02/03/2022 10:53 GMT+7

Dưới đạn bom là khát khao hòa bình

TRƯƠNG ANH NGỌC
TRƯƠNG ANH NGỌC

TTO - Đối với nhiều người châu Âu, bom rơi đạn nổ, cảnh tàn phá và biết bao người thiệt mạng và ly tán trên lục địa ấy vào đầu thế kỷ 21 này là điều không thể tưởng tượng được.

Chính tôi, vài năm trước, trong những hành trình dọc ngang châu Âu, từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc, cũng chưa từng có ý nghĩ rằng một lúc nào đó điều ấy sẽ xảy ra, dù đã luôn biết đến những nguy cơ và những vấn đề tiềm ẩn có thể dẫn đến xung đột.

Mảnh đất rộng lớn và là một trong những trung tâm lớn nhất về văn minh, văn hóa và những phát kiến lớn và cũng từng là chiến trường đẫm máu của những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất loài người, trong đó có hai cuộc đại chiến thế giới, mới chỉ được bình yên kể từ năm 1945. 

Sự kết nối của các quốc gia trong một thị trường chung, đồng tiền chung, hiệp định đi lại tự do chính là một ý tưởng tuyệt diệu về sự chung sống trong hòa bình. 

Nhưng những biến động chính trị thời hậu chiến tranh lạnh trên chính lục địa chứng kiến sự đối đầu giữa hai khối đối địch vẫn dẫn đến những sự phân mảnh và hậu quả là đổ máu tiếp tục trong những cuộc xung đột khác ở vùng rìa của nó. Balkans đã chứng kiến những điều ấy, và bây giờ là Ukraine.

Người ta sẽ còn nói đến những xung đột ấy lâu nữa, phân tích tại sao chiến trường đã chuyển từ trung tâm châu Âu trước kia (nước Đức) để đến vùng giáp ranh giữa Âu và Á như hiện tại. 

Nhưng không phải để đào sâu những mâu thuẫn vốn luôn có trong suốt chiều dài lịch sử của châu lục này do những tham vọng đế quốc và những xung đột giữa các tôn giáo, mà là để tìm kiếm một cơ hội nhằm có được một nền hòa bình bền vững ở một châu lục tưởng như văn minh nhất, phát triển nhất và hiện đại bậc nhất. 

Bom rơi đạn nổ ở Ukraine chính là một lời nhắc nhở rằng người ta chưa gạt đi được những ám ảnh đối đầu từ thời chiến tranh lạnh. Hòa bình đã có ở vùng lõi của châu Âu từ nhiều thập niên, nhưng những cuộc khủng bố gần nhất lại đem đến một cảm giác khác: chiến tranh vẫn ẩn náu dưới nhiều dạng thức và nhiều lý do.

Người châu Âu hiểu quá rõ giá trị của hòa bình và trân trọng những giây phút bình yên. Tôi chưa bao giờ quên những lời của người bồi bàn trong một quán cà phê Paris rất gần nhà hát Bataclan - nơi 130 thanh thiếu niên đã bị khủng bố giết chết vào tháng 11-2015. Anh may mắn sống sót vì đêm đó không có ca trực. 

"Sau tất cả những gì xảy ra, tôi chợt nhận ra cuộc sống này thật có ý nghĩa và phải cố gắng không để nó trôi đi mà không đọng lại điều gì". 

Tôi cũng nhớ những người trẻ Kiev đã háo hức nuốt từng lời ca của Elton John và ban nhạc Queen trong concert ở quảng trường Maidan vào một đêm hè 2012, hai năm trước khi xảy ra những biến động chính trị lớn lao ở Ukraine cũng bắt đầu từ chính quảng trường ấy. 

Một cô gái còn rất trẻ nói với tôi: "Chúng tôi khao khát hạnh phúc và thịnh vượng. Chúng tôi muốn giàu sang và tự do".

Mưu cầu hạnh phúc là điều chính đáng mà mọi dân tộc đã và đang hướng tới, và bom đạn đôi khi trở thành công cụ để giải quyết những mâu thuẫn lớn lao khi những xung đột về quyền lợi bị đẩy đến mức cao nhất. 

Cái giá của những cuộc xung đột ấy quá lớn không có nghĩa là người ta sẽ chấp nhận nó mà không ngừng mơ ước về hòa bình. 

Đạn bom ở Ukraine, ở Yemen, ở những vùng xung đột nhiều nơi trên thế giới sẽ có lúc nào đó lắng xuống hoặc tạm ngừng, và trên những mảnh đất mà máu đã đổ xuống ấy chưa bao giờ chết đi khát vọng hòa bình và hành trình tìm kiếm các cơ chế để ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh.

Khi viết những dòng này, tôi nhận được tin nhắn của một phụ nữ Việt Nam sống ở Kiev đang trên đường rời khỏi nhà cô để chạy nạn về phía Ba Lan - một quốc gia hòa bình nhưng cũng đã trải qua rất nhiều cuộc chia tách đau đớn về lãnh thổ và nhiều triệu người đã ngã xuống trong chiến tranh: 

"Em không dám nghĩ một đất nước văn minh giữa lòng châu Âu của thế kỷ 21 mà người người nhà nhà phải chạy sơ tán ly hương vì bom đạn anh ạ! Nước mắt đã rơi".

Thế giới hãy làm tất cả để cuộc chiến ở Ukraine và những nơi khác trên Trái đất chấm dứt. Cầu an bình cho cô cùng gia đình cùng biết bao người khác sống dưới bom đạn và trong những nỗi đe dọa xung đột thường trực được bình an.

Nga - Ukraine đàm phán trở lại vào ngày 2-3 Nga - Ukraine đàm phán trở lại vào ngày 2-3

TTO - Truyền thông Nga và Ukraine dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ vòng 2 cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ bắt đầu vào ngày 2-3 tại Belarus. Phía Ukraine giữ yêu cầu ký thỏa thuận ngừng bắn và Nga rút quân về nước.

TRƯƠNG ANH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên