Mấy ngày gần đây, có một vụ xem ra rất nhỏ, chỉ liên quan đến một cá nhân ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nhưng thu hút sự chú ý rất lớn của công luận, trong đó phải kể đến 1,3 triệu người đang hành nghề giáo viên.
Ấy là chuyện về cô giáo mầm non sau 37 năm chuyên cần nhận được lương hưu chỉ vẻn vẹn có 1,3 triệu đồng/tháng.
Không ai cầm lòng khi xem đoạn clip cô giáo khóc ngất với tờ quyết định lương hưu, hỏi sao không đau buồn được với ngần ấy năm cống hiến chỉ nhận được một khoản tiền tí tẹo như thế.
Dồn nén trong nước mắt của cô giáo Lan không chỉ là nỗi lo mưu sinh sau khi về hưu, chồng già yếu, mù một mắt, mất sức lao động và các con cũng túng thiếu... mà còn chứa đựng trong đó nỗi uất ức của thân phận "con sâu, cái kiến".
Đồng lương hưu đó chắc hẳn đều được tính đúng với quy định, quy trình, chế độ, chính sách, nhưng có điều gì đó mà tất cả chúng ta đều thấy không ổn, mà như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu ở hành lang Quốc hội sáng 30-10 rằng như thế là "bất hợp lý" và thấy "rất trăn trở".
Phải nhìn thẳng vào một thực tế rằng ở nước ta đang tồn tại một hệ thống trả lương không công bằng giữa các ngành nghề được nhận lương từ ngân sách nhà nước. Vẫn biết nước nghèo thì dân phải chịu, nhưng không phải vì nghèo mà sinh ra phân biệt đối xử.
Trong khi có những nơi hưởng lương rất cao như lực lượng vũ trang, ngân hàng, các vị trí quản lý cấp cao... thì có một số ngành nghề lương rất thấp, trong đó có giáo dục, hành chính sự nghiệp.
Đành rằng có những nghề được coi là đặc thù, đặc biệt cần được đãi ngộ nhưng sự chênh lệch nhau gấp vài ba lần như thế là quá lớn.
Người viết bài cam đoan rằng một phó giáo sư, giảng viên cao cấp với thâm niên khoảng 20 năm, không làm lãnh đạo thì tất tật các khoản thu nhập chính thức trên bảng lương một năm chỉ bằng 1/3 số tiền mà Chính phủ nuôi một xe công như Bộ Tài chính cho biết (mỗi năm chi 320 triệu đồng để vận hành một xe công). Vậy ra nuôi một xe công bằng nuôi ba ông giáo sư đại học!
Nhìn ra các nước mới thấy họ quan niệm những nghề đặc biệt là những nghề mang lại những giá trị xã hội cao, trong đó có nghề thầy giáo.
Xem ra những nước trả lương cho nghề giáo cao như Luxembourg (137.000 USD - hơn 3 tỉ đồng/năm cho giáo viên tiểu học), Phần Lan (lương giáo viên tiểu học là 3.500 euro/tháng, tương đương 92 triệu đồng), Đức, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc... đều là những nước cực kỳ giàu có, chả biết là vì họ giàu mới trả lương cho các thầy cô cao ngất ngưởng hay các thầy cô nhờ lương cao mà góp phần quan trọng (theo họ là quan trọng nhất) làm cho các quốc gia này trở nên thịnh vượng.
Còn nhớ cách nay 60 - 70 năm, làng quê Bắc Bộ thời ấy nghèo lắm, nhưng được cái làng nghèo nhưng thầy và gia đình thầy không bao giờ đứt bữa bởi làng nào cũng dành ra một vài mảnh ruộng tốt nhất gọi là học điền.
Ruộng làng được mọi người cấy hái, lợi tức dành để nuôi thầy và khuyến học cho con trẻ. Chính vì thế mà các thầy ngày xưa được cả làng trọng vọng không chỉ vì là người hay chữ mà còn cả cái tư thế nữa.
Hình như ở trường nào cũng thấy có câu "Lương sư hưng quốc", nhưng đãi ngộ lương sư như thế thì làm sao hưng quốc đây?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận