19/06/2024 08:55 GMT+7

Dùng thực phẩm nào để giúp phục hồi đau thắt lưng?

60 - 90% người trưởng thành bị đau thắt lưng ít nhất một lần trong đời. Thông thường khi chữa chứng đau thắt lưng mạn tính, người ta hay sử dụng các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, tập luyện...

Khi đứng, ngồi không đúng tư thế hoặc ngồi lâu đều có nguy cơ gây đau lưng - Ảnh minh họa

Khi đứng, ngồi không đúng tư thế hoặc ngồi lâu đều có nguy cơ gây đau lưng - Ảnh minh họa

Nhưng có một liệu pháp hết sức đơn giản mà rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ điều trị và dự phòng tích cực tình trạng đau lưng tái phát, đó là việc lựa chọn các thực phẩm thông dụng hằng ngày.

Nhiều bệnh gây đau thắt lưng, hơn 85% không có chẩn đoán xác định

Bác sĩ Hà Tường, Bệnh viện Phòng không - Không quân, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, đau thắt lưng là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở nhiều người, tỉ lệ đau thắt lưng hằng năm khoảng 5% dân số, 50% người trong số đó ở độ tuổi lao động.

Có nghiên cứu cho rằng 60 - 90% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời. Hằng năm chi phí ở Mỹ cho đau thắt lưng khoảng 63 tỉ đến 80 tỉ đô la, trong đó 16 tỉ đô la cho điều trị.

Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng, trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu.

Các cơ này duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống, đồng thời giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo thắt lưng do hoạt động hằng ngày quá sức; bê, nâng vật nặng; động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần; ngồi hoặc đứng quá lâu; vận động không đúng tư thế.

Đau vùng thắt lưng có thể do các bệnh khớp khối u cột sống; viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống; bệnh mạch máu như phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng; bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng...

Tuy nhiên để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng thắt lưng còn là vấn đề phức tạp, người ta cho rằng có hơn 85% đau vùng thắt lưng không có chẩn đoán xác định.

Dùng thực phẩm ích tủy, bổ thận, cường gân cốt

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Hội Đông y Việt Nam, cho biết đau lưng là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý nội ngoại khoa. Ở đây chỉ đề cập đến chứng đau lưng mạn tính hay gặp ở người có tuổi do tình trạng hư xương sụn cột sống thắt lưng gây nên (trước đây thường gọi là thoái hóa cột sống).

Trong y học cổ truyền, đau lưng dạng này thuộc phạm vi chứng yêu thống do nhiều nguyên nhân dẫn đến, trong đó phần nhiều là do thận hư.

Cổ nhân quan niệm rằng lưng là phủ của thận, thận chủ cốt tủy, nếu thận tinh hư suy thì tinh tủy không đầy đủ nên đưa tới tình trạng đau lưng, thậm chí kèm theo hai chân yếu bại đi lại khó khăn. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm nên có tác dụng bổ thận, ích tủy, cường gân cốt.

- Thận lợn: Còn gọi là trư yêu tử, vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ thận, cường yêu (làm khỏe lưng), ích khí, hoãn giải yếu thống do thận hư. Lấy thận để bổ thận đó chính là một trong những ví dụ điển hình của việc ứng dụng thuyết "dĩ tạng bổ tạng" trong y học cổ truyền.

Dân gian thường dùng món ăn bài thuốc: thận lợn một đôi bổ lọc bỏ màng trắng bên trong đem hầm với đỗ trọng 10g ăn hằng ngày để chữa chứng yêu thống.

- Xương dê: Xương sống hay xương ống chân đều có công dụng bổ thận khí, cường gân cốt và làm khỏe lưng gối.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng xương ống chân dê sao cháy rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 3 - 6g với rượu nhạt đun nóng để chữa chứng đau lưng mạn tính.

Hoặc xương sống và xương chậu, xương đùi dê 300 - 500g, gạo tẻ 500g. Nấu cháo thêm gia vị thích hợp. Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp mỏi mệt, đau lưng mỏi gối ở người cao tuổi.

- Hải sâm: Có công dụng bổ thận, trị chứng đau lưng và đau gối. Sách Bản thảo Tùng tân viết hải sâm bổ thận kinh, ích tinh tủy. Kinh nghiệm dân gian khuyên những người đau lưng nên dùng hải sâm, thận dê, đỗ trọng, hồ đào nhục, xương sống lợn, lộc giác giao và kỷ tử nấu canh ăn hằng ngày.

- Đông trùng hạ thảo: Tính ấm, vị ngọt, có công dụng bổ hư tổn, ích tân khí. Sách Dược tính khảo viết đông trùng hạ thảo bí tinh ích khí, chuyên bổ mệnh môn. Kinh nghiệm dân gian khuyên những người bị đau lưng nên dùng đông trùng hạ thảo 3-5g hầm cách thủy với gà trống ăn mỗi tuần 1 lần.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh cột sống - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh cột sống - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cần phòng ngừa tái phát

Bác sĩ Hà Tường nhấn mạnh đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc điều trị cơ bản là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Vấn đề cơ bản và quan trọng của điều trị là phục hồi chức năng vận động của vùng thắt lưng và phòng ngừa đau tái phát.

Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp, đau lưng tái phát và thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể, đặc biệt là cột sống ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày.

- Đứng: Khi đứng cần phải đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân, không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình dài ra, đặc biệt là dùng giày hoặc guốc cao gót.

- Ngồi: Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Có thể kê một gối mỏng vùng thắt lưng để giữ đường cong bình thường của đoạn cột sống này.

- Bê hoặc nâng đồ vật lên: Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác.

Cụ thể như sau: Hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc; Ngồi xổm xuống (gấp khớp gối và khớp háng, không cúi gấp cột sống); Bê đồ vật vào sát bụng, căng cơ bụng ra; Nâng đồ vật lên bằng cách đứng dậy (không dùng cơ thắt lưng để nâng); Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn; Độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường

- Lấy đồ vật ở trên cao: Nếu đồ vật để cao quá (trên vai) nên dùng bục, ghế hoặc thang để đứng lên; Không cố để với lấy đồ vật bằng cách kiễng chân lên; Thu xếp đồ dùng xung quanh cho có diện tích đủ rộng để không phải với lấy đồ vật qua bàn, qua tủ, ở tư thế không thoải mái

- Kéo hoặc đẩy đồ vật đi: Nếu có thể chọn nên dùng cách đẩy hơn là kéo, nhất là với những đồ vật to, nặng. Khi kéo hoặc đẩy cũng cần lưu ý đến tư thế của cột sống và các khớp, khoảng cách giữa hai chân.

Các động tác phối hợp: Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng để tạo chân đế vững chắc; Hai gối hơi gấp; Kéo hoặc đẩy trọng lượng của cơ thể trên hai chân để tạo nên lực kéo hoặc đẩy đồ vật đó đi. Không đẩy hoặc kéo đồ vật đó bằng cơ lưng; Giữ độ ưỡn của đoạn thắt lưng ở mức bình thường.

Suýt liệt vĩnh viễn vì đắp lá chữa đau lưngSuýt liệt vĩnh viễn vì đắp lá chữa đau lưng

Người dân khi chưa biết rõ tác dụng và cách sử dụng các loại lá có tác dụng chữa bệnh, tuyệt đối không làm theo những phương pháp chưa được kiểm chứng kẻo tiền mất, tật mang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên