Hội Chữ thập đỏ TP.HCM vào năm 1994 với chỉ tiêu 500 đơn vị máu một năm. Đó là những ngày mà sự thiếu máu ở các bệnh viện luôn ở mức báo động đỏ, nguồn tiếp máu lại đến chủ yếu từ những người bán máu chuyên nghiệp, chất lượng thật đáng lo ngại. “Phải có cách làm khác - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm khi ấy là ủy viên ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ TP.HCM trăn trở. Máu phong trào từ tuổi hai mươi sôi sục lại nổi lên - Người Sài Gòn nổi tiếng rộng lòng, kể cả khi thứ đem cho là máu đang chảy trong mao mạch. Chúng tôi tổ chức phát thư ngỏ, nói chuyện chuyên đề ở hội và xuống địa phương để vận động người dân. Địa điểm đầu tiên, đương nhiên là các khu phố xung quanh trụ sở hội, các con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai”.

Những câu chuyện hóm hỉnh hồi ấy đến hôm nay vẫn còn được sử dụng trong tuyên truyền hiến máu. Như khi bác sĩ Mẫm nói chuyện với một hội các ông chồng trong con hẻm bên Bệnh viện Từ Dũ: “Các ông có biết vì sao phụ nữ sống lâu hơn nam giới không? Ấy là vì cơ thể họ có cơ chế thay đổi máu. Các ông không có cơ chế ấy, máu không được kích thích sinh mới nên lão hóa sớm hơn, chết sớm hơn. Khi đó sẽ có người khác đến lấy vợ mình, ở nhà mình, sai con mình, có đáng tiếc không? Tất cả chỉ vì không đi hiến máu”.

Danh sách những người đăng ký hiến máu thời kỳ đầu có rất nhiều người là hàng xóm của Hội chữ thập đỏ ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 và phường 1, quận 3, TP.HCM. Cứ sau sáu tháng hội lại gửi thư cảm ơn những người đã hiến máu và nhắc: “Đã đến lúc bạn nên tiếp tục nghĩa cử này để cứu người và làm mới cơ thể mình”.

Cách làm khéo léo ấy đã giúp Hội Chữ thập đỏ TP.HCM vượt chỉ tiêu cả năm chỉ trong một tuần, và tổng kết năm đầu tiên lượng máu vận động được nhiều gấp 22 lần chỉ tiêu đề ra. Bước đi đầu đã thành công, các xe hiến máu lưu động được triển khai để tỏa ra toàn thành phố, phong trào hiến máu nhân đạo đã lan ra toàn quốc như thế.

Cứ đến ngày hội hiến máu 7-4, đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai lại chộn rộn những người Sài Gòn đến với cái bụng đói, trái tim mở và nụ cười trên môi, hăng hái đưa cánh tay ra để “cho đi một giọt máu, giữ lại một cuộc sống”.

TP.HCM là nơi tập trung đông nhất những người nhập cư từ khắp cả nước, và những câu chuyện về tấm lòng mở rộng của người Sài Gòn, sự bao dung của đất Sài Gòn cũng đã được nhắc nhở ở khắp cả nước. Ngay giữa Sài Gòn người ta có thể đo được tấm lòng ấy, cảm được sự bao dung ấy ngay trong lúc đi dọc con đường Nguyễn Thị Minh Khai.

________________________

Đoạn đường Thiên Lý xưa với muôn vàn câu chuyện đã được ghi lại. Giờ, những bàn chân của thế hệ mai sau sẽ ghi dấu mình trên đó như thế nào?

Kỳ cuối: Đan xen xưa và nay

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên