12/12/2016 10:49 GMT+7

Bệnh "thập tử nhất sinh" vẫn phải đóng thuế

LÊ THANH - ÁNH HỒNG - 
LAN ANH - VIỆT HÀ
LÊ THANH - ÁNH HỒNG - 
LAN ANH - VIỆT HÀ

TTO - Không ít người bị bệnh “thập tử nhất sinh” rất tốn kém nhưng chỉ được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân không đáng kể, thậm chí vẫn phải đóng như thường.

Chị Vũ Thu Huyền (31 tuổi, ở Hà Nội)  phải chi phí 5-7 triệu đồng/tháng chữa bệnh, cộng nuôi con nhỏ, nhưng sau khi giảm trừ gia cảnh, mỗi tháng chị Huyền vẫn phải đóng thuế TNCN trên 1 triệu đồng - Ảnh: Quang Định
Chị Vũ Thu Huyền (31 tuổi, ở Hà Nội) phải chi phí 5-7 triệu đồng/tháng chữa bệnh, cộng nuôi con nhỏ, nhưng sau khi giảm trừ gia cảnh, mỗi tháng chị Huyền vẫn phải đóng thuế TNCN trên 1 triệu đồng - Ảnh: Quang Định

Không ai muốn bị bệnh hiểm nghèo để được giảm thuế. Nhưng vấn đề là khi bị bệnh, chính sách hiện nay vẫn bó hẹp đối tượng và ngay người thuộc diện giảm trừ cũng không dễ được giảm trừ. Thực tế rất ít trường hợp được miễn giảm.

Cứng nhắc

Trầm ngâm và buồn bã, anh P.N.T. (Hà Nội) kể anh có cô con gái bị viêm màng não từ năm 4 tuổi, cháu bị bại liệt, thị lực kém. Đã 5 năm nay, cứ nghĩ đến con là hai vợ chồng anh rất đau buồn và luôn tìm mọi cách chữa trị cho con.

Chi phí tiền thuốc, điều trị cho con bình quân mỗi tháng mất khoảng 15 triệu đồng. Dù tiền lương của cả hai vợ chồng anh thuộc diện thu nhập khá, nhưng bệnh kéo dài nhiều tháng nên không khỏi túng thiếu.

Thế nhưng tiền nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hằng tháng của anh vẫn bị thu đều. Kế toán nói theo quy định của ngành thuế, nếu chính anh bị bệnh hiểm nghèo trong danh mục 42 bệnh có sẵn mới được trừ thuế.

Nhiều lúc thương con, muốn tìm thêm cơ chế điều trị cho con hoặc đơn giản cho cháu đi chơi để khuây khỏa, nhưng do tài chính hạn hẹp nên mọi dự định đều phải gác lại.

“Mỗi năm tổng tiền thuế TNCN tôi vẫn phải nộp lên tới gần 30 triệu đồng. Giá mà được Nhà nước cho miễn, giảm để tôi có thêm tiền chữa trị cho con thì tốt biết bao” - anh T. mong mỏi.

Còn chị Trần Thị Hậu (Khâm Thiên, Hà Nội) bị ung thư gan từ cuối năm 2015. Phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu nên chị đã điều trị ngay. Chi phí điều trị trong năm 2015 tốn khoảng 150 triệu đồng.

Nghỉ làm nửa năm, từ tháng 5-2016 chị đi làm lại nhưng chỉ làm được công việc nhẹ. Thu nhập giảm sút. Số tiền điều trị rất lớn nhưng khi quyết toán thuế, chị chỉ được giảm đúng 26 triệu đồng, bằng số tiền thuế phải nộp chính năm bị bệnh.

“Suốt hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng đóng góp 25-30 triệu đồng thuế TNCN. Nay bị bệnh, Nhà nước cũng không cho trừ hết số tiền điều trị. Với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, để duy trì cần điều trị những loại thuốc đặc trị và để thanh toán bảo hiểm cho khoản này rất khó khăn.

“Rất cần Nhà nước xem xét hỗ trợ cho trừ dần số tiền tôi đã phải bỏ ra để điều trị” - chị Hậu đề xuất.

Chữa trị duy trì, vẫn tính thuế

Theo Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn, người mắc bệnh trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo sẽ được miễn giảm thuế TNCN. Tuy nhiên, số bệnh trong danh mục đã ít, ngay cả khi nằm trong danh mục cũng hết sức khó khăn để được hỗ trợ thuế trong suốt quá trình điều trị.

Phát hiện mắc ung thư vú từ giữa năm 2014 và chính thức điều trị từ tháng 7-2014, chị Vũ Thu Huyền (31 tuổi, ở Hà Nội) đã và đang trải qua “cuộc chiến” thực sự.

“Bị ung thư mới hiểu kích bạch cầu và chọc tủy đau đớn như thế nào. Nằm cũng đau ngồi cũng đau, đau mọi giác quan” - chị Huyền nói vừa đau, lại vừa canh cánh về tài chính khi chi phí điều trị nhiều tới mức chóng mặt.

Nay đã ở giai đoạn điều trị duy trì, phải chi phí 5-7 triệu đồng/tháng, cộng nuôi con nhỏ, nhưng sau khi giảm trừ gia cảnh, mỗi tháng chị Huyền vẫn phải đóng thuế TNCN trên 1 triệu đồng.

“Từ khi bị bệnh tôi phải tính toán kỹ, ngay cả trong mua sắm thực phẩm. Nếu có thêm, dù chỉ 1 triệu cũng đỡ khó khăn ít nhiều”. Chị Huyền bức xúc cho biết trong câu lạc bộ có 500 chị em bị ung thư vú, nhiều chị vẫn phải nộp thuế TNCN và đều không biết gì về quy định miễn giảm.

“Chúng tôi phải làm cách nào để quy định này được các cơ quan tự động thực hiện?” - chị Huyền hỏi.

Cùng sinh hoạt trong CLB phụ nữ ung thư vú của chị Huyền, chị N.T.T. mắc bệnh từ tháng 3-2014 và hiện cũng đang trong quá trình điều trị duy trì.

Theo chị T., từ khi bị bệnh chị đã báo cho nhân viên cơ quan thuế quận Tây Hồ. Tuy nhiên họ không thông báo có chuyện miễn giảm thuế cho người bệnh hiểm nghèo và chị vẫn phải nộp thuế.

Với ý kiến nói “bệnh đã có bảo hiểm trả”, theo chị T., thử bị bệnh sẽ thấy còn phải mua rất nhiều thuốc men, thực phẩm chức năng, chi phí khác để tăng cơ hội sống.

“Nếu chỉ có thuốc bảo hiểm y tế thanh toán thì chắc chắn chưa đủ yêu cầu để chữa bệnh”- chị T. nói và mong được giảm thuế vì cho rằng chính sách thuế cũng cần nhân văn và chia sẻ với dân.

Khó được giảm thuế

Năm 2013, danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được ban hành để xét giảm thuế TNCN, gồm: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, đột quỵ, hôn mê, liệt hai chi, mù hai mắt, mất hai chi, suy thận, chấn thương sọ não...

Tuy đã có danh mục nhưng có những bệnh “không chữa thì chết” lại không có trong danh mục.

Năm 2015, Cục Thuế tỉnh Long An đã phải làm văn bản hỏi Tổng cục Thuế bệnh cột sống, đĩa đệm đã phẫu thuật thay thân sống - nẹp vis cột sống thắt lưng có được coi là bệnh hiểm nghèo? Đây chỉ là một trong rất nhiều bệnh nguy hiểm, chi phí chữa trị lớn nhưng chưa được đưa vào danh sách bệnh hiểm nghèo.

Mặc dù quy định đã có từ năm 2013 nhưng đến nay, thực tế rất ít người được giảm thuế TNCN do bị bệnh. Kế toán trưởng một DN có trụ sở tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết trong hơn 8 năm qua, tại DN này chỉ có một trường hợp được miễn giảm toàn bộ số thuế TNCN phải nộp trong năm.

“Thủ tục đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh khá phức tạp”, vị kế toán trưởng này nói và nêu nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nhưng do quy định khá chặt nên họ không được hưởng. Chẳng hạn một người đã nộp mức thuế khá cao nhiều năm, chuẩn bị về hưu thì mắc bệnh.

Tuy nhiên trong năm thực hiện phẫu thuật người này chỉ làm vài tháng nên thu nhập khá thấp, không đến mức nộp thuế. Do vậy không được miễn giảm.

“Người nộp thuế cũng cảm thấy không công bằng khi những năm trước đó đã nộp số thuế rất lớn nhưng nay bệnh thì không được chia sẻ, bù trừ”, ông này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chi cục thuế cũng thừa nhận rất ít người mắc bệnh hiểm nghèo được giảm thuế, dù đã có quy định.

“Từ khi tôi phụ trách mới chỉ có một vài trường hợp. Có thể họ không biết hoặc ngại thủ tục”, đại diện một chi cục thuế tại TP.HCM cho biết.

Ông này cũng thừa nhận với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hầu như sau khi điều trị đều không còn sức khỏe để làm việc mà chủ yếu phải dưỡng bệnh. Do vậy, nếu tính số tiền được miễn giảm tối đa không quá số tiền thuế phải nộp trong năm theo quy định thì đúng là người bệnh không hưởng được bao nhiêu…

* Bà Tạ Thị Phương Lan (phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN, Tổng cục Thuế):

Sẽ xem xét giảm thuế

Chi phí khám chữa bệnh được miễn giảm thuế TNCN theo quy định đúng là không được vượt quá số tiền thuế TNCN mà người nộp thuế phải đóng.

Ví dụ bà A bị mắc bệnh ung thư năm 2015, chi phí điều trị trong năm 2015 hết 40 triệu đồng. Và tiền thuế TNCN năm 2015 bà A phải nộp là 10 triệu đồng. Như vậy, bà A được miễn giảm tối đa là 10 triệu đồng trong năm 2015 thôi.

Trên thực tế, có một số trường hợp đã phản ảnh và đề nghị với cơ quan thuế cho miễn giảm khoản tiền khám chữa bệnh sang những năm sau.

Đây là kiến nghị rất phù hợp với đạo lý và cá nhân tôi ủng hộ đề nghị này. Bởi với doanh nghiệp có gặp khó khăn, lỗ vẫn được chuyển lỗ trong 5 năm sau để trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhằm tạo công bằng giữa cá nhân với doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ xem xét sửa chính sách. Việc miễn giảm thuế cho người không may bị mắc bệnh hiểm nghèo cơ bản không ảnh hưởng gì tới thu ngân sách cả...

* Anh Hàn Minh Mẫn (B8 khu đô thị Văn Quán, Hà Nội):

Đánh đố dân?

Tôi có bà nội ngoài 80 tuổi. Bố mẹ tôi đã già, nên tôi gửi tiền về để bố mẹ chăm sóc bà. Quy định cho tôi được giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu, tức được trừ vào số tiền tính thuế, từ đó giúp giảm số thuế phải nộp.

Nhưng với đối tượng là ông bà, cô dì, chú bác… biểu mẫu của Bộ Tài chính lại bắt đem ra xã, phường xác nhận, trong đó có câu bà tôi thuộc diện “không nơi nương tựa”.

Thế là đánh đố dân? Không nơi nương tựa hầu hết đều hiểu người thân chết cả rồi, hoặc không ai chịu nuôi? Bố mẹ tôi còn đó, chỉ khó khăn thôi, sao cứ phải có câu này? Biểu mẫu trên làm nhiều người không dám đem ra phường xác nhận để được giảm trừ gia cảnh.

Đề nghị Bộ Tài chính cần phải sửa ngay mẫu đăng ký người phụ thuộc. Chỉ cần xin xác nhận đúng đây là ông bà, chú, bác… có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng và không còn trong độ tuổi lao động là được.

 

 

Mời bạn đọc phản ánh bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đã được ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Đến nay, dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng không ít bạn đọc đã phản ánh với Tuổi Trẻ về nhiều vướng mắc, bất cập của Luật này, đồng thời kiến nghị sửa đổi.

Để tạo thuận lợi và công bằng hơn cho người nộp thuế, báo Tuổi Trẻ rất mong nhận thêm được ý kiến cụ thể của bạn đọc liên quan đến Luật thuế TNCN, từ mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ 3,6 triệu/tháng cho người phụ thuộc, cho tới việc giải quyết hoàn thuế và những câu chuyện thực tế mà bạn đọc đang gặp phải.

Ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: dangdv@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ mong sớm nhận được phản hội tích cực từ bạn đọc để tiếp tục kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý trong thực hiện Luật thuế TNCN hiện hành.

TÒA SOẠN

 

LÊ THANH - ÁNH HỒNG - 
LAN ANH - VIỆT HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên