24/09/2019 12:59 GMT+7

Đường đến giảng đường chông gai của Ngọc 'già'

A LỘC
A LỘC

TTO - Gia cảnh khó khăn, phải làm thêm 2 công việc cùng lúc để trang trải cuộc sống. Thế nhưng kết quả học tập của em khiến nhiều người phải thán phục với số điểm trung bình 2 học kỳ lần lượt là 8,98 và 9,64.

Đường đến giảng đường chông gai của Ngọc già - Ảnh 1.

Những ngày không đi làm, Mai Ngọc luôn cố gắng tận dụng thời gian học tập trong thư viện - Ảnh: A LỘC

Đó là trường hợp của Phạm Thị Mai Ngọc (19 tuổi, ngụ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) - sinh viên năm 2, ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Lạc Hồng (TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Già trước tuổi

Ông Phạm Phúc Cường (51 tuổi, ba Ngọc) là giáo viên tiểu học ở ngôi trường làng. Căn bệnh suyễn khiến ông phải "sống chung" với các loại thuốc từ nhỏ. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Gấm (48 tuổi, mẹ Ngọc) bị bệnh cao huyết áp rất nặng, chỉ cần vận động mạnh cũng có thể khiến bệnh tái phát. Bà chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, việc kiếm tiền đặt hết lên vai ông Cường.

Đồng lương giáo viên của ông Cường vốn đã khiêm tốn lại càng thêm eo hẹp vì các khoản khám chữa bệnh, đi lại, thuốc men của hai vợ chồng. Khoảng 5 năm trở lại đây, bệnh tình của ông Cường trở nặng, phải nhờ đến trợ giúp của máy thở để duy trì sức khỏe, kinh tế gia đình càng khốn đốn.

Với Ngọc, được đến trường đã là hạnh phúc lớn lao. Gian khó đã tôi luyện Ngọc thêm bản lĩnh, ý chí vươn lên trong học tập. Ngọc tự nhận mình "già trước tuổi" so với bạn đồng trang lứa.

Ngọc bộc bạch: "Lúc nhỏ xíu em đã nhận thức được gia đình khó khăn, ba mẹ không thể cho em mọi thứ, nên em phải cố gắng hơn. Em luôn học hỏi kia để vươn lên từng chút một".

Quyết làm thêm để kiếm tiền

Những tháng đầu tiên đi học xa nhà, do còn lạ lẫm, Ngọc được ba mẹ chu cấp chi phí sinh hoạt, học phí, tiền ăn, ở trong kí túc xá... Đó là tiền ba mẹ em vay mượn người quen và vay tiền hỗ trợ sinh viên.

Sau đó, dù ba mẹ không đồng ý, Ngọc vẫn quyết tâm tìm việc làm thêm để kiếm tiền, tự lo cho bản thân.

Đường đến giảng đường chông gai của Ngọc già - Ảnh 2.

Mai Ngọc nghiên cứu cây trồng thủy canh phục vụ cho dự án khởi nghiệp - Ảnh: A LỘC

Ngọc đã làm nhiều công việc, từ phục vụ nhà hàng đến nhân viên bán quần áo, trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ, tiếp thị bán ổ khóa trên mạng... Có thời điểm, Ngọc làm 2 việc để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhiều đêm thức ôn bài, Ngọc chỉ còn 3-4 tiếng để ngủ.

"Lúc đó áp lực dữ lắm, em bị stress nặng. Mẹ trở bệnh, nằm viện; quản lý nhà hàng gây áp lực, rồi chuyện học hành nữa. Khi đó em chỉ muốn nghỉ học, nhưng nghĩ lại lời dặn của ba em nên em thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn rồi từ từ cũng vượt qua được", Ngọc nhớ lại.

Để không tốn nhiều thời gian học và ôn thi, Ngọc chọn giải pháp tập trung, nắm bắt tốt nhất bài học ngay trên giảng đường. Thời gian rảnh, Ngọc tranh thủ lên thư việc đọc sách hoặc lên mạng đọc tài liệu. Cách học này đã giúp Ngọc đạt được kết quả tốt và được nhà trường hỗ trợ 30% học phí học kì 1 (11 triệu đồng/ học kỳ) năm học qua.

Chia sẻ về lý do chọn ngành công nghệ thông tin, Ngọc cho biết không thích những ngành "nhàm chán", có tính lặp lại, mà hứng thú với những trải nghiệm mới mẻ, thay đổi từng ngày. Ngành công nghệ thông tin đáp ứng được điều đó. Trong đó, Ngọc đặc biệt yêu thích sáng tạo phần mềm cũng như tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI).

Mới đây, dự án Smart garden - hệ thống chăm sóc vườn cây thông minh - của Ngọc cùng 2 bạn khác đã lọt top 5 cuộc di dự án khởi nghiệp của trường. Dự kiến, vòng chung kết diễn ra vào tháng 10.

Tuy vậy, Ngọc cho rằng đó chỉ là bước khởi đầu. Trước mắt, Ngọc vẫn ưu tiên chọn công việc làm thêm phù hợp với ngành học để vừa kiếm tiền lo cho 3 năm học còn lại vừa trau dồi thêm kĩ năng cho tương lai.

Nói về dự định của mình, cô nữ sinh cho biết: "Ngoài đi làm thêm, em đang tìm kiếm, đăng ký xin các khoản học bổng phù hợp để có thêm tiền trang trải việc học. Em đang nuôi dự định dành một khoản tiền để ba đi mổ cườm mắt. Em biết còn nhiều khó khăn đang đợi phía trước, nhưng em sẽ không bỏ cuộc".

"Mong ước của em là ra trường với tấm bằng tốt nhất rồi tìm việc làm, cố gắng phụ giúp ba mẹ sau này. Chị hai em học trên TP.HCM rồi lấy chồng ở trên đó, nên em tính không kết hôn, ở vậy để chăm sóc ba mẹ. Với em, chăm sóc ba mẹ là hạnh phúc rồi", Mai Ngọc bộc bạch.

Trao 65 suất học bổng "Chắp cánh ước mơ" 2019

Nhằm hỗ trợ kịp thời các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và sinh viên vùng Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa cùng phối hợp tổ chức trao 65 suất học bổng Chắp cánh ước mơ 2019.

Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tài trợ 500 triệu đồng trao 65 suất học bổng cho học sinh - sinh viên thuộc địa bàn 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có 30 học bổng dành cho sinh viên năm 1, năm 2 (mỗi tỉnh thành 5 học bổng).

Riêng tỉnh Đồng Nai có 30 học bổng cho học sinh và 5 học bổng cho sinh viên. Mỗi học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng, sinh viên là 10 triệu đồng. Lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ 2019 sẽ tổ chức tại Trường Đại học Đồng Nai vào ngày 25-9-2019.

Nữ sinh đảm đang quyết học giỏi để giúp mẹ chữa bệnh Nữ sinh đảm đang quyết học giỏi để giúp mẹ chữa bệnh

TTO - Hồ Thị Mai Anh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) dễ dàng gây ấn tượng với người đối diện với vẻ lanh lẹ, hay cười và học rất giỏi.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên