Trong một lần ra Hà Nội để mở rộng kinh doanh, V. gặp Tùng, cả hai nảy sinh tình cảm và lập tức nhận ra đó là một nửa của nhau.
Kỳ 1: Giữa hai mảng sáng - tối Kỳ 2: Hành trình đơn độc
Phóng to |
Hạnh phúc giản dị của Huy và bạn đời tại nhà riêng ở đường Cao Thắng (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa |
Sau một thời gian tìm hiểu, Tùng dọn vào TP.HCM với V., cả hai mua một căn nhà để sống chung. Cuộc sống của họ cũng giống như cuộc sống của bất cứ gia đình dị tính nào.
Mỗi sáng, Tùng dậy sớm pha cà phê cho cả hai người. Anh luôn pha cho V. phần nhiều để V. mang theo uống trên ôtô. Mỗi trưa họ điện thoại hoặc chat với nhau xem hôm nay ăn gì, ai về sớm thì đi chợ, làm công việc nhà. Mỗi tối, họ cũng giành nhau chiếc điều khiển tivi để xem chương trình yêu thích...
Hạnh phúc khuyết
V. bảo mình quá may mắn khi gặp được Tùng - người mà V. luôn coi là tri kỷ. May mắn hơn, V. và Tùng có điều kiện mua nhà sống cùng nhau. “Cuộc sống như thế là hạnh phúc rồi, nhưng để nói là viên mãn thì chưa phải”- V. ngậm ngùi nói.
V. kể có một lần mẹ Tùng từ Hà Nội vào TP.HCM chơi. Mẹ V. vì thương con nên mời mẹ Tùng đến nhà đãi cơm, muốn hai gia đình tạo dựng mối quan hệ. Thế nhưng trong bữa cơm ấy, cha của V. tìm lý do để vắng mặt. Và bữa cơm đó trở nên gượng gạo, dù mọi người đã tỏ ra tự nhiên. “Mình biết hai gia đình chưa thật sự thoải mái, thế nên không gây áp lực cho cả hai bên làm gì”- V. chia sẻ.
Giọng V. chùng xuống khi nói đến tương lai: “Bây giờ tôi đã ở độ tuổi trung niên, ở tuổi tôi ai cũng muốn cuộc sống không còn bề bộn. Pháp luật chưa công nhận nên mình chưa thể biết được các cặp đồng tính sẽ sống với nhau như thế nào khi về già”.
Nói về thái độ của gia đình với việc hai người sống chung, Tùng tâm sự: “Chuyện tình cảm của tôi và V. giống như việc có con voi giữa nhà nhưng ai cũng giả vờ làm ngơ không thấy. Tôi nghĩ đó là thiệt thòi của các bạn đồng tính khi không được gia đình chấp nhận, không được sống trong sự chúc phúc của bạn bè, người thân. Tôi thường nói đùa với mẹ rằng hai đứa bọn con thua thiệt quá, cứ lẳng lặng về ở với nhau, không được làm đám cưới, không có hồi môn, không có lời chúc phúc. Mẹ cũng đùa lại bảo hai đứa bay làm đám cưới đi. Nói thế thôi, chứ tôi biết rằng cả hai bên gia đình chưa thật sự thoải mái”.
Với anh Nguyễn Lê Đức Huy (30 tuổi) và Trần Hoàng Dương (25 tuổi) thì hạnh phúc trọn vẹn hơn khi cả hai được sống cùng mẹ của Dương tại nhà số 36/7 Cao Thắng (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Mẹ Dương không bắt con mình phải lập gia đình, sinh con nối dõi tông đường như những người khác. Bằng sự bao dung của một người mẹ, bà Lý Thanh Vân (mẹ Dương) chấp nhận hết những gì thuộc về con mình chỉ với suy nghĩ “ở đâu có tình yêu thương thì ở đó là một gia đình”.
Dù có sự chấp thuận của gia đình nhưng cuộc sống chung không được pháp luật công nhận đã mang đến cho Huy và Dương rất nhiều lo lắng.
“Tôi làm cho một công ty nước ngoài, công ty có những phúc lợi mà bạn đời của tôi không được hưởng. Tôi không được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho Dương. Công ty tổ chức đi du lịch cho nhân viên, các nhân viên khác được mang gia đình đi cùng, bọn tôi thì không thể. Khi đóng thuế, tôi không được giảm trừ gia cảnh mà vẫn phải đóng mức dành cho người độc thân. Có lần tôi bị dị ứng thuốc phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Vũ Anh, vậy mà Dương và mẹ không được ký giấy, và khi đó dù rất mệt nhưng tôi phải gắng lết ra để ký giấy và làm các thủ tục” - Huy chia sẻ.
Dự định mới nhất của Huy và Dương là gom tiền để mua nhà. Thế nhưng “với mức lương của một mình tôi thì không đủ để thế chấp vay ngân hàng. Nếu hai người cùng mua, tôi đứng tên một mình nhưng khi tôi mất thì không biết tài sản sẽ xử lý thế nào”- Huy trăn trở.
Lo lắng, nhưng Huy và Dương vẫn hi vọng một ngày nào đó pháp luật sẽ công nhận cuộc hôn nhân của họ. Huy bảo dù công nhận hay không, họ vẫn có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó chưa thật sự trọn vẹn.
Phóng to |
Yến (trái) và Hương chia sẻ tại một buổi hội thảo ở Hà Nội vì quyền của nhóm LGBT - Ảnh: T.Lụa |
Mong một ngày...
Nguyễn Hải Yến là giám đốc dự án của Trung tâm ICS (một tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Từ ngày Hương (bạn gái Yến) nhận ra giới tính thật của mình thì cuộc hôn nhân của Hương tan vỡ. Hương và con gái chuyển vào Sài Gòn sống chung với Yến trong một chung cư nhỏ.
Sáng dậy sớm, người đi chợ, người đưa con đi học, chiều ai về sớm thì đi đón con. Mối quan tâm, trăn trở lớn nhất của Hương và Yến bây giờ không phải là sự kỳ thị của mọi người dành cho mối quan hệ của họ, mà là làm thế nào để con gái họ được sống trong môi trường tốt nhất.
Yến vẫn thường gọi con gái của Hương bằng cái tên thân thương là Thịt Nướng. Ngày đầu tiên Yến đón Thịt Nướng vào TP.HCM, bé nhìn “bạn cùng phòng” lạ hoắc của mẹ và nói: “Con ghét người này”.
Thỉnh thoảng Thịt Nướng lén nhìn Yến lại nói với mẹ: “Người gì đâu mà xấu, chân thì ngắn, mặt thì đen”. Khi sống chung với hai mẹ, cảm nhận được tình thương yêu của hai mẹ dành cho nhau, Thịt Nướng thường tỏ ra khó chịu và nói: “Hai người không được yêu nhau, con gái thì phải yêu con trai chứ”.
Bây giờ sau khi sống với nhau được gần một năm, Thịt Nướng đã yêu và không nỡ rời mẹ Yến nửa bước. Thịt Nướng thường khóc thút thít khi mẹ Yến đi công tác xa.
Mỗi đêm, trước khi Yến đi công tác, Thịt Nướng thường ôm mẹ Yến thủ thỉ:“Mẹ Yến đừng đi lâu quá nhé!”. Ở lớp học mẫu giáo, Thịt Nướng tự hào nói với các bạn: “Nhà tớ có hai mẹ” và thường kéo mẹ Yến đến khoe với các bạn ở lớp mỗi lần Yến đến đón.
Trên Facebook của mình, Yến viết những dòng nghẹn ngào về tình yêu thương dành cho Hương và Thịt Nướng. Chị biết mình là chỗ dựa duy nhất cho con và bạn đời giữa Sài Gòn phồn hoa. Một chỗ dựa với đầy tình yêu thương, lo lắng và trách nhiệm. Yến đi đâu cũng mong về nhà thật sớm vì có con gái và bạn đời ngóng chờ.
“Tôi thường ướm hỏi con rằng hai mẹ cưới nhau thì có được không, ngay tức thì Thịt Nướng gật đầu và bảo sẽ oánh người nào ngăn hai mẹ cưới nhau”- Yến tự hào khi nhắc về con của bạn gái với đôi mắt rạng rỡ.
Thế nhưng cả Yến và Hương đều trầm giọng khi nhắc về tương lai của con. Yến bảo không biết phải làm sao khi con lớn lên mà bị bạn bè trêu nhà có hai mẹ mà không có bố.
Yến và Hương nâng niu, giữ gìn từng chút một, sợ sẽ bị tước mất quyền nuôi con. Trước đây Hương hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông kể về câu chuyện của mình để ủng hộ quyền của người đồng tính, nhưng giờ vì sợ ảnh hưởng đến con, Hương thường phải thu mình lại.
“Môi trường tốt nhất cho con không chỉ chúng tôi tạo ra mà còn phụ thuộc xã hội. Thế nên chúng tôi rất mong nhận được sự công nhận của mọi người để chúng tôi yên tâm nuôi con. Chúng tôi là một gia đình chứ không phải chỉ là những người bạn cùng phòng” - Yến chia sẻ.
_____________
Kỳ tới: Chuyện các mẹ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận