14/12/2016 09:40 GMT+7

Đừng tính quá kỹ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Luật thuế TNCN có hiệu lực từ 1-1-2009 quy định người nộp thuế bị mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được xét miễn giảm thuế nhưng trong quá trình áp dụng vẫn gặp khó khăn.

Mặc dù đã áp dụng gần 8 năm, trải qua nhiều lần sửa đổi từ luật đến nghị định, thông tư và vài chục văn bản hướng dẫn nhưng Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn còn quá nhiều điểm bất hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn, khiến người nộp thuế luôn có cảm giác mình ở thế bị xử ép, bị thiệt thòi.

Luật thuế TNCN có hiệu lực từ 1-1-2009 quy định người nộp thuế bị mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được xét miễn giảm thuế.

Thế nhưng trong quá trình áp dụng vẫn gặp khó khăn vì có những bệnh dù “không chữa thì chết” nhưng lại không có trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo như Bộ Tài chính ban hành.

Trường hợp nếu có nằm trong danh mục bệnh hiểm nghèo thì số tiền được hưởng cũng chẳng là bao do quy định quá “khôn khéo” của cơ quan thuế.

Cụ thể, quy định chỉ cho giảm trừ với số tiền không vượt quá số thuế phải nộp của năm đó và chỉ tính trong năm, không chuyển tiếp sang năm sau.

Trong khi đó, người bị bệnh hiểm nghèo thường không còn khả năng lao động nên không có thu nhập hoặc thu nhập của năm bị bệnh chẳng đáng là bao.

Chẳng ai muốn mắc bệnh hiểm nghèo để được giảm thuế và số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo cũng không phải quá nhiều.

Tại sao cơ quan thuế không nghĩ thoáng hơn khi cho phép người nộp thuế được trừ tiếp số tiền điều trị vào số thuế năm sau, nếu số tiền mà người nộp thuế phải bỏ ra để điều trị vượt quá số tiền thuế TNCN phải nộp trong năm?

Trong nhiều trường hợp, số tiền này có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động không may mắc các bệnh hiểm nghèo, giúp họ có thể vượt qua thời khắc khó khăn và an tâm điều trị.

Nhìn rộng ra, cũng còn rất nhiều quy định khác trong Luật thuế TNCN đang được ban hành theo hướng có lợi cho cơ quan thuế, trong khi lại gây khó cho người nộp thuế.

Như quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc, dù đã được sửa đổi từ tháng 7-2013 nhưng cơ quan thuế chỉ cào bằng một mức cho tất cả vùng miền dù mức sống của các địa phương khác nhau.

Tất nhiên quy định một mức như vậy là nhằm thuận lợi trong việc điều tiết giữa các địa phương nhưng chính sách thuế trên hết phải công bằng, tránh trường hợp người nộp thuế ở những địa phương có đóng góp ngân sách lớn lại bị “khai thác” đến cạn kiệt.

Hay như quy định dưới 100 triệu đồng/năm hộ kinh doanh không phải nộp thuế, nhưng nếu có thu nhập trên 100 triệu thì phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu và không được tính giảm trừ gia cảnh cũng rất bất công cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Mặt khác, mức 100 triệu đồng/năm tính ra chỉ hơn 8,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức khởi điểm chịu thuế TNCN và không khả thi đối với các đô thị lớn.

Nguyên tắc tối thượng trong ngành tài chính là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Do vậy thay vì tính toán quá kỹ với người nộp thuế, cơ quan thuế cần có cái nhìn phù hợp và nhân văn hơn, để người nộp thuế khỏi cảm thấy ấm ức hay thiệt thòi mỗi khi nộp thuế.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên