Kể từ ngày 1-3, mức viện phí ở nhiều bệnh viện trên toàn quốc sẽ tăng từ 30-50% so với mức hiện hành, việc tăng giá này trước mắt chỉ áp dụng với nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, trong ảnh một gia đình đang theo dõi bảng giá mới được niêm yết tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ảnh chụp sáng 1-3 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đó là những ý kiến về thực tế bị bệnh hiểm nghèo vẫn có nguy cơ nộp thuế.
Nhà nước không nên giữ “cửa trên”
Chị Nguyễn Nguyên (Q.Tân Bình, TP.HCM) tỏ ra bất ngờ khi có quy định người bị bệnh hiểm nghèo được giảm thuế, bởi dù đang điều trị duy trì nhưng chị vẫn phải đóng thuế hàng chục triệu đồng/năm.
Năm 2015 bị ung thư, khi phẫu thuật, do đã đóng bảo hiểm khoảng 20 năm, chị được bảo hiểm y tế chi trả ở mức cao là 80% chi phí phẫu thuật. Chị phải tự trả 20% còn lại.
“Trong trường hợp của tôi, số tiền 20% này không nhiều. Nhưng vấn đề còn cả quá trình điều trị lâu dài sau đó. Có người bệnh nặng, sau khi bảo hiểm trả còn phải trả thêm cả trăm triệu đồng/đợt điều trị” - chị Nguyên nói.
Cho rằng thuế TNCN là thuế người có thu nhập khá đóng góp cho xã hội khi họ có sức khỏe, vì vậy khi bị bệnh họ không xin Nhà nước, mà theo chị Nguyên, để công bằng, Nhà nước nên chia sẻ, giảm thuế cho họ.
Số tiền được khấu trừ nên là toàn bộ chi phí điều trị (có thể hàng trăm triệu đồng), thay vì tối đa bằng mức thuế phải đóng trong năm bị bệnh (thường chỉ vài chục triệu hoặc vài triệu đồng).
Một chuyên gia Học viện Tài chính Hà Nội phân tích cách khấu trừ thuế TNCN cho người bị bệnh hiểm nghèo mà ngành thuế đề xuất và áp dụng là không thực chất.
Vì đã bị bệnh hiểm nghèo thì khó đi làm nhiều, thu nhập sẽ giảm. Mà như thế có được khấu trừ thì cũng không đáng bao nhiêu, bởi quy định chỉ cho khấu trừ khoản tiền thuế đáng ra phải nộp của năm bị bệnh.
“Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nếu lỗ năm nay được tính sang cả năm sau để giảm thuế” - vị chuyên gia Học viện Tài chính băn khoăn và cho rằng Nhà nước không nên giữ “cửa trên”, kiểu gì cũng thu được thuế, trong khi để người nộp thuế được khấu trừ rất khó khăn.
Rất ít người biết được giảm thuế
Mặc dù danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được xét miễn giảm thuế TNCN đã được đưa ra nhiều năm, nhưng thực tế rất nhiều người khẳng định không được thông báo, tuyên truyền hoặc được hưởng chính sách này.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu Quốc hội kiêm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, thừa nhận chưa từng được nghe về quy định miễn giảm thuế TNCN cho những bệnh nhân hiểm nghèo.
“Nếu tôi biết thì phải hướng dẫn bệnh nhân ngay, đỡ để họ phải gắng sức làm việc và dễ tuân thủ yêu cầu điều trị” - ông Tuấn nói và cho rằng lẽ ra cơ quan thuế phải thông báo để các bệnh viện biết và hướng dẫn cho bệnh nhân...
Lý do, ông Tuấn nêu không thể phó mặc bệnh nhân cho bảo hiểm khi người bệnh tim phần lớn là tuổi cao và có thể cùng lúc mắc nhiều bệnh, sẽ dễ bị vượt trần thanh toán của bảo hiểm y tế. Chưa kể nhiều loại thuốc, xét nghiệm cần thiết nhưng ngoài danh mục bảo hiểm.
Ngay ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cũng thừa nhận không biết gì về quy định miễn giảm thuế TNCN cho người bị bệnh hiểm nghèo.
Không nên chỉ dừng ở 42 bệnh
Trước thực tế nhiều người bị bệnh hiểm nghèo vẫn đang phải nộp thuế, anh Đỗ Văn Nam (Q.Đống Đa, Hà Nội) đặt câu hỏi: tại sao chỉ bệnh nan y, khả năng chết rất cao Nhà nước mới cho miễn giảm thuế TNCN?
“Cần nhân văn hơn, người ta nộp thuế cả đời, bệnh tật thì Nhà nước nên chia sẻ, để họ có cơ hội mua thuốc, điều trị tốt, vượt qua và tiếp tục nộp thuế” - anh Nam nói và đề nghị ngoài danh sách 42 bệnh hiểm nghèo, nên có danh sách khác mở rộng với khoản miễn giảm thuế TNCN 50-70% số tiền phải nộp.
Lý do đơn giản là những người đã vào danh sách nộp thuế TNCN thường là những người có thu nhập minh bạch, nộp thuế lâu dài cho Nhà nước. Vậy khi họ có khó khăn, bệnh tật thì Nhà nước cũng cần chia sẻ thêm.
Anh D.Đ. (TP.HCM), người từng đặt stent động mạch vành và đã được giảm thuế TNCN do mắc bệnh hiểm nghèo, kiến nghị để đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế, cần sự phối hợp của Bộ Y tế trong việc đề xuất ban hành cũng như cập nhật danh mục bệnh hiểm nghèo.
“Ở đây, vai trò của cơ quan y tế rất quan trọng vì trong thực tế bệnh hiểm nghèo rất đa dạng, không chỉ gói gọn trong 42 bệnh. Chưa kể phương pháp điều trị cũng liên tục thay đổi.
Ngoài ra, người tiếp nhận hồ sơ giải quyết miễn thuế cũng cần có sự thấu hiểu, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế” - anh D.Đ. kiến nghị.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, kiến nghị trong trường hợp số tiền mà người nộp thuế phải bỏ ra để điều trị vượt quá số tiền thuế TNCN phải nộp trong năm, cơ quan thuế nên xem xét cho người nộp thuế được trừ tiếp số tiền điều trị vào số thuế năm sau.
“Trên thực tế số tiền này không đáng là bao so với số thu, nhưng lại rất có ý nghĩa với người lao động” - ông Xoa nói.
Mời bạn đọc phản ảnh bất cập của Luật thuế TNCN Luật thuế TNCN đã được ban hành năm 2007, có hiệu lực từ năm 2009. Đến nay dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng không ít bạn đọc phản ảnh còn nhiều vướng mắc, bất cập, kiến nghị sửa đổi. Để tạo thuận lợi và công bằng hơn cho người nộp thuế, báo Tuổi Trẻ rất mong nhận thêm được ý kiến cụ thể của bạn đọc liên quan đến Luật thuế TNCN, từ mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc tới việc giải quyết hoàn thuế và những câu chuyện thực tế mà bạn đọc đang gặp phải. Ý kiến đóng góp gửi về địa chỉ email: dangdv@tuoitre.com.vn. SĐT 0983599769. |
Nhiều nước giảm thuế cho người bị bệnh Thái Lan quy định cách tính thuế TNCN khá linh động. Người nộp thuế ở Thái được tính thuế theo công thức: thu nhập đánh thuế bằng tổng thu nhập trừ đi các khoản giảm trừ và trợ cấp như người phụ thuộc, bảo hiểm y tế. Thậm chí người Thái còn được giảm trừ cả học phí cho con, lãi trả góp nhà... Nhiều nước như Mỹ, Canada, Singapore cũng cho giảm trừ chi phí y tế khi tính thuế TNCN. Theo trang web của Cơ quan thuế vụ Mỹ, nước này cho phép người đóng thuế giảm trừ những chi phí y tế vượt hơn 10% tổng thu nhập trong một năm. Thu nhập chịu thuế sẽ là tổng thu nhập trừ đi các khoản giảm trừ như trên. Các chi phí y tế được đưa vào danh sách giảm trừ thuế rất đa dạng gồm các chi phí phòng chữa bệnh, phẫu thuật, điều trị răng và thị lực, điều trị tâm lý (ngoại trừ các chi phí đã được bảo hiểm thanh toán)... Các chi phí đi lại để điều trị cũng được miễn trừ thuế. Ngoài ra, người đóng thuế cũng có thể xin giảm trừ chi phí y tế cho vợ/chồng hoặc người phụ thuộc. Tại Pháp còn quy định cho giảm trừ thuế (tối đa 25% chi phí) dành cho người được chăm sóc y tế và chăm sóc tại nhà trong thời gian dài. |
“Tại sao chỉ bệnh nan y, khả năng chết cao Nhà nước mới cho miễn giảm thuế TNCN? Ngoài danh sách 42 bệnh hiểm nghèo, nên có danh sách mở rộng các loại bệnh có chi phí chữa trị cao khác với khoản miễn giảm thuế TNCN 50-70% Anh ĐỖ VĂN NAM (Q.Đống Đa, Hà Nội) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận