09/09/2017 11:57 GMT+7

Đừng xem thường người tiêu dùng

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Ai cũng biết tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ... trong sản xuất nông nghiệp.

Đừng xem thường người tiêu dùng - Ảnh 1.

Thế nhưng từ bao năm qua, bất chấp cảnh báo, báo động, chuyện bất thường trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn trở thành bình thường không chỉ với nông dân, người kinh doanh mặt hàng này mà cả ngành nông nghiệp.

Ngược lại, với người tiêu dùng, họ đã chọn một thái độ rất rõ ràng: từ lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe đã chuyển sang nói không với thực phẩm bẩn, với sản xuất bẩn, độc hại.

Thế nhưng, phản ứng của người tiêu dùng có lẽ cũng chưa đủ để cảnh tỉnh những người mải mê lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Còn cơ quan quản lý nhà nước chưa quyết liệt loại bỏ các sản phẩm mà thế giới đã cảnh báo là không an toàn. 

Chính quá trình thâm canh, tăng vụ, chạy đua năng suất, chạy theo lợi nhuận ngắn hạn trước mắt là những nguyên nhân khiến người nông dân lệ thuộc ngày càng nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Một nền nông nghiệp chạy theo sản lượng, cộng với một mạng lưới sản xuất và phân phối thuốc trừ sâu có mặt rộng khắp hang cùng ngõ hẻm đã cuốn người nông dân vào vòng xoáy không có lối ra.

Với người nông dân, chuyện phun, xịt thuốc với tần suất dày đặc đã trở thành "thói quen" tới mức không làm không được vì ai cũng sợ mình làm khác sẽ khó bán được nông sản. Hậu quả của việc chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng là nông sản của Việt Nam lâu nay làm ra nhiều nhưng giá trị thấp.

Thế nhưng, người tiêu dùng luôn có quyền lực tối thượng và thị trường sẽ quyết định sự tồn tại của nhà sản xuất, buộc nhà sản xuất phải điều chỉnh, đưa ra những sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng. 

Lúc này, nhiều người tiêu dùng đã nói đến "thực phẩm nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi", nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch đã ra đời, và mới đây là thực phẩm hữu cơ (organic - hiểu đơn giản là thực phẩm không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học). Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, vậy mà sản xuất nông nghiệp vẫn loanh quanh với thói quen "không xịt thuốc không được".

Trên thực tế, rất nhiều nhà nông khi làm hàng xuất khẩu cũng đã phải chiều lòng người tiêu dùng, khi tuân thủ quy trình sản xuất sạch, dù có khó, có khổ, tốn kém thêm chi phí. Nhưng đổi lại hàng hóa của họ mới vượt qua những hàng rào kiểm tra ngặt nghèo của các nước nhập khẩu. 

Những người này quá hiểu hậu quả của những cảnh báo hàng không an toàn, bị trả hàng, cấm nhập vì sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sạch là thua lỗ, mất thị trường, phá sản...

Cũng không có chuyện người tiêu dùng trong nước dễ tính mãi. Nếu nhà sản xuất không từ bỏ thói quen "không xịt không được", đến lúc nào đó người tiêu dùng cũng sẽ quay lưng với những sản phẩm này, hậu quả là nhà sản xuất lãnh đủ.

Bỏ thói quen "không xịt không được" là cuộc chuyển mình đau đớn nhưng không thể không làm bởi nông nghiệp Việt Nam sẽ bị bỏ lại khi người tiêu dùng trên thế giới đã và đang tiêu thụ nông sản sạch và hướng tới các sản phẩm tự nhiên. Đó là cuộc đào thải hợp lý và không ai là ngoại lệ. 

Để người nông dân không bị bỏ rơi trong cuộc đào thải này, trách nhiệm chính thuộc về ngành nông nghiệp, phải nhanh chóng giúp nông dân hình thành thói quen "không xịt cũng được". Càng chậm trễ, cái giá phải trả càng đắt cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên