Xe
14/03/2024 14:30 GMT+7

Đường cao tốc không có đèn chưa hẳn không an toàn cho ô tô

Vụ tai nạn trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối 10-3 đã dẫn đến tranh luận gay gắt về việc không có đèn đường trong khi xe được chạy tốc độ cao. Nhưng có phải đó là câu chuyện của riêng Việt Nam?

Đường cao tốc không có đèn chưa hẳn không an toàn cho ô tô- Ảnh 1.

Chính quyền Anh thừa nhận đã tắt bớt nhiều đèn đường và khẳng định không gây ảnh hưởng đến việc đi lại - Ảnh: Daily Mail

Nhiều người lái xe trên đường cao tốc vào buổi tối, chỉ nhìn thấy màn đêm xung quanh. Ánh sáng chủ yếu trên đường chỉ đến từ đèn các phương tiện qua lại và thiết bị phản quang. Điều đó khiến nhiều tài xế, đặc biệt những người mới đi cao tốc, cảm thấy thiếu an tâm.

Tuy nhiên, nhìn chung rất nhiều đường cao tốc trên thế giới không có đèn. Cơ quan Đường cao tốc Anh thừa nhận: hệ thống chiếu sáng chỉ được phủ sóng khoảng 40-50% đường cao tốc.

Các chuyên gia về ánh sáng và quy hoạch như công ty thiết bị ánh sáng giao thông/đô thị Lighting, EXC-LED Technology (Trung Quốc), Wonderful (Thái Lan)... đã tiết lộ một vài lý do chủ yếu. Những lý giải từ phía doanh nghiệp này cũng được củng cố trong câu trả lời của Cơ quan Đường cao tốc Anh khi giải đáp trực tuyến thắc mắc của người dân lý do tại sao bài đăng về việc không có đèn đường bị xóa.

Đèn đường không hẳn vì ô tô

Đường cao tốc vốn không cho phép người đi bộ và xe thô sơ đi vào nên có thể nói, trừ một vài khu vực đặc biệt, không có "vùng cấm" với các xe đi qua.

Nhiều người cho rằng đèn đường để cho mọi thành phần tham gia giao thông di chuyển an toàn và thuận tiện.

Đèn đường nhằm bảo vệ những người "không đèn" như người đi bộ, xe đạp - Ảnh: VeryWell Fit

Đèn đường nhằm bảo vệ những người "không đèn" như người đi bộ, xe đạp - Ảnh: VeryWell Fit

Thực tế không hẳn vậy. Việc lắp đặt đèn đường chủ yếu vì sự an toàn và thuận tiện của người đi bộ và xe thô sơ. Trong khi đó, ô tô và xe máy có đèn chiếu xa/chiếu gần đủ dùng. Về cơ bản, những xe này không thực sự cần đèn đường.

Do đó, trên đường cao tốc - nơi cấm người đi bộ và xe thô sơ và không nhiều đoạn giao cắt, việc lắp đặt đèn đường được xem là không cần thiết và tốn kém chi phí.

Ngoài ra, mặt đường cao tốc thường bằng phẳng, hiếm khi có ổ gà, chất lượng đường tốt (để xe chạy nhanh và tải trọng lớn). Do đó, hệ số an toàn đường cao tốc cao hơn. Tất nhiên, điều này sẽ không còn đúng ở những nơi đường bị xuống cấp và không được bảo trì thường xuyên.

Đèn đường khiến đường cao tốc bớt an toàn?

Đèn đường đôi khi cũng trở nên nguy hiểm - Ảnh: Quartz

Đèn đường đôi khi cũng trở nên nguy hiểm - Ảnh: Quartz

Đáng chú ý, lắp đèn đường trên đường cao tốc không hề an toàn và thuận tiện hơn cho người lái xe.

Ánh sáng đèn đường không liên tục và không đồng đều. Với người điều khiển tốc độ cao, sự xen kẽ giữa ánh sáng và bóng tối/bóng râm liên tục có thể gây ra "lỗi thị" hay ảo giác. Ngoài ra, đèn đường có thể khiến mắt nhanh mỏi và bị "quáng gà", do ánh sáng kém và phân tán.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, chính công nghệ phát triển lại khiến hiện tượng trên trở nên nghiêm trọng hơn. Bóng LED sáng hơn thông thường đang được ưu ái sử dụng thực tế không khác gì đèn pha.

Khi ánh sáng trong môi trường không đủ, ánh sáng từ đèn xe và thiết bị phản quang về cơ bản là đủ cho tài xế.

Tiết kiệm chi phí

VIệc không có đèn đường đôi khi vì lý do tài chính - Ảnh: Motor1

VIệc không có đèn đường đôi khi vì lý do tài chính - Ảnh: Motor1

Tất nhiên, không phải đèn đường chỉ có hại. Đó là lý do chúng vẫn tồn tại. Vấn đề là để đèn đường ít gây hại nhất, cần duy trì độ sáng phù hợp trên suốt cả chiều dài con đường.

Khoảng cách cột đèn áp dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới là 25-50m cho đường lớn và 15-20m cho đường nhỏ. Đường cao tốc thường kéo rất dài, do đó đòi hỏi một lượng đèn cực kỳ lớn. Trong khi đó, lượng lưu thông trên cao tốc không dày như ở đô thị. Điều này khiến việc lắp đặt đèn đường cho một lượng nhỏ xe vừa tốn tiền bạc vừa lãng phí điện.

Bên cạnh đó, việc cao tốc thường chạy qua những khu dân cư thưa thớt, thậm chí không có người ở, việc quản lý đèn đường cũng là bài toán đau đầu với các nhà quản lý.

Theo Cơ quan Cơ sở hạ tầng giao thông Ireland (TII), mỗi giao lộ không đèn giúp tiết kiệm 11.000 euro (297 triệu đồng). Ireland đã tiến hành bỏ bớt đèn giao thông (bao gồm cả trên cao tốc) trong cả thập kỷ qua với những lý do tài chính, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời khẳng định việc này còn giúp các tài xế tránh đâm nhầm vào cột đèn hơn.

Đường cao tốc không phải luôn tối

Các cao tốc ở Dubai thường sáng đèn - Ảnh: The National

Các cao tốc ở Dubai thường sáng đèn - Ảnh: The National

Thực tế, không phải 100% đường cao tốc không có đèn đường. Điều đó tùy thuộc vào chính sách từng quốc gia, từng địa phương, cách quy hoạch, mức độ đầu tư và lượng người sử dụng.

Chẳng hạn, với cao tốc liên bang mật độ sử dụng lớn, đèn đường thường được trang bị tương đối đầy đủ. Những đoạn đường dễ xảy ra tai nạn cũng thường được chú ý chiếu sáng hơn.

Một số quốc gia như Bỉ và Tiểu vương quốc Abu Dhabi ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có đường cao tốc gần như luôn được bao phủ trong ánh sáng. Đặc biệt, điểm chung của những quốc gia này là giàu có và diện tích tương đối nhỏ.

Đôi khi đường cao tốc không có đèn chỉ đơn giản vì… không có ai sửa chữa. Kênh CBS của Mỹ từng đưa tin xa lộ Interstate 93 bị chìm trong bóng đêm trong một khoảng thời gian rất dài. Bất chấp nhiều lời phàn nàn, đèn không được sửa chữa.

Hay như trong phần trả lời của Cơ quan Đường cao tốc Anh, họ thừa nhận có bỏ bớt đèn đường trong nhiều năm qua. Nhưng họ khẳng định những địa điểm bị loại bỏ được xác định khá an toàn. Họ đã thử nghiệm và thấy việc bỏ đèn không khiến con đường trở nên nguy hiểm hơn.

‘Cao tốc Cam Lộ - La Sơn không có đèn khác nào cái bẫy’‘Cao tốc Cam Lộ - La Sơn không có đèn khác nào cái bẫy’

Đó là lời than phiền về sự nguy hiểm khi di chuyển ban đêm của cánh tài xế lái xe đường dài thường chạy dọc tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên